Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, người dân trong xómYên Thịnh, xã Yên Lạc (Phú Lương), đã dần vươn lên trong phát triển trong kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo. 2 năm trở lại đây, xóm đã có 10 hộ thoát nghèo…
Đến xóm Yên Thịnh, chúng tôi vào thăm gia đình chị Lâm Thị Thanh, chị đang nhanh chóng hoàn thiện mẻ sắn cuối để sấy khô. Vừa thoăn thoát cạo vỏ, băm sắn chị Thanh vừa chuyện trò vui vẻ với chúng tôi. Gia đình chị trồng sắn cao sản đã 5 năm nay. Ban đầu chị trồng vài sào thấy có hiệu quả nên nay đã trồng gần 1 ha. Năm nay, gia đình chị thu hoạch được khoảng trên 8 tấn sắn khô. Với giá bán trên thị trường từ 3,5-4 nghìn đồng/kg, gia đình chị thu được trên 30 triệu đồng. Chị Thanh cho biết thêm: Ngoài sắn, gia đình chị còn trồng gần 5.000m2 chè cành và chè trung du. Mỗi năm, chè cho thu hái 6 lứa, mỗi lứa là 1,5 tạ chè búp khô (giá bán từ 45-50 nghìn đồng/kg). Chị là hộ duy nhất trong xóm mua được 8 sào ruộng để xen canh gối vụ trồng ngô và lúa. Năm vừa qua, thời tiết thuận lợi nên cây ngô phát triển tốt, cho năng suất cao từ 5-6 tạ/sào (giá bán trên thị trường từ 6-8 nghìn đồng/kg). Từ chè, ngô và sắn, trung bình một năm, gia đình chị có thu nhập 80-90 triệu đồng. Năm 2009, gia đình chị đã đầu tư xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá trên 300 triệu đồng.
Ở Yên Thịnh, chị Thanh, anh Hà Thế Đại, chị Mai Thị Đới là 3 hộ có diện tích đất trồng chè và sắn cao sản lớn nhất và cũng có kinh tế khá nhất xóm. Trong đó, hộ chị Mai Thị Đới và hộ Lâm Thị Thanh đều là gia đình cán bộ đảng viên, đi đầu trong công tác phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong xóm.
Đồng chí Hà Thế Châu, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Yên Thịnh cho biết: Xóm có tổng diện tích tự nhiên là 18 ha, 24 hộ dân trước đây ở (Bắc Kạn) đã di cư tới xóm Yên Thịnh từ năm 1992. Nhưng do thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nên 10 hộ đã bỏ về chỉ còn 14 hộ bám trụ khai phá nương rẫy và sinh sống. Đến nay, xóm có 26 hộ, trong đó có 24 hộ là đồng bào dân tộc ít người. Đây là một trong những xóm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Yên Lạc. Vì thiếu nước, người dân trong xóm không có đất ruộng để sản xuất nên họ chỉ khai phá nương rẫy trồng chè và sắn. Năm 2005, xóm Yên Thịnh xóa được xóm trắng với 3 đảng viên.
Trước đây, một vài hộ dân trong xóm đã trồng các giống sắn truyền thống nhưng với diện tích rất ít và cho năng suất thấp. Từ năm 2005, Công ty Sơn Lâm (ở Phổ Yên) đã cung cấp giống hỗ trợ bà con sản xuất và bao tiêu. Giống cao sản mới chỉ được đưa vào áp dụng trong mấy năm gần đây, nhưng đã khẳng định được những ưu thế nổi trội so với các giống sắn truyền thống. Loại cây này thích hợp được với rất nhiều loại đất, cũng có thể trồng xen canh với các loại cây khác. Tiền đầu tư mua cây giống hầu như không phải bỏ ra vì bà con có thể sử dụng cây sắn tại các vụ trước, cộng với chi phí đầu tư không nhiều.
Giống sắn này phù hợp với đồng đất cằn, bạc màu và có sức chịu hạn tốt và đặc biệt năng suất cao: 25-30 tạ sắn tươi/ha (gấp 1,5-2 lần giống sắn cũ). Nhận thấy giống sắn cao sản dễ chăm sóc lại cho sản lượng cao nên Chi bộ đã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng, cùng với đó tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để bà con noi theo, các đảng viên trong Chi bộ đã gương mẫu trồng giống sắn này đầu tiên. Riêng gia đình đảng viên Ma Thị Đới và Hà Thế Châu đều trồng trên dưới 1ha sắn cao sản cho thu nhập khá. Đến nay, 100% các hộ trong xóm trồng sắn cao sản với quy mô từ 1.000m2 đến 10.000m2. Hiện, xóm có 6ha đất trồng sắn. Chi bộ cũng động viên người dân mở rộng diện tích trồng chè, chuyển đổi trồng chè trung du sang trồng chè cành. Năm 2011, các hộ dân trong xóm đã trồng mới được 1ha chè cành giống mới (diện tích trồng chè của cả xóm là 6 ha).
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, người dân trong xóm đã dần vươn lên trong phát triển trong kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo. 2 năm trở lại đây, xóm đã có 10 hộ thoát nghèo (năm 2009 xóm có 20 hộ nghèo). Hộ chị Trần Thị Na là một ví dụ. Hoàn cảnh gia đình chị Na rất khó khăn vì chồng chị là lao động chính trong nhà đã mất năm 2005 do tai nạn giao thông. Hai mẹ con chị chỉ sống nhờ vào mấy sào chè và sắn. Năm 2011, gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, chị đã đầu tư để phát triển cây chè, chuyển đổi một phần diện tích chè trung du sang trồng chè cành. Ngoài chè, chị nuôi trên 30 con gà thịt/lứa để tăng thu nhập. Với nguồn thu từ đàn gà thịt, gần 1 tấn sắn khô và trên 50kg chè búp khô/lứa, năm 2011 chị là một trong 5 hộ ở xóm đã thoát nghèo.
Đến với Yên Thịnh những ngày này chúng tôi thấy thật vui khi biết bà con đều đã được sử dụng nước sạch, có nhà văn hóa trang khang để sinh hoạt cộng đồng. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, xóm đã được đầu tư xây dựng công trình nước sạch trị giá gần 1 tỷ đồng theo Chương trình 134; xây dựng nhà văn hóa theo Chương trình 135. Chị Nguyễn Thị Hoàn, một hộ dân trong xóm cho biết: Trước đây, người dân trong xóm tôi đều phải đi bộ hàng cây số lên Núi Chuông để gùi nước về hay ra các bể tập trung chở nước về nhà dùng vất vả lắm. Còn bây giờ, nước sạch đã đến từng gia đình rồi. Còn chị Lâm Thị Thanh thì phấn khởi: Chúng tôi rất vui vì được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang với diện tích gần 100m2, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Ngày trước, nếu họp xóm, bà con chỉ biết tập trung ở nhà trưởng xóm.
Chia tay Yên Thịnh khi chiều buông xuống, những vạt khói bếp bay ra từ các nóc nhà, dấu hiệu của cuộc sống no đủ như vấn vít chúng tôi mãi. Trên đường về, chúng tôi thấy mấy em bé diện váy áo tung tăng cùng bố mẹ mới trên nương rẫy trở về nhà, tiếng cười giòn tan. Thật phấn khởi bởi 20 em thiếu nhi trong xóm đều đã được đến trường học đầy đủ, trong đó có 8 em đã nỗ lực học tập và đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.