Tăng cường phối hợp quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử

10:17, 26/12/2011

Theo thống kê, toàn huyện Định Hóa có 128 điểm di tích, trong đó 13 di tích cấp Quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh và 108 di tích đang xác minh, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng. Việc quản lý, bảo vệ tốt các di tích vừa có ý nghĩa tri ân với thế hệ cha anh, đồng thời góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ ở địa phương. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý, bảo vệ các di tích chưa thật hợp lý đã khiến một số công trình xuống cấp, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến là di tích lịch sử Nhà 8 mái, tại xóm Khuân Hấu, xã Trung Lương, nơi diễn ra Hội nghị thi đua toàn quân lần thứ nhất bầu ra 50 chiến sỹ thi đua tiêu biểu trong phong trào thi đua lập công (12-4-1952). Tại đây, những người anh hùng đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… đã được vinh danh. Năm 2006, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đầu tư một khoản tiền lớn để xây dựng bia tưởng niệm và khuôn viên trên nền cũ của Nhà 8 mái.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu di tích, ông Lường Văn Thi, Bí thư Chi bộ thôn Khuân Hấu buồn rầu bảo: “Họ xây xong rồi bỏ đấy, không giao lại cho địa phương trông coi, thành thử cây cối, cỏ mọc um tùm. Từ lâu khu vực này trở thành nơi chăn thả trâu bò “lý tưởng” của người dân trong xóm”. Theo quan sát của chúng tôi, con đường đất dẫn vào khu di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn lầy lội không đi được xe máy, bậc lên di tích đã bị vỡ từng mảng lớn, bia tưởng niệm đã bị tróc sơn và khuôn viên đầy rác, lá cây rụng…chứng tỏ từ lâu công trình không có bàn tay con người tác động đến. Ông Thi cho biết thêm: “Xóm không được giao trách nhiệm trông coi, phát dọn nên không ai dám tự tiện tác động đến. Công trình đang xuống cấp nhanh chóng và gần như bị lãng quên bởi cả năm không có ai đến thăm quan”.

 

Tương tự, Di tích nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam (1949-1954) tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh cũng không thường xuyên được quan tâm. Anh Hoàng Văn Tập, cán bộ văn hóa xã Bảo Linh: Công trình được phục dựng lại vào năm 2004. Ngay sau đó, Ban Quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đã thuê ông Hà Văn Thuận ở cùng xóm trực tiếp trông coi, quét dọn. Tuy nhiên việc kiểm tra, đôn đốc việc trông coi của Ban Quản lý không đều, ông Tập lại thường xuyên vắng nhà nên có tình trạng công trình bị rác, cây dại xâm lấn, một số nội thật bên trong do ẩm đã có hiện tượng mục gãy. Theo anh Tập: “Nếu Ban Quản lý giao trực tiếp trách nhiệm cho xóm hoặc xã thì việc quản lý, bảo vệ di tích sẽ tốt hơn rất nhiều”.

 

Được biết, công tác quản lý, bảo vệ chưa thật sự sâu sát, thiếu sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương là nguyên nhân dẫn tới một số di tích trên địa bàn huyện Định Hóa bị xuống cấp và xâm phạm. Cụ thể như tình trạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà tù Chợ Chu, thuộc phố Trung Kiên, thị trấn Chợ Chu từ lâu trở thành điểm đến “lý tưởng” cho các đối tượng chích, hút ma túy. Con đường dẫn lên di tích um tùm cây cối do không được phát dọn và đầy rẫy những kim tiêm. Các hạng mục công trình, bia chỉ dẫn nhiều chỗ bị đổ vỡ, xuống cấp. Hay việc tu sửa, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa Chùa Hang thuộc xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu (năm 2011) trái với những quy định trong Luật Di sản. Nhà chùa tự ý phá bỏ Miếu Mẫu để làm nhà ở cho sư đã làm mất đi yếu tố kiến trúc nguyên mẫu hàng trăm năm và thay đổi diện mạo cảnh quan tự nhiên… Tình trạng này đã được phản ánh trên báo chí và một số phương triện thông tin đại chúng.

 

Ông Trần Doãn Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa cho biết: Vấn đề một số di tích lịch sử bị xuống cấp hoặc xâm hại là có thực và đã được nhân dân nhiều địa phương phản ánh qua các buổi tiếp xúc cử tri. Hiện, hầu hết các di tích trên địa bàn được giao cho Ban Quản lý di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, tỉnh và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do ở xa, lại thiếu nhân lực các cơ quan trên không thường xuyên tiến hành kiểm tra, tu bổ được dẫn đến tình trạng các di tích bị xuống cấp. Thiết nghĩ, để công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các di tích lịch sử, văn hóa thật sự đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng nên giao trực tiếp trách nhiệm trông coi cho chính quyền cơ sở nơi có di tích. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng về văn hóa và chính quyền địa phương để cùng tôn tạo, bảo vệ và khai thác. Với các điểm di tích chưa được xếp hạng, cần sớm được thống kê, thẩm định để đánh giá, xếp hạng, qua đó xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ hợp lý.