Người dân ở xóm Sơn Tập 3, thị trấn Đại Từ (Đại Từ) và xã Hùng Sơn thật sự phấn khởi khi chiếc cầu cứng nối xóm Sơn Tập 3 với xã Hùng Sơn được đưa vào sử dụng.
Bao năm qua, việc đi lại của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, trắc trở. Ông Lê Văn Phúc, một người dân sống gần cầu, thuộc xóm Sơn Tập 3 cho biết: “Trước đây khi phải đi trên cây cầu cũ, bà con đi lại rất vất vả, ít có người nào dám điều khiển xe máy đi qua cầu, bởi nó rất hẹp. Đã có vài người bị rơi cả người lẫn xe xuống dưới cầu. Mấy thanh sắt (cầu) cũng nhiều lần bị nước lũ cuốn trôi nhưng nhân dân lại vớt lên sử dụng. Bà con vận chuyển hàng hóa, thóc lúa rất hạn chế trong khi nhu cầu rất lớn. Nay có có cầu mới, bà con mừng lắm”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cây cầu này được thực hiện theo Dự án xây dựng 100 cây cầu nông thôn tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và vùng đặc biệt khó khăn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong 2 năm 2010, 2011.
Chương trình nhằm xóa cầu khỉ, cầu tạm, giải quyết việc lại cho học sinh, nhân dân vượt lũ trong mùa mưa bão. Không những vậy, chương trình còn giúp đoàn viên thanh niên phát huy được vai trò xung kích của các tổ chức đoàn trong việc vận động nhân dân hiến đất. Đoàn viên thanh niên là những người đóng góp công sức làm đường dẫn nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho việc xây dựng cầu mà vẫn đạt hiệu quả cao. Theo đó, Tỉnh đoàn là đơn vị đứng ra làm chủ đầu tư, thuê nhà thầu và khởi công từ tháng 6-2011. Do được sự quan tâm của phía đầu tư và nhà thầu cũng như địa phương nên hơn một tháng sau khởi công, cây cầu đã thành hình.
Được biết, chi phí để hoàn thành mố và thân cầu là 155 triệu đồng. Các hạng mục khác do đoàn viên, thanh niên địa phương góp sức hoàn thiện. Tuy nhiên, vì khe suối sâu, đường dốc nên cần đổ rất nhiều cát sỏi để lấp đường dẫn bằng với mặt cầu mới. Để cùng chung tay với đoàn viên thanh niên làm nên chiếc cầu, UBND thị trấn Đại Từ đã hỗ trợ 10 triệu đồng để mua xi măng, cát sỏi để san lấp. Còn lực lượng đoàn viên, thanh niên của thị trấn Đại Từ góp ngày công lao động san lấp tạo đường dẫn.
Là một trong những đoàn viên tham gia nhiệt tình nhất trong khi thực hiện việc san lấp đường dẫn lên cầu, chị Nguyễn Thị Bích Quế, Bí thư Đoàn thị trấn Đại Từ nói: “Cây cầu tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với bà con và các em học sinh nhất là trong mùa mưa bão. Để cầu sớm đưa vào sử dụng, ngay sau khi thân cầu được xây xong, chúng tôi đã huy động mỗi ngày hàng chục đoàn viên, thanh niên dùng cuốc, xẻng để san lấp đường dẫn. Đến khi làm xong mặt bằng, ước tính, đoàn viên đã góp trên một trăm ngày công. Sắp tới khi mặt đường dẫn đã ổn định, chúng tôi sẽ rải bê tông và tiếp tục hoàn thiện các hạng mục khác. “Cây cầu nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn"