Dự kiến trong tương lai gần, T.P Thái Nguyên sẽ có 2 tuyến đường được tỉnh “làm giấy khai sinh”, chính thức được đặt tên mới…
Chiều Đông, dạo trên đường phố Thái Nguyên, trong tôi có cảm nhận hơi lạnh man mác của thứ gió mùa tràn về từ miền thơ Tố Hữu. Luồng gió của những năm tháng đất nước gồng mình làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Ngày ấy, Thái Nguyên là thủ đô gió ngàn, thủ phủ kháng chiến, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng từng ở và làm việc. Những đèo De, núi Hồng, Phấn Mễ, Đình Cả... đã trở thành địa danh lịch sử. Còn “người xưa”, nay phần nhiều cũng đã đi về miền thiên cổ, nhưng năm tháng lịch sử hào hùng dân tộc còn in trong sách học trò.
Gió nhẹ nhàng thoảng qua phố, mơn man trên vai người. Gió mang theo hương của loài hoa sữa dịu dàng, hoa lộc vừng dìu dịu và đến mùa hè nhiều dãy phố, hàng phượng vĩ đỏ rực một đường hoa. Đi giữa hương sắc của muôn loài hoa lá, có nhà thơ buột miệng bảo đây phố phượng, đây đường mang tên cây vừng, cây sữa… rồi chợt thấy chưa ổn, vì thủ phủ gió ngàn xưa, nay đã là đô thị loại II, đường cần được gắn tên của các danh nhân văn hóa. Nhất là trong lòng thành phố thép gang của Thái Nguyên, vùng đất có những con người làm nên bao chiến công huyền thoại, nay còn in đậm trong ký ức mỗi người. Âu cũng là một mong mỏi chính đáng phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Cũng vì thế mà lâu nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, nghĩ suy luận bàn đặt tên cho những tuyến đường. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Dự kiến trong tương lai gần, T.P Thái Nguyên sẽ có 2 tuyến đường được tỉnh “làm giấy khai sinh”, chính thức được đặt tên mới. Một đường lấy tên Tố Hữu - một nhà thơ cách mạng. Bằng tài thơ của mình, ông đã xây dựng được trong lòng mọi người Việt Nam một hình ảnh đẹp đẽ, hào hùng về Thủ đô kháng chiến. Một đường lấy tên Hoàng Ngân - Bí thư đầu tiên của Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 2008, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đường Hoàng Ngân có điểm đầu từ vị trí giao cắt giữa đường Cách mạng Tháng Tám và đường Xuân Hòa đến điểm cuối tại vị trí giao cắt giữa đường Minh Cầu và đường Phan Đình Phùng. Con đường này mới được Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thiện. Cùng thời gian, từng ngôi nhà vươn cao, phố xá cũng đang thành hình hài.
Sử sách ghi lại, liệt sĩ Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, quê ở thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Bà là Bí thư đầu tiên của Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam (Nay là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Năm 1938, Hoàng Thị Ngân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi, những năm 1948-1949, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn gay go ác liệt, Hoàng Ngân hoạt động tại Thái Nguyên, sau đó là Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nam... Trong thời gian này, bà thường xuyên duy trì liên lạc và đẩy mạnh các hoạt động của phong trào phụ nữ cứu quốc, phụ nữ kháng chiến vùng Chiến khu Việt Bắc và tỉnh Thái Nguyên. Cũng trong năm 1948, bà đã sáng lập ra tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ, tiền thân của Báo Phụ Nữ Việt Nam hiện nay. Ngày 17-7-1949, bà hy sinh tại Chiến khu Việt Bắc khi mới 28 tuổi và được chôn cất tại huyện Đại Từ, sau này được đưa về Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Do có nhiều công lao to lớn với cách mạng, bà đã được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất... Các thành phố Nam Định, Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội đều có đường, phố mang tên Hoàng Ngân...
Tôi đến trước ngôi nhà đang xây để bắt chuyện với mọi người, hỏi việc đặt tên đường là Hoàng Ngân, bà Nguyễn Thị Thu, chủ nhà bảo: Đường phố nơi tôi ở được đặt tên của một nữ liệt sĩ có công với đất nước, hỏi lại anh là có hạnh phúc nào hơn?. Anh Hiền, chị Mâu và chị Hương cũng góp vui: Lấy tên của các danh nhân văn hóa, tên của người có công với đất nước, đặc biệt là tên của những người từng gắn bó, chiến đấu và hy sinh tuổi xuân mình ở Thái Nguyên đặt tên đường, là trúng với tâm tư, nguyện vọng của dân mình rồi.
Để biết thêm về tâm tư, tình cảm của người dân khi tuyến đường được đặt tên mới, chúng tôi theo đường Quang Trung vào ngã ba Đán, nơi điểm đầu của tuyến đường dự kiến lấy tên nhà thơ Tố Hữu. Ngồi nhâm nhi cốc bia cỏ, hỏi anh Nguyễn Văn Trung, chủ quán về suy nghĩ khi được sống ở đầu tuyến đường mang tên một nhà thơ cách mạng, anh Trung không ngần ngại, đọc câu thơ trong tập "Việt Bắc": "Đường ta rộng thênh thang tám thước"... Rồi nói: Thái Nguyên có một tuyến đường lấy tên ông Tố Hữu là đúng. Vì ngày xưa, thơ ông đã khích lệ bao trai tráng theo đoàn quân ngược đường lên Tây Bắc đánh giặc Pháp...
Đến xã Phúc Xuân, địa bàn có tuyến đường qua các xóm Sơn Tiến, Gò Móc, Cây Xanh, Trung Thành, Thái Sơn... tôi gặp chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã đang cùng bà con thu hái chè, hỏi chị tên tuyến đường đi qua xã. Chị Vân bảo: Từ trước tới nay mọi người vẫn gọi đây là tuyến đường 270. Nay Nhà nước có chủ trương lấy tên nhà thơ Tố Hữu đặt tên đường, tốt quá, thích quá mà cũng vinh dự cho người dân chúng tôi ở đây. Giây lát suy nghĩ, chị tiếp lời: Đường được lấy tên một người có công với đất nước, tôi thấy có ý nghĩa hơn rất nhiều so với đặt tên đường bằng những con số. Còn anh Dương Công Việt, xóm Cây Xanh, bảo: Gọi tên đường bằng các con số, tôi thấy khô khan giống như con số bí danh về địa điểm thời các cụ hoạt động cách mạng. Nếu tên đường được đổi như dự kiến của "các bác" lãnh đạo bên trên, tôi thấy tự hào vì hằng ngày mình được đi trên tuyến đường mang tên một nhà thơ cách mạng.
Chiều buông tự khi nào, ông mặt trời đã trốn xuống ngọn núi đằng Tây, hàng đèn đường được bật sáng, tôi chạy xe chầm chậm để tự thưởng chút giây phút bình lặng riêng mình. Mong mỗi con đường hôm nay chúng ta đi, được gắn tên của những bậc tiền nhân làm nên một huyền thoại Việt Nam. Thiết nghĩ: Đó là việc nên làm.