Đường mới về bản người Mông

09:34, 12/01/2012

Những ngày đầu xuân 2012, niềm vui đã đến với bà con xóm Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) bởi con đường núi nhỏ, hẹp trước đây nay đã được thay thế bằng đường cấp phối rộng rãi.

Vậy là niềm mong ước bấy lâu của đồng bào dân tộc người Mông nơi đây đã thành hiện thực. Và họ đang hy vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn.

 

Chúng tôi đến Liên Phương vào một buổi sáng sớm, sương mù vẫn còn giăng mắc trên những dãy núi, quả đồi. Tiếp chuyện chúng tôi, Trưởng xóm Ngô Huy Bổng cho biết: Liên Phương hiện có 130 hộ với trên 700 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Đời sống của bà con chúng tôi chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô và chăn nuôi. Do trình độ dân trí thấp nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xất còn hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi đó là con đường liên xã Văn Lăng - Hòa Bình của huyện Đồng Hỷ nối với xã Quảng Chu của huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) là đường đèo dốc, hẹp và rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Hàng hóa, nông sản vì thế bị tư thương ép giá. Việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, hàng hóa về xóm cũng rất vất vả. Mỗi lúc xóm có việc cần bàn bạc phải mất rất nhiều thời gian để đi thông báo cho mọi người. Đường sá đi lại vất vả nên ai đã đến Liên Phương một lần đều cảm thấy “sợ” nếu phải quay trở lại lần thứ hai. Năm 2011 vừa qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, Nhà nước đã đầu tư 3,9 tỷ đồng để mở rộng tuyến đường trên. Đường cấp phối đổ sỏi, đá lèn chặt, mặt đường rộng 5m; đoạn qua xóm dài hơn 4km, máy xúc, máy ủi làm đến đâu, người dân hiến đất đến đó mà không cần đo đạc, tính toán. Đến nay, con đường đã hoàn thiện. Bà con chúng tôi vui mừng lắm.

 

Dưới làn mưa xuân lất phất bay, đi trên con đường mới mở, chúng tôi nhìn thấy những vạt rừng 2 bên đường, đất vẫn còn mới nguyên. Gặp bà con người Mông trong váy áo xúng xính đang rủ nhau đi chợ sắm Tết, nét mặt ai nấy cũng đều phấn khởi. Những bao tải ngô, chè được người dân chất lên xe máy để chở ra chợ bán. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lương Thị Đơ cho biết: Nhà tôi trồng 12kg ngô giống, mỗi vụ cũng cho thu hoạch được hơn 2 tấn, bán được 10 triệu đồng. Trước kia, đường đi lại khó khăn, nhà tôi phải mang ra chợ Mới (Bắc Kạn) để bán. Con cái ốm đau cũng thường đem ra Bệnh viện Chợ Mới vì đường gần hơn nhưng lại không đúng tuyến nên không được hưởng chế độ ưu đãi đối với vùng đặc biệt khó khăn. Có con đường mới này, chúng tôi có thể dễ dàng đi lại, mua sắm những vật dụng sinh hoạt thiết yếu, con cái đi học cũng đỡ vất vả hơn. Còn chị Phạm Thị Duyên thì cho biết: Nhà có 3 sào ruộng và 4 sào chè. Mỗi lứa thu hái được trên 40kg với giá bán chỉ đạt trung bình 50 nghìn đồng/kg; trong khi ở xã lân cận giá bán tới 80 nghìn đồng/kg. Giờ có đường mới, chúng tôi có thể dễ dàng đi xe máy ra chợ xã để bán hàng hóa, mua sắm phân bón, thuốc trừ sâu cho kịp thời vụ.

 

Nhưng, phấn khởi nhất có lẽ là các thầy cô giáo và các em học sinh ở điểm trường Liên Phương. Cô Đinh Thị Kim Tuyên, Hiệu phó Trường Tiểu học Văn Lăng cho biết: Trước đây, mỗi khi trời mưa, đoạn đường từ trung tâm xã vào tới điểm trường dài 12km, chúng tôi phải đi bộ mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Có hôm, chúng tôi phải ngủ lại nhà dân vì mưa to, nước ngập không qua được suối. Từ nay, việc đi lại của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn. Các em học sinh THCS cũng có thể đi về trong ngày. Đường mới thuận lợi, chúng tôi sẽ động viên con em người Mông trong xóm tiếp tục theo học lên cao hơn.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Liên Phương là một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 99%. Vì vậy, việc có đường mới sẽ mở ra nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế của xóm. Cán bộ khuyến nông sẽ mang những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến với bà con được thuận lợi hơn, việc trao đổi hàng hóa nông sản cũng dễ dàng hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ vận động bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa những giống cây trồng cho năng suất hiệu quả cao như: lúa lai, ngô lai… vào sản xuất.

 

Chia tay Liên Phương khi mặt chời đã chênh chếch bên sườn núi, chúng tôi thấy thấp thoáng trong gùi của bà con người Mông đã có một số hàng hóa chuẩn bị cho Tết. Một mùa xuân mới đang về. Và chính con đường mới này sẽ là “chìa khóa” giúp đồng bào Mông nơi đây vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.