Niềm vui có đường mới

13:56, 06/12/2011

Năm 2010, tuyến đường giao thông liên xã dài 7km của Kim Phượng đã được thi công, với tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư 28 tỷ 629 triệu đồng.

Đến với Kim Phượng (Định Hóa) những ngày này, chúng tôi bắt gặp vẻ mừng vui, hứng khởi trên từng khuôn mặt người. Câu đầu tiên mà Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phượng, ông Sầm Văn Bách nói với chúng tôi cũng tràn ngập niềm vui: Chúng tôi sắp hết phải ca “bài ca muôn thủa” về con đường “lắm nỗi nhọc nhằn” rồi. Chỉ tầm nửa tháng nữa, tuyến đường sẽ được đưa vào sử dụng. Tết nay niềm vui của bà con Kim Phượng được nhân đôi!

 

Năm 2010, tuyến đường giao thông liên xã dài 7km của Kim Phượng đã được thi công, với tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư 28 tỷ 629 triệu đồng. 4 gói thầu thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên, Công ty TNHH Tùng Niên, Việt Dũng, Công ty Xây dựng cầu đường giao thông 2 đều thực hiện đúng tiến độ và tuân thủ theo công nghệ làm đường mới nhất. UBND xã đã thành lập Ban Giám sát cộng đồng bám sát trong suốt quá trình thi công, việc khảo sát, đánh giá tiến độ, chất lượng được tiến hành thường xuyên từ khâu tạo nền móng, dải bây… Nhớ về những ngày “khốn khổ” vì đường, ông Sầm Văn Bách bày tỏ: Trước đây, Tuy đã được hỗ trợ làm đường từ Chương trình 135, nhưng mức đầu tư còn hạn hẹp, chỉ đủ để làm thành nền đường, mở được lối đi. Được ngày nắng, đến ngày mưa thì sạt lở, lầy lội gây ách tắc, vì vậy việc giao lưu, trao đổi hàng hóa hết sức khó khăn. Đến khi triển khai làm đường mới thì lại gặp trở ngại trong khâu giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất. Bà con mình quý đất lắm, cán bộ xã, các trưởng bản vẫn phải đi sâu đi sát với nhân dân, nói rõ mục đích, lợi ích của việc mở đường cho dân tình hiểu. Chính vì vậy mà vấn đề này nhanh chóng được giải quyết.

 

Cho xe chạy trên trục đường rộng, tôi cũng thấy vui lây với niềm vui của người dân nơi đây. Những khối đá dăm đã được đổ chi chít bên lề chuẩn bị cho việc rải nhựa, tiếng máy lu chậm chậm cũng làm tôi nao nức. Con đường đất lầy lội, đầy ổ voi ổ gà chỉ rộng 2m trước đây giờ là con đường rộng rãi với bề ngang 6m, mặt đường được dải nhựa 3,5m. Bác Dương Văn Tiến (Bản Lanh - Kim Phượng) phấn khởi “Có đường mới này dân đi lại dễ dàng hơn, không cực nhọc như xưa nữa. Chúng tôi hiến đất làm đường vì một ý nghĩ đơn giản, con đường sẽ tạo ra nhiều điều kiện phát triển kinh tế, có đường rồi sẽ dễ mà có nhiều thứ khác. Mong ước có con đường nhựa sạch đẹp bấy lâu giờ đã thành hiện thực, người già như tôi cũng thấy vui như con trẻ được bánh được quà”.

 

Là xã cuối cùng trong huyện có đường liên xã, tuy con đường chưa hoàn công nhưng việc đi lại của 753 hộ dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể. Nhắc về những dự định trong thời gian tới khi giao thông không còn là trở ngại, Phó Chủ tịch Bách tiếp lời: Trong mấy năm gần đây, Kim Phượng đang thay đổi nhanh chóng. Trường Tiểu học, Trạm Y tế đã đón Chuẩn Quốc gia 2008, tháng 12 năm nay sẽ đón Chuẩn Mầm non mức độ 2. Khâu sản xuất cây trồng vật nuôi đang được đầu tư chú trọng, bà con đã đưa các giống lúa mới năng suất vào trồng, chăn nuôi theo hình thức gia trại lớn nhỏ khá đều và ổn định. Hiện tại xã có 6 - 7 gia trại chăn nuôi lợn từ 50 - 100 con. UBND xã đang có ý tưởng xây dựng kinh tế theo chương trình nông thôn mới, dự định quy hoạch tập trung vùng như: vùng sản xuất hàng hóa, khoanh vùng chăn nuôi, vùng dịch vụ, trung tâm văn hóa… Cũng đã có một vài chủ xe buýt đến xã đặt vấn đề xin được chạy qua, có xe rồi thì học sinh đi học cũng dễ, dân đi chợ cũng tiện… Từ cuối năm 2010 Chương trình 135 đã kết thúc, đến nay chưa có sự đầu tư thêm, nhưng mọi thứ đang dần khởi sắc ở Kim Phượng.

 

Đi dọc tuyến đường Bản Đa, Bản Lác, bà con đang hối hả với vụ mùa bội thu, những chiếc máy vò lúa đặt trên nền đường mới phát tiếng kêu giòn giã hòa cùng tiếng nói cười hân hoan. Bác Trần Văn Cầu (Bản Lác, Kim Phượng) chia sẻ: khi trước đường đi không thuận tiện, mỗi khi có lúa hay nông sản cần bán là gặp không ít phiền toái. Nằm cách trung tâm huyện Định Hóa chỉ 5 km nhưng người mua hàng phải chạy đường vòng từ Quy Kỳ sang chứ không thể đi đường từ trung tâm huyện nên thường hay ép giá. Giờ có đường mới rồi, người làm ruộng dễ dàng mang tiến bộ khoa học về mà trồng lúa, chăn nuôi. Bọn trẻ thì được chăm lo học hành, không vì đường khó mà học không cao nữa. Tất thảy dân trong xã vui lắm, có con đường mới như có được món quà lớn. Chúng tôi ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm. Nói đoạn bác dắt chiếc xe đạp và thong thả đạp sóng đôi cùng tôi trên đường mới: “Đường Bản Lác ngày trước khó đi nhất xã, có xe mà cũng ngại đi, nhưng giờ thì khỏe lắm rồi” - nghe bác cười vui vẻ, chắc hẳn thật khó để tả được niềm vui, con đường như đang cho đất và người Kim Phượng một bài ca mới, một mạch sống mới.