Nhân đạo, từ thiện - một nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận

08:09, 02/12/2011

Nhân Đại hội Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2011-2016, PV Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về công tác từ thiện, nhân đạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí có đánh giá gì về hoạt động từ thiện, nhân đạo mà vai trò nòng cốt là Hội CTĐ các cấp đứng ra vận động trong thời gian qua?

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương: Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh của các tỉnh vùng Đông Bắc. Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, phấn đấu khắc phục khó khăn và đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế của tỉnh trong những năm qua phát triển với tốc độ khá nhanh, bình quân hàng năm đạt trên 11,11%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, năng lực sản xuất được tăng cường, công tác văn hóa xã hội chuyển biến tích cực. Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn" và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai và đạt kết quả thiết thực...

 

Sau 22 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng (khóa VI) về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội CTĐ Việt Nam" đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tổ chức Hội CTĐ từ tỉnh tới cơ sở ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả. Hiện, 181/181 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và 78 cơ quan, tổ chức có tổ chức Hội CTĐ với gần 200.000 hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ. Vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội CTĐ các cấp ngày càng được khẳng định; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhân đạo nói chung và hoạt động của Hội CTĐ nói riêng được tăng cường.

 

Các cấp chính quyền đã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, phương tiện, cơ chế, chính sách cho Hội hoạt động và từng bước phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo. Các phong trào: “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã trở thành phong trào rộng lớn, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Kết quả hoạt động của Hội CTĐ các cấp từ tỉnh tới cơ sở trong những năm qua đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, trẻ em tàn tật, mồ côi, người già cô đơn, người bị nhiễm điôxin do hậu quả của chiến tranh, người bị thương tật; người bị mắc vào tệ nạn xã hội, người bị tai nạn giao thông… được giúp đỡ vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

 

P.V: Cùng với những kết quả được đánh giá là khá nổi bật của Hội CTĐ các cấp trong 5 năm qua, thì những hạn chế nào cần sớm khắc phục trong hoạt động của Hội, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CTĐ cũng còn những hạn chế cần sớm khắc phục, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đảng viên và một bộ phận nhân dân về hoạt động của Hội CTĐ còn hạn chế, chưa thấy hết vai trò, vị trí quan trọng của Hội trong công tác xã hội, từ thiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, liên tục; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn chưa theo kịp những vấn đề mới phát sinh, nội dung, hình thức hoạt động Hội CTĐ các cấp từ tỉnh đến cơ sở chậm được đổi mới, chưa huy động được hết các nguồn lực trong xã hội phục vụ công tác nhân đạo, từ thiện...

 

P.V: Để hoạt động từ thiện, nhân đạo trở thành nét đẹp cộng đồng, theo đồng chí trong thời gian tới Hội CTĐ các cấp cần làm gì để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động?

 

Đồng chí Phạm Xuân Đương: Thái Nguyên là tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã làm tròn sứ mạng lịch sử, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Trung ương để lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến, Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và là địa phương có nhiều đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam điôxin, trẻ em tàn tật, mồ côi, người già cô đơn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao...Tất cả các đối tượng trên ngoài sự đầu tư, chăm lo của Nhà nước thì rất cần sự đóng góp của các lực lượng xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, trong đó Hội CTĐ đóng vai trò nòng cốt, là cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

 

Để công tác nhân đạo, từ thiện trên địa bàn toàn tỉnh trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng và thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam” và Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CTĐ”, các cấp, ngành, các tổ chức Đảng cần xác định công tác nhân đạo, từ thiện là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên cũng như của toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do đó cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với kiểm tra, giám sát đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội CTĐ các cấp cũng như các tổ chức có liên quan. Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất để các cấp Hội CTĐ hoạt động có hiệu quả. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Hội CTĐ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu để nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động của Hội CTĐ các cấp.

 

Hội CTĐ tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, gắn bó các với đối tượng, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, xa, vùng còn nhiều khó khăn. Chủ động thực hiện 7 nội dung hoạt động CTĐ được quy định trong Luật Hoạt động CTĐ, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các gương sáng trong hoạt động nhân đạo. Gắn kết các phong trào, các cuộc vận động của Hội CTĐ với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Các cấp Hội, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ phải nhận thức một cách đầy đủ công cuộc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của sự phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và mang tính nhân văn sâu sắc. Trước mắt tập trung ưu tiên thực hiện các nội dung: Đẩy mạnh sản xuất để năng cao mức sống của người dân; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ khó khăn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu,  xa, vùng khó khăn của tỉnh.

 

Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Hội CTĐ với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác nhân đạo theo sự chỉ đạo của Trung ương, tránh chồng chéo, trùng lắp, để các hoạt động nhân đạo được thực hiện đúng mục đích, chăm sóc đúng đối tượng, không bị lợi dụng gây ảnh hưởng xấu đến phong trào nhân đạo, từ thiện do Đảng, Nhà nước phát động. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo, từ thiện và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội CTĐ trong công tác này. Đây là một giải pháp quan trọng để giáo dục tinh thần tương thân, tương ái một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh CNH-HĐH để xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra...

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.