Tham nhũng - Phòng hơn chống

10:00, 21/12/2011

Việc phát hiện và xử lý thật nghiêm các trường hợp tham ô, tham nhũng là điều cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện nay. Tuy nhiên, điều đó chỉ giải quyết được phần nổi, muốn tiêu diệt tận gốc tệ nạn này thì vấn đề phòng ngừa mới thực sự là nhiệm vụ số một.

Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, thời gian qua, các cơ quan PCTN của tỉnh ngoài việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp tham nhũng còn tập trung cao độ thực hiện nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Điều mà các cơ quan PCTN quan tâm đầu tiên chính là việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ của cán bộ, công chức, viên chức ở một số vị trí “nhạy cảm”, có nguy cơ tham nhũng cao.

 

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với 589 trường hợp tại 28 cơ quan, đơn vị. Trong đó, riêng năm 2011 có 239 trường hợp chuyển đổi. Theo đánh giá của các cơ quan PCTN ở cơ sở thì việc làm này đã có những tác động rất tích cực trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Ở một vị trí công tác “nhạy cảm” trong thời gian dài sẽ rất dễ khiến cán bộ, công chức bị cám dỗ dẫn đến làm trái các quy định của pháp luật, trái với lương tâm, trách nhiệm của mình, để lâu sẽ làm hỏng cán bộ. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đã chứng minh và đưa ra giải pháp phải chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức thì mới có thể phòng ngừa hiệu quả tệ nạn tham nhũng.

 

Cùng với chuyển đổi vị trí công tác là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra trường hợp tham nhũng, đồng thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích phát hiện những trường hợp tham nhũng. Bà Lường Thị Hoa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh cho biết: Việc làm này đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng ngay trong nội bộ mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có 6 trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng…

 

Một giải pháp nữa được xem là khá quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng chính là việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và khoán kinh phí hoạt động, thực hiện việc trả lương qua tài khoản, có quy chế tiết kiệm các khoản chi hành chính. Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh thì thời gian qua, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khá tốt việc khoán tiền điện thoại, văn phòng phẩm, công tác phí, hạn chế mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn, các khoản chi lễ hội, đón nhận phần thưởng… Kết quả, toàn tỉnh đã tiết kiệm được trên 72 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 714 cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản; hơn 21.700 người hưởng lương từ ngân sách được trả lương qua thẻ ATM.

 

Việc minh bạch về tài sản, thu nhập cũng như tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức cũng được triển khai một cách nghiêm túc. Các cơ quan, đơn vị còn tiến hành xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức. Vấn đề đẩy mạnh công tác thẩm định quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được quan tâm. Từ đó, nhiều sai phạm, gian lận trong nghiệm thu khối lượng, áp giá vận tư, thiết bị đã được phát hiện góp phần loại bỏ các chi phí không hợp pháp. Từ năm 2007 đến nay, qua thẩm định, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện và xuất toán giảm trừ chi phí, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 59 tỷ đồng…

 

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị còn tăng cường bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của địa phương, đơn vị mình, coi đó là khắc tinh đối với tệ nạn tham nhũng. Về vấn đề này, chúng tôi xin lấy huyện Phú Lương làm ví dụ. Thời gian qua, huyện này đã thực hiện khá tốt quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động gắn với thực hiện quy chế dân chủ và cải cách thủ tục hành chính. Các nội dung về mua sắm tài sản công, phân bổ và quản lý vốn đầu tư xây dựng, quy trình quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất, quy trình thủ tục cấp phép đầu tư… đều được huyện thực hiện một cách công khai, minh bạch. Mọi thắc mắc của công dân về những vấn đề liên quan đều được giải thích thấu đáo. Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay cả công tác tổ chức - cán bộ, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hay trong huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân cũng được huyện công khai, minh bạch. Chính điều đó đã góp phần phòng ngừa tham nhũng ngay từ đầu.

 

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhằm cải cách thủ tục hành chính cũng là giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Bằng chứng là thông qua bộ phận một cửa, tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, kéo dài tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính của cán bộ, công chức của tỉnh thời gian qua đã giảm đi rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 15/19 sở, ngành, 9/9 UBND cấp huyện, 180/181 UBND cấp xã đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa, góp phần đưa 50% số công việc liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân và khoảng 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền vào thực hiện cơ chế một cửa…

 

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã khởi tố điều tra 20 vụ tham nhũng với 46 bị can, đồng thời phát hiện sai phạm về kinh tế hàng chục tỷ đồng. Thường thì đây là con số được quan tâm nhất, nhưng đó mới chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”, điều chúng tôi muốn nói ở đây chính là hiệu quả to lớn (khó có thể định lượng) của việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng ngay từ đầu.