Đến xóm Đồng Muốn, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được hương sắc mùa xuân đã tràn ngập khắp nơi.
Những cành hoa đào, hoa mận đua nhau nở trên nền màu xanh của chè, ngô cùng những cánh rừng trải dài ngút ngàn trông thật thích mắt. Thấp thoáng bên những ngôi nhà xây khang trang, các bà, các chị trong trang phục dân tộc Dao đang tất bật với lá dong, gạo nếp và dọn dẹp nhà cửa để chào đón năm mới với ước vọng về cuộc sống ngày càng sung túc, no đủ hơn.
Chúng tôi ghé thăm gia đình cụ Đặng Thị Lạng, người dân tộc Dao, năm nay đã 86 tuổi. Dù vậy nhưng ánh mắt cụ vẫn còn rất tinh nhanh. Bên ấm nước chè xanh ngát, cụ nhớ lại: Vào những năm 1950, cuộc sống của bà con trong xóm khó khăn lắm vì chỉ biết trông vào cây lúa, ngoài ra không có nghề phụ gì hết. Đường sá đi lại cũng rất khó khăn vì toàn là đường đất. Từ đó đến nay, do biết trồng chè, trồng rừng và thâm canh lúa nên đời sống của bà con chúng tôi đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Không còn hộ nào phải chịu cảnh đứt bữa nữa. Điện lưới Quốc gia đã về soi sáng bản làng. Chúng tôi phấn khởi lắm và luôn chỉ dạy các thế hệ con cháu phải biết sống đoàn kết và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình như: quần áo, đồ trang sức…
Rời nhà cụ Lạng, chúng tôi vào thăm 1 ngôi nhà mới xây rất khang trang nằm ven sườn đồi. Tiếp chúng tôi với vẻ mặt vui tươi, chị Trần Thị Thoa, chủ nhà chia sẻ: Khác với năm ngoái, năm nay, gia đình tôi được đón Tết trong căn nhà xây vững chãi này, cảm thấy rất phấn khởi. Bởi đây là căn nhà được xây dựng nên nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp sức của anh em, hàng xóm. Nhưng gia đình tôi không vì thế mà ỉ lại. Có nhà mới, chúng tôi yên tâm sản xuất và đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm vừa qua rồi.
Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng đang được đổ nước đầy ăm ắp để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, nghe âm thanh của tiếng máy cày, máy bơm nước kêu ròn rã, anh Đặng Văn Tấn, Trưởng xóm cho biết: Đồng Muốn hiện có 52 hộ với trên 190 nhân khẩu; trong đó 90% là đồng bào dân tộc Dao. Trong những năm qua, bà con đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã biết dùng máy cày, bừa, máy tuốt lúa trong các khâu làm đất và thu hái để giảm chi phí công lao động. Cùng đó, các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao như: GS9, Syn 6, VL 24… đã thay thế cho giống lúa Bao thai dài ngày. Ngoài ra, xóm còn tuyên truyền cho bà con thấy được lợi ích của kinh tế đồi rừng và vận động nhân dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và trồng chè, góp phần nâng cao thu nhập. Diện tích chè của xóm hiện có khoảng hơn 20ha, trong đó có 10ha là chè cành giống mới như: LDP1, Phúc Vân Tiên… Do sẵn nguồn từ các khe suối, người dân nơi đây đã sắm máy bơm nước để tưới chè, làm chè vụ đông, cho giá bán cao hơn 1,5 đến 2 lần so với chè chính vụ.
Cùng với trồng trọt, bà con trong xóm còn phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Ngoài nuôi lợn, gà, xóm đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi các loài động vật đặc sản như lợn rừng, ba ba… Gia đình ông Phí Văn Hùng là một trong số những hộ mạnh dạn đi đầu trong việc chăn nuôi các loài động vật sản. Ông cho biết: Năm 2010, gia đình tôi bắt đầu mua 10 con lợn rừng lai về nuôi. Đến nay, đàn lợn đã lên tới 30 con. Nuôi loài động vật này tôi nhận thấy không tốn kém về chi phí thức ăn bởi chúng ăn ít và chủ yếu là cây cỏ có sẵn. Vừa rồi, tôi đã bán được 5 con, trọng lượng trung bình 30kg/con với giá 200 nghìn đồng/kg thu về hơn 30 triệu đồng.
Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, đời sống của bà con người Dao Đồng Muốn đã được cải thiện đáng kể. Xóm chỉ còn 12 hộ nghèo, giảm 70% so với năm 2005. Kinh tế từng bước phát triển, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đối ứng của nhân dân, xóm đã đầu tư xây dựng được 2,4 km đường bê tông. Hiện nay, 100% số hộ đã được sử dụng nước sạch. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. 90% số hộ đạt gia đình văn hóa. Xóm không có người mắc các tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Bà con sống đoàn kết, chan hòa.
Chúng tôi rời Đồng Muốn khi cái nắng cuối ngày ở dãy núi Tam Đảo còn chưa kịp tắt những tia nắng giẻ quạt cuối cùng. Đâu đó nghe tiếng trẻ em lùa trâu về nhà cười đùa vang cả vách núi. Mùi hương nếp thơm từ những ngôi nhà bay toả thơm dịu, ấm áp. Một mùa Xuân mới đang về!