Vẫn chuyện khó khăn trong giải phóng mặt bằng

08:42, 14/12/2011

Mặc dù được UBND tỉnh cấp phép khai thác từ tháng 4-2009, thời hạn khai thác chỉ 3 năm, nhưng cho đến nay việc giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực Mỏ sắt Chỏm Vung Đông, xóm Hoà Bình, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) của Công ty CP Luyện kim đen vẫn chưa hoàn tất để đi vào khai thác. Nhiều khả năng doanh nghiệp này phải đề nghị tỉnh gia hạn thêm thời gian khai thác.

Giải thích về nguyên nhân của sự chậm trễ này, ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen cho biết: Trong diện tích Mỏ có 9 hộ gia đình thuộc diện bồi thường GPMB. Đến nay, Công ty đã bồi thường và nhận mặt bằng của 6 hộ, còn 3 hộ chưa hợp tác để bàn giao mặt bằng (diện tích gần 2ha). Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, thuyết phục, song vẫn không có kết quả. Đó là các hộ gia đình bà Ninh Thị Tâm, ông Lê Văn Thân và ông Nguyễn Văn Dụ.

 

Theo chân các cán bộ xã Cây Thị, chúng tôi tìm đến khu vực Mỏ sắt Chỏm Vung Đông và tận mắt chứng kiến việc khai thác trái phép khoáng sản trong vườn của gia đình bà Ninh Thị Tâm. Gia đình bà Tâm đã cho người vào đào quặng sắt ngầm trong khu vực đã được quy hoạch giao cho Công ty CP Luyện kim đen, mang đi tiêu thụ lậu. Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị, ông Dương Minh Thư nói với chúng tôi: Nhà bà Tâm đã xây bờ rào, làm cổng sắt, khoá trái cửa. Khi lực lượng của xã cùng với bảo vệ Mỏ đến kiểm tra thì gia đình không mở cổng. Việc tự ý đào bới quặng trong vườn nhà mình mang bán là trái pháp luật. Không những thế còn gây nguy hiểm cho các phương tiện khi đi qua đoạn đường 135 của xã (vị trí giáp đất nhà bà Tâm) vì các hố quặng đào hàm ếch mói sát vào lề đường.

 

Theo thông tin từ UBND xã Cây Thị thì hộ gia đình ông Lê Văn Thân đã ngầm bán phần đất thuộc diện tích phải bàn giao mặt bằng cho Mỏ cho một chủ khác, nên việc kiểm kê đất đai và tài sản trên đất của hộ này vẫn chưa thể thực hiện. Đối với hộ ông Nguyễn Văn Dụ, mặc dù Ban Bồi thường GPMB của xã đã đến kiểm kê, tính giá bồi thường mức cao nhất theo quy định của Nhà nước, đồng thời chủ Mỏ đã cam kết hỗ trợ cho cả phần nhà xây dựng trái phép nhưng gia đình ông Dụ vẫn không bằng lòng di chuyển.

 

Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty phân trần: Đây là Dự án Nhà nước thu hồi đất và giao đất cho doanh nghiệp nên không có chuyện thoả thuận giá bồi thường giữa các hộ bị ảnh hưởng với chủ doanh nghiệp. Một số hộ dân không hiểu quy định này hoặc cố tình không hiểu, muốn được thoả thuận để đòi nâng giá gấp nhiều lần so với quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra còn có trường hợp cố tình không hợp tác để kéo dài thời gian, tranh thủ khai thác quặng trái phép...

 

Như vậy, việc chây ì, không hợp tác của một vài hộ trong diện ảnh hưởng đã không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thất thoát tài nguyên của Nhà nước (trường hợp khai thác trái phép của gia đình bà Tâm) mà còn tạo dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến hiệu qủa thu hút đầu tư của tỉnh. Theo thời hạn khai thác do UBND tỉnh cấp thì đến hết ngày 29-4-2012, Dự án sẽ kết thúc. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng của huyện cũng như chính quyền sở tại tiếp tục vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu quy định của Nhà nước, tự nguyện bàn giao mặt bằng để đơn vị khai thác triển khai kịp tiến độ.