Với điện - xăng, người tiêu dùng có phải thượng đế không?

14:02, 22/12/2011

Gánh nặng thua lỗ được các doanh nghiệp đẩy sang người tiêu dùng thông qua biện pháp tăng giá  

Dư luận mấy ngày qua nóng lên với thông tin do Kiểm toán Nhà nước công bố về sự thực chuyện  lỗ lãi trong kinh doanh của 2 ngành điện và xăng dầu. Người dân hy vọng là sau kết luận này, sẽ bớt nghe điệp khúc tăng giá vì lỗ triền miên của các doanh nghiệp. Ngẫm lại lâu nay, trong quan hệ mua bán với 2 ngành này, người tiêu dùng- khách hàng luôn ở thế bị động mà chưa thực sự được tôn trọng theo kiểu Khách hàng là thượng đế.

 

Ai cũng biết nguyên tắc sơ đẳng nhất là bất kỳ ai mất thứ gì có giá trị mà không phải do lỗi của mình, cũng có quyền đi tìm cho được người đã gây ra thiệt hại để đòi đền bù. Cứ theo cách suy luận như vậy thì khi ngành điện tăng giá để bù vào khoản lỗ 10.000 tỉ đồng của mình, tức là ngành điện đã xem người tiêu dùng là tác nhân trực tiếp gây lỗ cho mình. Mà điều này lại khó được chấp nhận. Bởi  EVN bán điện và nhận tiền do người tiêu dùng chi trả trên cơ sở hợp đồng, nghĩa là trên nguyên tắc đồng thuận. Thậm chí, ai cũng biết rằng trong quan hệ mua bán này, bao giờ EVN cũng luôn là bên giữ thế thượng phong, còn  người tiêu dùng vốn đã quen chấp nhận. Thực sự thì họ cũng không có sự lựa chọn nào khác. Thôi thì "trong nhờ, đục chịu", người mua điện luôn ở vị trí yếu thế, chứ không phải bên bán điện.

 

Các nhà quản lý cũng hiểu điều này nên khi phát ngôn, không ai dại gì lại qui kết trách nhiệm cho người tiêu dùng không công bằng trong việc hưởng lợi khiến EVN bị lỗ nặng mà thường tìm cách đổ lỗi chung chung là do thực hiện nhiệm vụ chính trị, phải bao cấp cho người nghèo….

 

Cùng với EVN, các ông lớn trong ngành kinh doanh xăng dầu cũng luôn kêu lỗ để liên tục tăng giá. Thậm chí có nhiều thời điểm, giá xăng nhập khẩu giảm, họ vẫn giữ giá cao để tăng quỹ bình ổn, tăng chiết khấu cho đại lý vượt mức trần cho phép để tranh giành thị phần. Xã hội khó có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin độc lập để tìm hiểu thực chất nguyên nhân lỗ lãi của các doanh nghiệp này. Do đó, không thể đề xuất cần phải làm gì để bù đắp. Rốt cuộc, cách làm đơn giản nhất để bù lỗ kinh doanh của 2 ngành điện và xăng dầu là tăng giá bán sản phẩm. Một cách làm ngược với qui luật mà bất cứ nhà kinh doanh nghiêm túc nào trong một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh nghĩ đến, chứ đừng nói là cân nhắc về khả năng áp dụng nó trong thực tiễn.

 

Chỉ khi kết quả kiểm toán được công bố, câu chuyện kinh doanh thực sự của 2 ngành điện và xăng dầu mới được phơi bày. Trong khi EVN không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu do kinh doanh liên tục thua lỗ. Ước tính lỗ  lũy kế đến hết năm nay sẽ là 40.400 tỉ đồng. Là một Tập đoàn kinh tế nhà nước mang nhiều trọng trách với xã hội, lẽ ra EVN phải nghiêm túc tìm ra nguyên nhân của tình trạng làm ăn yếu kém để tìm cách khắc phục, nhằm đem đến cho xã hội sản phẩm có chất lượng với giá cả hợp lý, để cả người mua và người bán  đều vui vẻ; người bán được tiếng tốt sẽ có điều kiện mở rộng thị phần, khuyếch trương cơ nghiệp. Đằng này, các doanh nghiệp cứ việc trả lương cao ngất và đẩy gánh nặng lỗ lã cho dân. Báo cáo kiểm toán cho thấy lương bình quân của cán bộ ở công ty mẹ EVN là 13, 7 triệu đồng, lương khối văn phòng EVN là 30 triệu đồng/tháng. Cao hơn từ 5 đến 12 lần lương bình quân của ngành dệt may, chế biến thực phẩm. Một chuyên gia trong ngành điện cho rằng: “Lương và thưởng của doanh nghiệp là lấy từ lợi nhuận. Thử hỏi khi lỗ lũy kế đến hơn 40.400 tỉ đồng, ngành điện lấy nguồn nào để chia lương cho nhân viên như vậy”. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng dứt khoát: “ Theo qui định, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ sẽ không được thưởng Tết”. Nhưng với những gì đang diễn ra cho thấy qui định này không đến được với ngành điện và xăng dầu. Tất cả gánh nặng thua lỗ được các doanh nghiệp đẩy sang người tiêu dùng thông qua biện pháp tăng giá. Còn khách hàng thì cứ việc móc túi trả thêm tiền cho từng số điện , từng lít xăng dầu và ngậm ngùi ôm “giấc mơ làm thượng đế”.    

 

Chúng ta đang phấn đấu hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa với thành phần kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, chủ đạo không đồng nghĩa với độc quyền. Vì vậy, xoá độc quyền là xu thế tất yếu để nền kinh tế phát triển lành mạnh. Bởi nếu cứ duy trì vị thế độc quyền để các doanh nghiệp này mãi thao túng vì mục đích lợi nhuận phe nhóm, gây hệ lụy cho nhân dân và đất nước thì cũng giống như tình trạng đồng huyết, nó luôn tiềm tàng các nhấn tố trì trệ, thoái trào.

 

Nói khác đi, các doanh nghiệp kinh doanh đang giữ vị thế độc quyền phải luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng gia nhập sân chơi nhiều người, đặc biệt là phải luôn trau dồi các phẩm chất của một doanh nhân luôn chịu sức ép cạnh tranh để tồn tại và tự khẳng định. Nếu làm ăn thua lỗ, phải xác định chính xác nguyên nhân và rút kinh nghiệm để chấn chỉnh chứ không thể xé cam kết với xã hội để tăng giá bán, đẩy lỗ sang người tiêu dùng. Không là như vậy thì không chỉ điện, xăng dầu mà nhiều ngành độc quyền khác sẽ càng chìm sâu trong cơn hoang tưởng triền miên của kẻ quen “một mình một chợ”./.