Trường Sa - Vùng biển đảo thân thương của Tổ quốc

18:04, 18/12/2011

Vậy là sau nhiều tháng chờ đợi, mong ước của tôi đã thành hiện thực, tôi may mắn có tên trong danh sách cơ quan cử đi và được Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân chấp thuận cho đi cùng tàu chở hàng Tết của Quân chủng Hải quân ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa - Vùng biển đảo thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc Việt nam. 

Những cuộc chia tay cảm động

 

Có mặt tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào sáng ngày 14-12 nhưng mãi đến 14 giờ chiều ngày 15-12 chúng tôi mới được lệnh di chuyển đến quân cảng Cam Ranh để chuẩn bị xuất phát. Đứng trên cầu cảng, tôi thật sự choáng ngợp bởi vì lần đầu tiên được thấy những con tàu vận tải to lớn, dài bằng cả dãy nhà và cao ngang với ngôi nhà 3 tầng ở quê tôi. Không khí ở quân cảng cũng thật náo nhiệt, từng đoàn bộ đội với đầy đủ quân tư trang rầm rập hành quân xuống tàu. Tôi hỏi một chiến sĩ đứng bên cạnh và được anh cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này, quân chủng Hải quân lại tổ chức chở hàng Tết ra đảo, đồng thời làm nhiệm vụ thay, thu quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Lặng lẽ quan sát các chiến sĩ, tôi chứng kiến những cuộc chia tay hết sức cảm động, các chiến sĩ trẻ thì ôm chầm lấy nhau, nhiều người  nước mắt rơm rớm không dám nhìn thẳng vào mắt bạn mình, chỉ biết lấy nụ cười để che đi những xúc cảm chân thành. Họ là những chiến sĩ đã trải qua nhiều tháng rèn luyện bên nhau, tình đồng chí, đồng đội gắn bó như anh em ruột thịt, nay mỗi người ra một đảo, xa cách, nhớ nhung nhưng ánh mắt và khuôn mặt họ luôn ánh lên niềm vui bởi được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, gìn giữ vững chắc vùng biển, đảo và thềm lục địa của tổ quốc Việt Nam. Tôi tiến lại hỏi thăm một đôi vợ chồng đang bịn rịn chia tay nhau. Người chồng là anh Nguyễn Văn Thành, sĩ quan thuộc Vùng 4 Hải quân, vợ là chị Trần Thị Báu, anh chị đã có 2 con gái, con thứ nhất ba tuổi, con gái thứ hai mới được 1 tuổi. Chị Báu cho biết, đây là lần thứ 3 chị ra tiễn anh ở cầu cảng này, hai lần trước là vào các năm 2006, 2008, thường thì mỗi đợt anh đi tròn một năm mới về, lần thứ ba này chị cho con gái lớn cùng ra tiễn bố lên đường làm nhiệm vụ, thương nhớ anh chị chỉ biết dồn vào công việc, chăm lo cho các con và vun vén gia đình êm ấm. Tôi hỏi anh Thành vì sao anh không xin ở lại đất liền? Anh trả lời: Chúng tôi là người lính, được trao nhiệm vụ là vinh dự của quân nhân, không có bất cứ ai thoái thác, chỉ mong sao hoàn thành tốt nhiệm vụ để không hổ thẹn với các chiến sĩ đã từng hy sinh xương máu xây dựng non sông gấm vóc của đất nước ta. Nhìn anh bế con, ánh mắt chứa đầy sự nhung nhớ nhưng khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười, tôi thầm cảm phục các thế hệ chiến sĩ quân đội ta, họ luôn đặt trách nhiệm vì Tổ quốc, vì nhân dân lên trên hết, đó xứng đáng là niềm tự hào của những người con đất Việt. Tôi nhìn quanh, không chỉ có riêng gia đình anh Thành mà nhiều chiến sĩ khác cũng đang bịn rịn chia tay người thân. Tiếng loa phóng thanh thông báo đến giờ xuất phát, các chiến sĩ lập tức vào hàng, điểm danh và nhanh chóng xuống tàu. Tôi và nhiều nhà báo khác cũng trở về tàu của mình để cùng thẳng hướng tới nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.

 

 Anh Nguyễn Văn Thành, sĩ quan thuộc Vùng 4 Hải quân chia tay vợ con để ra đảo công tác lần thứ 3

 

Cập đảo Trường Sa

 

 Chuyến công tác ra đảo lần này, ngoài lực lượng bộ đội, cánh nhà báo chúng tôi có trên 60 người đi theo 3 tầu: HQ996, HQ936, Trường Sa 22. Tuyến mà tầu Trường Sa 22 đưa chúng tôi đi là tuyến phía Nam qua hai đảo nổi và ba đảo chìm là: Trường Sa - Đá Lát - An Bang - Thuyền Chài - Đá Tây. 17 giờ 00, ngày 15-12, ba tàu công tác lần lượt xuất phát từ quân cảng Cam Ranh. Mặc dù đã chuẩn bị trước và biết là sẽ say sóng, nhưng khi đối mặt với nó, tôi mới thấy sức chịu đựng của các thủy thủ thật đáng nể. Rời cảng được khoảng hai tiếng, hầu hết cánh nhà báo chúng tôi đều bắt đầu nôn nao, càng ra khơi xa, sóng càng mạnh thêm, tầu liên tục lắc lư chao đảo khiến nhiều phóng viên nôn thốc, nôn tháo. Theo kinh nghiệm mà Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn Trưởng quân sự - Lữ đoàn 146 Hải quân truyền cho, chúng tôi nằm sấp xuống và thấy có dễ chịu đôi chút. Tuy nhiên đến sau 21 giờ cùng ngày thì hầu như ai nấy đều nằm bẹp tại chỗ, chỉ có một vài phóng viên có sức chịu đựng tốt, không bị say sóng là còn ngồi được. Ăn uống ở trên tàu cũng là một vấn đề rất khó khăn do tàu nhỏ, lượng người đi đông nên không có chỗ để ăn tập trung, đến giờ ăn cơm (sáng 6 giờ, trưa 11 giờ, tối 18 giờ), sau khi có thông báo, bộ đội tự xuống lấy cơm và tiện chỗ nào thì ngồi luôn đó để ăn, cánh nhà báo chúng tôi được nhà bếp ưu tiên mang lên tận phòng nhưng phần lớn không ai ăn được do bị say sóng. Tàu nhỏ, ít phòng ngủ nên cánh báo chí được bố trí ngủ ghép ở phòng của các thủy thủ, thường thì một phòng có 5 người (3 nhà báo và 2 thủy thủ), tuy hơi chật nhưng kín gió, ấm và không ồn, còn lại hầu hết bộ đội đi đảo nhận công tác đều phải mắc võng bên mạn tàu, trải chiếu xuống hành lang trong các khoang hoặc trên boong để ngủ, gió thổi ù ù suốt ngày, gặp lúc sóng to hắt lên số ngủ trên boong hầu như ướt hết.

 

Mặc dù gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, sóng to, gió luôn ở cấp 5 cấp 6, nhưng sau gần 40 tiếng đi từ Cam Ranh, chúng tôi đã nhìn thấy đảo Trường Sa hay còn gọi là Trường Sa lớn, nơi được mệnh danh là ‘Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”. Do gió to, sóng lớn nên tàu chỉ cặp cảng được khoảng 20 phút, toàn bộ anh em báo chí và cán bộ có nhiệm vụ công tác đã lên được đảo, ngay sau đó tàu lại phải rời ra ngoài khơi để thả neo, hàng Tết, trang thiết bị mang lên đảo đều chưa chuyển vào được, phương án dùng xuồng nhỏ để chuyên chở cũng không thực hiện được do tàu bị sóng đánh lắc lư mạnh, không thể mở được thùng hàng.

 

Đặt bước chân đầu tiên lên đảo Trường Sa, một cảm xúc rất khó tả trào lên trong tôi, mảnh đất thân yêu của Tổ quốc, nơi mà tôi khao khát được đến tận nơi sao đẹp và thân thương đến thế. Từ phía trong đảo, cán bộ, chiến sĩ và người dân mặc cho gió biển rít ào ào, tất cả ùa ra cầu tàu để đón những người đồng chí, đồng đội và chúng tôi trong niềm vui rộn rã tiếng cười, họ nhanh chóng giúp chúng tôi chuyển đồ đạc, hàng hóa, thiết bị ghi hình vào đảo, nhiều người tôi và họ chưa một lần gặp mặt nhưng những cái bắt tay, lời hỏi thăm sức khỏe sao chân thành và tình cảm đến vậy. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, có những con người chan chứa tình cảm quê hương, đồng đội, dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt để bám đảo, bám biển như vậy thì chắc chắn Trường Sa sẽ luôn được giữ vững và phát triển đi lên.

 

Một đồng nghiệp đi cùng đoàn công tác, Thượng tá Phan Tiến Dũng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, người đã từng đến đảo cách đây hơn 16 năm nhớ lại: Ở vào thời điểm năm 1995, điều kiện sinh hoạt ở Trường Sa còn khó khăn lắm, chỉ toàn nhà xây thấp lè tè, không có điện, nước ngọt khan hiếm, chưa có nhiều cây xanh, rau trồng không sống được do bị nhiễm hơi nước mặn, táp lá, toàn đảo không có lấy một con gia súc, gia cầm nào. Xưa là vậy, còn ngày nay Trường Sa đã đổi thay rất nhiều. Thiên nhiên vẫn luôn khắc nghiệt như vậy nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cần cù của quân và dân trên đảo, một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của huyện đảo đã hình thành và từng bước đi lên với sức vươn mạnh mẽ. Ở Trường Sa có loại cây có tên là Phong Ba, cành cây khẳng khiu, lá dầy và có lông, trước nắng gió, mưa bão và hạn hán khắc nghiệt, cây Phong Ba vẫn luôn trổ mầm xanh ngắt, từng nhánh cây đan kết lại với nhau tạo nên sức mạnh đương đầu với bão táp và thiên nhiên khắc nghiệt, sức sống ở Trường Sa thường được ví như cây Phong Ba đó.

 

Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, toàn bộ đảo đã được lắp đặt hệ thống năng lượng sạch dùng pin mặt trời và máy phát điện chạy bằng sức gió, đảm bảo nguồn điện phục vụ công tác và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trên đảo đã trồng được rất nhiều cây xanh, trong đó hệ thống cây chắn gió đã được phủ kín xung quanh đảo. Các hộ dân của đảo đã có nhà xây kiên cố, có công việc làm ổn định, thuận lợi trong tăng gia sản xuất, đánh bắt hải sản và phát triển kinh tế. Nhờ đảm bảo được nguồn nước ngọt nên trên đảo đã trồng được khá nhiều rau xanh, chuối, đu đủ; việc chăn nuôi lợn, gà, ngan đang được phát triển tốt, đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân. Trường học dành cho con em của các gia đình trên đảo đã được mở, tuy bước đầu còn nhiều khó khăn do phải học ghép nhưng chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo. Tại Trung tâm đảo, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng uy nghi, là nơi cán bộ, chiến sĩ, người dân đến dâng hương tưởng nhớ và báo công với Bác về những thành tích và chiến công đạt đạt được, chếch phía đối diện có Chùa Trường Sa lớn, nơi bà con nhân dân trên đảo và các đảo lân cận thường đến cầu an, cầu phúc cho người thân và gia đình, ngoài ra các công trình khác như tượng đài liệt sĩ, và mới đây là nhà khách thủ đô đã được đưa vào sử dụng phục vụ các đoàn khách đến thăm và làm việc tại đảo. Trạm xá của đảo ngoài việc chăm sóc và điều trị sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo năm 2011 còn cứu chữa cho 177 trường hợp ngư dân không may gặp nạn trên biển. Trên đảo còn có Trạm hải đăng được xây dựng quy mô, là nơi dẫn hướng cho các tàu thuyền lưu thông qua lại đảo và các vùng biển lân cận.

 

Có thể thấy hướng phát triển kinh tế biển đảo của Trường Sa đang dần hiện rõ, vùng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản rộng lớn ở nơi đây đang cần được quy hoạch, xây dựng cho tương xứng với tiềm năng vốn có của nó, hy vọng trong thời gian tới đây, Trường Sa lại có thêm nhiều nét đổi mới, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm vùng huyện đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc thân yêu.