Tạo việc làm mới cho 78.700 lao động

18:13, 16/12/2011

Ngày 16/12, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm giai đoạn 2006-2010 và triển khai công tác này giai đoạn 2011-2015.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành, thị và một số trường dạy nghề trong tỉnh.

 

Theo báo cáo đánh giá tại Hội nghị, giai đoạn 2006-2010, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Đến hết năm 2010, 9/9 huyện, thành, thị đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dạy nghề cấp huyện; toàn tỉnh có 52 cơ sở dạy nghề, tăng 18 cơ sở so với năm 2006. Theo đó, số lao động được đào tạo nghề trong 5 năm qua là trên 144.300 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 11,31% năm 2005 lên 23,58% năm 2010. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở dạy nghề cũng tăng từ 985 người năm 2006 lên 1.579 người năm 2010. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề hằng năm đều đạt trên 96%, cao hơn bình quân chung của cả nước 1%...

 

Đối với công tác giải quyết việc làm, từ 2006 đến nay, Thái Nguyên đã tạo việc làm mới cho 78.700 lao động, vượt gần 5% so với kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 5% vào năm 2010, đạt mục tiêu đề ra; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng lao động từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm, đưa người đi lao động, làm việc ở nước ngoài, phát triển thị trường lao động... đều đạt kết quả tốt.

 

Nhằm làm tốt hơn nữa công tác này, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011-2015, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu Đề án đề ra là trong 5 năm sẽ hỗ trợ tạo việc làm mới cho 75.000 lao động, phấn đấu đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 37,5% trở lên...

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ma Thị Nguyệt đã biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường và người lao động; làm tốt công tác quản lý về đào tạo nghề…