Dự án Luật Hộ tịch: Quản lý bằng mã số cá nhân

09:57, 10/01/2012

Mỗi công dân sẽ được cấp mã số cá nhân một lần duy nhất trong đời vào lúc đăng ký khai sinh và sử dụng cho đến khi qua đời, mã số này hoàn toàn riêng biệt và không trùng với bất kỳ ai. Đó là điểm nổi bật tại dự án Luật Hộ tịch vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến…

Cần tránh sự chồng chéo

 

Theo ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập soạn thảo Luật Hộ tịch, để thực hiện việc cấp và sử dụng mã số cá nhân, dự thảo luật sẽ quy định việc thực hiện cấp mã số cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh lần đầu cho công dân. Mã số cá nhân (số định danh công dân) sẽ là cơ sở để xác định mỗi cá nhân trong sổ hộ tịch và tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân trong cơ sở dữ liệu hộ tịch. Dự kiến, quá trình cấp mã số cá nhân được thực hiện theo quy định chuyển tiếp, tức là chỉ thực hiện cấp mã số cho những trường hợp đăng ký khai sinh mới kể từ thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành.

 

Song ngay từ lần họp đầu tiên, đề xuất xây dựng mã số cá nhân đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ CA cho biết, hiện nay ngành CA đang triển khai việc cấp số định danh theo Nghị định số 90/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong mã số định danh này đã bao gồm cả mã số thuế, chứng minh thư nhân dân, mã số hộ tịch… với chi phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Do vậy, không nên đặt vấn đề mã số cá nhân trong lĩnh vực hộ tịch. Đại diện Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng tránh sự chồng chéo bởi ngành CA đang làm rồi mà tư pháp còn làm nữa sẽ rất khó.

  

Đồng tình với việc cấp mã số cá nhân, đại diện Bộ Tài chính đánh giá đây là việc làm văn minh, nếu triển khai được thì rất tốt. Song các cơ quan chức năng cần đánh giá rõ hơn những tác động của việc cấp mã số cá nhân trong thực tiễn.

 

Tạo thuận lợi tối đa cho người dân

 

Mã số cá nhân là vấn đề không mới. Tại Việt Nam, vấn đề mã số cá nhân đã từng được bàn luận, đề cập từ nhiều năm trước. Hiện vẫn đang có một số loại mã số cá nhân được áp dụng như số chứng minh thư nhân dân, số hộ chiếu, mã số bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân… để phục vụ hoạt động quản lý của một số ngành. Trong đó, chứng minh thư nhân dân là mã số được sử dụng phổ biến nhất và được áp dụng cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở lĩnh vực hộ tịch đây là lần đầu tiên việc cấp mã số cá nhân được chính thức đề cập.

 

Trên thế giới nhiều nước đã thực hiện cấp mã số cho công dân dưới các hình thức khác nhau như số an sinh xã hội, thẻ căn cước thông minh để quản lý dân cư. Theo đó, chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính có nối mạng, các cơ quan chức năng đã có thể dễ dàng thu thập các thông tin thiết yếu về nhân thân của một cá nhân. Được biết, tại Mỹ mỗi công dân được cấp một số an sinh xã hội để sử dụng trong các giao dịch, khi qua đời số an sinh xã hội này sẽ bị hủy, không cấp lại cho người khác. Thông qua số an sinh xã hội, chính quyền dễ dàng thu thập các thông tin từ cá nhân và họ cũng dùng con số này để thống kê lượng dân số hằng năm mà không cần tổ chức các cuộc điều tra dân số. Đáng chú ý, nếu không có thẻ an sinh xã hội, công dân sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm hợp pháp, không được lập quyền sở hữu tài sản và còn bị tước đi nhiều phúc lợi xã hội khác. Trong khu vực Đông Nam Á, từ năm 2009, Philipines đã sử dụng thẻ căn cước thông minh đa chức năng trên phạm vi cả nước để tăng cường hiệu quả công tác quản lý.

 

Ngay từ khi xây dựng ý tưởng cấp mã số cá nhân trong dự án Luật Hộ tịch, Ban soạn thảo đã lường trước đây là việc khó, tốn nhiều thời gian và công sức. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật Hộ tịch, trong đó có việc cấp mã số cá nhân, phải được hiện đại hóa và làm từng bước. Nếu không bắt đầu thì không bao giờ hiện đại được. Luật cũng phải cải cách căn bản thủ tục hành chính, trong đó cái gì khó cơ quan nhà nước phải lãnh trách nhiệm chứ không thể bắt người dân chịu.

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc cấp mã số cá nhân là điều cần thiết. Như vậy, thay vì mang rất nhiều loại giấy tờ như hiện nay, người dân chỉ cần cung cấp mã số cá nhân là các cơ quan chức năng có thể nắm được những thông tin cơ bản của từng người. Điều này không chỉ mang lại thuận tiện cho người dân mà còn tạo sự thống nhất trong quản lý của chính các cơ quan chức năng. Việc cơ quan nào sẽ trực tiếp cấp mã số cá nhân chắc chắn sẽ là vấn đề còn được bàn thảo. Song với sự thống nhất cao trong đề xuất cấp mã số cá nhân, có thể nói đây sẽ là bước tiến đột phá trong công tác quản lý hộ tịch ở nước ta thời gian tới.