Gửi nỗi nhớ về quê nhà

10:04, 19/01/2012

Những ngày áp Tết Nhâm Thìn, trong chuyến công tác tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (T.P Hải Phòng), chúng tôi gặp được 3 người Thái Nguyên. Họ là những người lính đón Xuân mới nơi đảo tiền tiêu,  giữ vững chủ quyền biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc…

* Mang mùa Xuân ra đảo

 

Trong chuyến hải hành xuyên đêm từ Cảng K20 (Hải Phòng) ra huyện đảo Bạch Long Vĩ Anh hùng trên con tàu HQ 634, biết chúng tôi là các phóng viên ở Thái Nguyên, Thiếu tá Dương Văn Cán, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 952 đóng trên đảo (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân) mừng như gặp người thân. Quê anh ở xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa (Phú Bình), đã nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 952 từ năm 1998 đến nay. Sau chuyến công tác ít ngày trong đất liền, theo tàu trở lại đảo trực sẵn sàng chiến đấu dịp Tết, anh Cán mang theo một cây quất cảnh khá đẹp. Ngoài ra còn có bánh, kẹo, măng, miến… mà vợ anh, một phụ nữ quanh năm tảo tần với đồng ruộng nơi quê nhà Phú Bình gửi ra “để bố nó cùng với các đồng đội ăn Tết”.

 

Anh Cán tâm sự: Nơi quê nhà, vợ tôi phải một mình “đầu tắt mặt tối” với 2 mẫu ruộng. Chồng công tác xa, có 2 cô con gái thì cũng làm việc, học tập mỗi đứa mỗi nơi, thi thoảng mới về thăm mẹ được. Nhưng, “bà xã” tôi không vì thế mà buồn, vẫn thường gọi điện động viên chồng “Mình ơi cố gắng nhé, để các con còn lấy đó làm gương”. Tiếp bước bố, cháu lớn nhà tôi đang làm quân nhân chuyên nghiệp tại Nhà máy X70 (thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng Hải quân), cháu thứ hai thì học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh.

 

“Thống kê” sơ bộ, tàu HQ 634 chở hơn 30 cây đào, quất và trên 10 tấn hàng. Mặc dù vừa trải qua một chuyến công tác dài ngày tận vùng biển Đà Nẵng, nhưng khi nhận lệnh chở hàng, quà Tết ra phục vụ quân và dân trên huyện đảo Bạch Long Vĩ, tất cả anh em thủy thủ của tàu đều đăng ký lên đường. Bởi nơi đảo xa, đồng bào, chiến sĩ mình đang cần lắm tình cảm, sự quan tâm sẻ chia từ khắp các vùng, miền của Tổ quốc gửi đến. Trong số hàng, quà này, một phần là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân T.P Hải Phòng, còn lại của Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân và một số đơn vị, doanh nghiệp, địa phương khác trên cả nước.

Tàu cập bến lúc 7 giờ sáng. Những cây đào đã nở nụ chúm chím, cây quất trĩu trịt quả vàng, rồi gà, lợn cùng nhiều loại hàng, quà Tết khác nhanh chóng được vận chuyển lên bờ, theo xe ô tô tỏa đến các đơn vị lực lượng vũ trang, các điểm dân cư trên đảo. Người vừa ở tàu xuống, người trên đảo đến đón tíu tít, tay bắt mặt mừng. Tôi đang mải mê chụp ảnh thì bỗng có ai đó vỗ mạnh vào vai. Quay lại, một chàng thiếu úy Hải quân trẻ mỉm cười: Anh là phóng viên Báo Thái Nguyên? Tôi là Phạm Văn Đông, quê ở xã Phú Đình (Định Hóa), hiện công tác cùng Trung đoàn 952 với anh Cán. Nghe tin các anh đến công tác ở đây, mừng quá, nhất định phải mời nhà báo đến thăm nhà…

 

Dịp này, Đông cũng nhận được rất nhiều quà từ hai bên nội, ngoại gửi ra, lỉnh kỉnh nào gà, gạo nếp, chè, bánh, kẹo, chuối, bưởi, măng, miến, trầu cau… Những món quà ấy góp phần mang hơi ấm mùa Xuân từ đất liền ra đảo tiền tiêu. Đông bảo: Tết này, nhiều anh em trong đơn vị hẹn sẽ đến nhà tôi đón Giao thừa.

 

Mắt chúng tôi bỗng cay cay. Những người lính đảo vui Tết, đón Xuân ấm áp tình nghĩa đồng chí, đồng đội biết nhường nào…

 

* Gửi nỗi nhớ về quê nhà

 

Nhiều năm liền ăn Tết trên đảo Bạch Long Vĩ cùng các cán bộ, chiến sĩ, Đại tá Vũ Đình Duẩn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 952 cho biết: Những người như anh Cán, Thiếu úy Đông nằm trong diện 2/3 quân số của đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu tại đảo dịp Tết này. Với các đơn vị lực lượng vũ trang khác trên đảo cũng vậy. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng bộ đội đón Tết vui không kém ở nhà cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ chiều 22 tháng Chạp, anh em bắt đầu tổ chức dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, doanh trại, bày biện ban thờ tổ tiên, Tổ quốc, gói bánh chưng, mổ bò, lợn phục vụ Tết, rồi tập luyện nhiều tiết mục văn hóa - văn nghệ, các hoạt động thể thao mừng Đảng, mừng Xuân. Đặc biệt, “vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, lực lượng bộ đội Hải quân, Phòng không, Biên phòng, Cảnh sát biển nơi đảo tiền tiêu luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, trời quê hương…

 

Cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân lên tặng quà Tết các cán bộ, chiến sĩ ở Trạm ra-đa 27 (thuộc Trung đoàn 295, Sư đoàn Phòng không 363), thấy không khí chuẩn bị đón mùa Xuân mới của quân và dân trên khắp đảo thật rộn ràng. Chúng tôi gặp Thiếu úy Nguyễn Trọng Nghĩa, 30 tuổi, gia đình riêng ở tổ 2, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên). Đây là cái Tết thứ hai kể từ khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật phòng không, ra đảo Bạch Long Vĩ nhận công tác (tháng 11-2007) đến nay Nghĩa tham gia trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Mới cưới vợ tháng 9-2011, nhưng vì nhiệm vụ được giao phó, Nghĩa cũng như những người lính khác chẳng từ nan. Tâm sự đầu Xuân, chàng Thiếu úy trẻ xúc động: Nhờ các anh, các chị chuyển giúp lời chúc mừng năm mới về với quê hương…

 

Vào thăm nhà Thiếu úy Phạm Văn Đông ở khu tập thể Trường Mầm non trên đảo, cả hai vợ chồng đón chúng tôi từ ngoài ngõ. Chị Bùi Thị Băng Trâm (quê ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) bẽn lẽn: Tôi và anh Đông gặp gỡ, yêu nhau cách đây gần 6 năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân năm 2008 rồi ra nhận nhiệm vụ tại đảo Bạch Long Vĩ, anh ấy đã khuyên tôi… đi lấy người khác vì sợ nếu kết duyên thì chúng tôi thường xuyên phải cách xa. Nhưng tôi “cứng rắn” lắm. Cuối năm 2009, tôi xin chuyển công tác từ Hà Nội ra làm giáo viên Trường Tiểu học Bạch Long Vĩ, một tháng sau thì hai người cưới nhau. Kết quả bây giờ là…cháu Phạm Hải Phong được một tuổi rưỡi. Mới đây, ông nội từ Định Hóa ra chơi với cháu được 4 tháng. Khi ông về rồi, mấy đêm liền trước khi đi ngủ cháu Phong cứ hỏi ông nội đâu? Dù sống và làm việc xa quê hương, nhưng hai vợ chồng tôi đều xác định sẽ gắn bó lâu dài với đảo.

 

Dẫn khách ra thăm vườn rau rộng chừng 20m2 ngay sau gian tập thể, Đông khoe: Vợ chồng tôi tự trồng các loại rau theo mùa, cũng tạm đủ ăn. Ở đây hiếm nước ngọt, các gia đình đều phải tận dụng tối đa nước sinh hoạt để tưới rau và nhiều loại cây trồng khác... Cũng nhờ thế, màu xanh bình yên trên đảo ngày càng tỏa lan. 

 

Chúng tôi cùng quây quần bên ấm trà Thái và đĩa mứt cà rốt, bí đao tự tay chị Trâm làm, bỗng thấy hương vị Tết ngập tràn nơi đây…

 

Chiều tà, mặt biển chuyển màu sẫm xanh. Ngồi trên ghềnh đá sát mép nước, gió lồng lộng thổi, Đông dõi ánh mắt nhìn về hướng đất liền xa xăm. Chúng tôi hiểu những lúc thế này, chắc hẳn vợ chồng anh đang phải nén lại nỗi nhớ quê hương da diết. Và cũng thật tự hào vì có những người con của Thái Nguyên - vùng đất ATK, Thủ đô kháng chiến năm xưa - hôm nay đang tiếp tục đóng góp sức mình vào công cuộc giữ gìn vững chắc chủ quyền biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc. Để những điểm đảo, quần đảo quê hương ngày càng phát triển về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Để mùa Xuân bình yên của dân tộc mãi mãi trường tồn…

 

Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, cả anh Cán, Nghĩa và Đông đều có mặt tại bến tàu tiễn chúng tôi lên tàu rời đảo. Lưu luyến, bịn rịn giữa người ở, người đi, những bàn tay siết chặt cùng lời hẹn sẽ gặp lại cả ở Bạch Long Vĩ và Thái Nguyên. Đông nhắn nhủ: Nếu có thể, nhờ các anh chuyển giúp mấy bức ảnh chụp gia đình tôi cùng đồng đội đón Tết tại đây cho ông bà nội cháu Phong ở Định Hóa, coi như món quà đầu Xuân của con, cháu nơi đảo xa gửi về quê nhà…

 

Vâng, chúng tôi sẽ thực hiện ngay lời nhắn nhủ này, để khoảng cách giữa những người lính đảo với quê nhà như thêm gần gặn hơn.