Đầm Mương ngày mới

09:51, 21/01/2012

Đường giao thông nông thôn cơ bản đã được bê tông hóa. Nhiều ngôi nhà xây khang trang, sạch đẹp mọc lên giữa vùng quê thanh bình...

Trên cánh đồng, tiếng chuyện trò vui vẻ của người nông dân hòa cùng tiếng máy cày, bừa kêu ròn rã. Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến xóm Đầm Mương 12, xã Minh Đức (Phổ Yên) vào một ngày đầu Xuân. 

 

Chúng tôi vào thăm gia đình cụ Ngô Thị Sót, một trong những  người lên khai hoang, lập nghiệp tại xóm từ những năm 1940. Năm nay, cụ Sót đã ngoài 90 tuổi nhưng trông vẫn rất tinh nhanh. Cụ kể: Tôi quê ở Đan Phượng (Hà Nội). Ban đầu, khi mới lên đây, vùng đất này chỉ toàn cây cối mọc um tùm. Đường sá cũng rất khó đi vì nhỏ, dốc. Đời sống bà con chúng tôi lúc đó rất khó khăn bởi diện tích đất nông nghiệp ít, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhưng, từ năm 2005 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực cố gắng vươn lên của các hộ dân, bộ mặt của xóm đã có những đổi thay đáng kể. Xóm không còn hộ đói. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Chúng tôi đã được dùng điện lưới Quốc gia để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đây.

 

Đến nhà chị Võ Thị Hồng, chúng tôi bắt gặp chị đang tất bật rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Chị chia sẻ: Trước đây, nhà tôi tự đào giếng lấy nước sinh hoạt. Vào mùa mưa thì gia đình mới có nước dùng; chứ vào mùa khô, sông, suối cạn thì giếng nước cũng cạn theo. Vì thế, chúng tôi phải đến những nhà gần suối để gánh nước sinh hoạt, rất vất vả và bất tiện. Năm 2011 vừa qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư, đến nay bà con xóm tôi đã được sử dụng nguồn nước sạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, cảm thấy rất phấn khởi. Vậy là từ nay, mỗi khi vào mùa khô, chúng tôi không còn phải lo cảnh thiếu nước sinh hoạt nữa.

 

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, dưới làn mưa xuân lất phất bay, ngắm những cành đào phai đang khoe sắc đung đưa trong gió, những vườn chè búp xanh non mơn mởn, ông Lại Kim Hồng, Bí thư Chi bộ Đầm Mương 12 phấn khởi cho biết: Xóm hiện có 119 hộ với gần 500 nhân khẩu. Trước đây, bà con cứ luẩn quẩn trong vòng đói nghèo là do giao thông không thuận lợi, thiếu vốn đầu tư vào sản xuất và trình độ dân trí còn thấp nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình 135, xóm đã được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường cấp phối dài gần 2km nối liền xóm với trung tâm xã. Có con đường mới đã mở ra nhiều thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa cũng như sinh hoạt của bà con. Ngoài ra, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện tổ chức, bà con đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới như: lúa lai, chè cành, ngô lai vào sản xuất. Diện tích lúa lai hàng năm luôn chiếm khoảng 30%, chủ yếu là các giống: Syn6, Bio404, Nhị ưu 838… Diện tích đất đồi trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp nay đã được thay thế bằng cây chè cho thu hái quanh năm. Những khu rừng tạp kém hiệu quả cũng đã được thay thế dần bằng các loại cây như: keo lai, keo tai tượng. Cùng đó, bà con chúng tôi cũng đã biết sử dụng các loại máy móc vào sản xuất để giảm công lao động như: máy xay xát gạo, máy cày, bừa, máy bơm nước, máy tuốt lúa, tôn quay, máy vò chè… chạy bằng điện. Cơ bản các khâu trong sản xuất đã được cơ giới hóa. Vì thế, làm nông nghiệp bây giờ nhàn hơn ngày xưa rất nhiều.

 

Ngoài phát triển trồng trọt, người dân xóm Đầm Mương 12 còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần tăng thu nhập. Hiện, trong xóm đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại vừa và nhỏ. Trung bình mỗi hộ nuôi 5-10 con lợn thịt mỗi lứa. Có hộ đầu tư nuôi đến 30 con lợn nái ngoại và trên 40 con lợn thịt. Điển hình như gia đình anh Quan Văn Trọng. Cùng với chăm sóc 5 sào chè, gia đình anh còn đầu tư nuôi trung bình 10 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Mỗi năm, từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh cũng có thu nhập gần 100 triệu đồng. Anh cho biết; nhờ được tham gia các lớp tập huấn nên tôi đã biết làm tốt các khâu phòng dịch, vì thế đàn lợn của gia đình chưa lần nào bị nhiễm dịch bệnh. Trung bình, mỗi dịp Tết đến, gia đình tôi xuất chuồng hàng tấn thịt lợn hơi cung cấp cho thị trường. Cuộc sống của gia đình tôi cũng đã được cải thiện đáng kể. Tôi đã sắm sửa được các vật dụng thiết yếu như: ti vi, tủ lạnh, xe máy…

 

Cùng với việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bà con xóm Đầm Mương 12 cũng luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Xóm không có người mắc các tệ nạn xã hội. Nhiều năm liền xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Số hộ nghèo của xóm hiện chỉ còn 6 hộ, giảm 50 hộ so với năm 2007. Số hộ khá, giàu chiếm trên 60%. 99% số hộ đã có phương tiện nghe nhìn. 100% số hộ được sử dụng nước sạch...