Tái xuất 108 tấn chân gà thối trước ngày 10/12 vì lợi nhuận, những người kinh doanh thực phẩm ngấm ngầm, gián tiếp hủy diệt đồng loại. Phải nhìn nhận hành vi “thất đức” này là tội ác.
Cả xã hội rùng mình khi liên tiếp đón nhận ngày nhiều hơn những phát hiện sử dụng hóa chất để biến nội tạng, chân gà, thực phẩm, thậm chí cả hoa quả… từ quá đát, hôi thối trở thành những mặt hàng “tươi” và “ngon”, rồi… đàng hoàng lọt vào bàn ăn, bữa tiệc của hàng triệu người tiêu dùng. Người tiêu dùng từ “sợ hãi” biến thành phẫn nộ.
Thử điểm vài vụ gần đây cho thấy, cơ quan chức năng không chỉ phát hiện vài cân, vài chục cân mà là hàng tấn nội tạng thối đang vận chuyển từ nhiều tỉnh về TP HCM.
Tại Đồng Nai, người ta bắt quả tang việc ngâm 700kg nội tạng trâu bò với dung dịch tẩy trắng. Tại Quảng Trị, phát hiện chiếc xe khách chở 600kg nội tạng, chân, đuôi, tai trâu, bò bốc mùi hôi thối vào TP HCM. Trong vòng nửa tháng 10, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 11 vụ vận chuyển gần hơn 2 tấn lợn sữa, nội tạng, thịt, da, lòng lợn, đã thối và nhiều những vụ việc kinh hoàng như thế. Đấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Những người nhập khẩu thịt thối đã vô lương tâm. Những kẻ tiêu thụ thịt dù biết hôi thối, nguy hiểm cho người dùng vẫn mua bán, chế biến còn thất đức hơn. Siêu lợi nhuận từ việc kinh doanh thực phẩm “bẩn” khiến nhiều kẻ vô lương tâm không từ thủ đoạn nào để tuồn hàng vào thị trường kiếm lời. Khái niệm “sức khỏe người tiêu dùng” không nằm trong tư duy của những kẻ kinh doanh phi đạo đức này.
Những con người này quả thật đáng sợ. Không hiểu là họ có nghĩ một ngày nào đó, chính con cái, người thân của họ là nạn nhân của sự vô lương tâm mà họ đã và đang làm? Họ có biết đây là những hành vi giết người gián tiếp và làm suy thoái nòi giống Việt Nam. Nguy hiểm còn ở chỗ, các chất phụ gia không gây nhiễm độc tức thời mà nó tích tụ lại trong cơ thể, đến một thời điểm nào đó mới phát bệnh…
Cũng từ đây, người ta lờ mờ nhận ra rằng, tại sao những năm gần đây các bệnh viện quá tải vì căn bệnh quái ác: căn bệnh ung thư. Trong số người bệnh, hẳn không ít người đã ăn phải các thực phẩm “bẩn”.
Một kết luận nêu ra là pháp luật cần xử lý nghiêm khắc hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn”. Chúng ta cần phải xem hành vi kinh doanh vô lương tâm khi sử dụng các hóa chất không an toàn vào trong thực phẩm hay nước uống là tội ác. Mà đã là tội ác thì phải bị xử lý hình sự, chứ không thể xử phạt tiền rồi… đâu lại vào đấy.
Trong khi chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật thì người dân thường chỉ trông vào… lực lượng kiểm soát thị trường. Ấy thế nhưng không hiểu vì sao ở Việt Nam bây giờ việc mua hóa chất và các hàng hóa độc hại khác dễ như mua mớ rau. Không khó để tìm mua những hương liệu, hóa chất độc hại để biến cốc nước lã thành cốc nước “hoa quả” đẹp mắt, hay tạo nên những chai nước mắm được quảng cáo rất bắt mắt... bởi những chất đó được bày bán công khai tại các chợ đầu mối cũng như các dãy phố nổi tiếng về bánh kẹo, phụ gia như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hà Nội, các khu chợ “chuyên bán hóa chất” ở TP HCM...
Mỗi khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào đó, các cơ quan quản lý mới lại “giật mình”, rồi “ngỡ ngàng” trước sự len lỏi những hóa chất độc hại này trong các món ăn, thực phẩm hằng ngày của chính họ và người dân. Vậy, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ở đâu? Người dân có quyền yêu cầu cơ quan chức năng nghiêm túc “thanh lọc” thực phẩm “bẩn” trên thị trường chứ không muốn tái diễn cảnh đùn đẩy, cãi nhau về câu chuyện: “Ai” gác mâm cơm, “Ai” canh đồng ruộng, “Ai” quản thị trường.
Ngẫm tưởng lạ nhưng xét kỹ thì lại không lạ khi người ta hô khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” khi quanh họ… có đầy những thực phẩm bẩn hằng ngày len lỏi vào cuộc sống, bữa ăn mà không được ngăn chặn hiệu quả. Tết cổ truyền sắp đến, Xuân mới sắp đến. Đây là cơ hội để bọn làm hàng giả, hàng bẩn hoạt động. Cần phải có những biện pháp ráo riết để chặn tay chúng lại.