Những người Nhật xây cầu tặng Việt Nam

09:30, 24/01/2012

Một nhóm người Nhật, trong đó có thành viên lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam, đã thầm lặng tặng 6 cây cầu bê tông cho Đồng bằng sông Cửu Long và lập nhiều kế hoạch giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Đã thành lệ, cứ đến cận Tết Nguyên đán, nhóm người Nhật này lại thu xếp chuyến đi đặc biệt về Việt Nam làm công tác xã hội. Trạm dừng chân đầu tiên của họ là TP HCM và đích đến là những làng quê nghèo cần sự giúp đỡ. Chỉ trong vài năm, nhóm đã gia tăng từ hai người lên thành 7 thành viên.

 

Cầu nối của họ với Việt Nam bắt đầu từ ông Kida Nobuhiro và vợ là bà Kida Hiromi. Họ thuyết phục những người khác cùng về Việt Nam xây cầu bê tông bằng những câu chuyện người thật việc thật qua hình ảnh sinh động. Bà Kida tiết lộ: "Chúng tôi chụp ảnh những chuyến đi của mình và tập hợp thành album rồi chuyển cho bạn bè, người thân. Những hình ảnh biết nói ấy đã khiến không ít người cảm động muốn tham gia".



Tính đến tháng 1/2012, chỉ riêng vợ chồng nhà Kida đã trao tặng ba cây cầu bê tông cho nông thôn Việt Nam. Trong đó, cây cầu thứ ba của nhà Kida có tên gọi VK 127 dành tặng cho trường Mỹ Bình, Đức Hòa, Long An. Cây cầu này phục vụ 600 học sinh đi lại, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 4 km. Cuối tháng 1, khi dự lễ khánh thành cầu VK 127, hay tin học sinh của trường không có nơi ăn uống đàng hoàng, ông bà Kida lại tiếp tục quyên tiền xây tặng nhà ăn.

 

Khi được hỏi tuổi già sức yếu lấy đâu ra tiền làm từ thiện, ông Kida bày tỏ: "Cuộc sống của chúng tôi rất giản dị, không tốn kém nên dù đã về hưu, thu nhập không cao chúng tôi vẫn cố gắng tiết kiệm tiền giúp mọi người. Chỉ cần cuộc sống của các em nhỏ và nông dân tốt hơn, vợ chồng tôi đã thấy thỏa lòng".

 

Em gái của ông Kida Nobuhiro, bà Kida Kyoko (70 tuổi) cũng vượt đường xa đến TP HCM theo bước anh trai và chị dâu làm thiện nguyện. Bà đã ghé về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để khảo sát cuộc sống của nông dân, trẻ em và dành dụm tiền lập kế hoạch giúp đỡ họ. Năm 2011, bà Kyoko cùng một Việt kiều Nhật quyên tiền xây cầu VK 125 tại xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long tặng dân nghèo. Không những thế bà còn trao tặng 18 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình bạn trẻ em đường phố.

 

Sống độc thân và làm công việc chăm sóc người thiểu năng, bà Kida Kyoko tâm sự: "Tôi rất yêu trẻ, thấy học trò và nông dân vất vả đi cầu tre, cầu khỉ nên tôi quyết tâm tặng họ một cây cầu. Chỉ mong cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp. Trong tương lai, tôi dự định sẽ thực hiện một dự án giúp trẻ em thiểu năng tại Việt Nam".

 

Trong đoàn người Nhật này có những thành viên lần đầu tiên biết đến làng quê Việt Nam nhưng đã quyên tiền xây 2 cây cầu bê tông tặng nông dân xã Tam Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Kubo Norikazu và bà Kubo Kiyoko.

 

Bà Kubo (67 tuổi), làm công việc nội trợ, cho biết: "Xem hình ảnh ở Việt Nam vừa vui vẻ vừa ý nghĩa của nhà Kida tôi tự nhủ gia đình mình cũng có thể làm được như thế. Tôi đề nghị chồng suy nghĩ về chuyến đi thiện nguyện này và thật bất ngờ là ông ấy lập tức đồng ý".

 

Vốn là một kỹ sư, ông Kubo Norikazu đã xấp xỉ 70 tuổi kể lại, khi nhìn hình ảnh những cây cầu bê tông chắc chắn bắc qua sông suối, kênh rạch và vẻ tươi cười rạng rỡ của trẻ em Việt Nam khi đi qua cầu, ông đã sớm xiêu lòng. Vì thế dù chưa đặt chân đến Việt Nam ông vẫn nhiệt tình ủng hộ đề xuất của vợ. "Cho đến khi được xem bản thiết kế công trình của nhóm VK (Việt kiều tình nguyện xây cầu tặng nông thôn), tôi càng quyết tâm và háo hức tham dự", ông Kubo nhớ lại.

 

Noi gương theo gia đình Kida, ông Kubo Norikazu và bà Kubo Kiyoko còn góp tiền trao tặng 18 suất học bổng cho trẻ em đường phố hiếu học tại TP HCM. "Nhìn thấy các em vui vẻ tôi thấy mình cũng hạnh phúc theo", bà Kubo nói.

 

Với những tình nguyện viên người Nhật này, việc giúp đỡ người khác không chỉ mang lại niềm vui, sự thanh thản mà còn đánh dấu kỷ niệm khó quên trong đời họ. Bà Mugitani Seiko, Kubo Kiyoko và Ihara Cheiko quen biết nhau nhiều năm, đã cùng quyên tiền tặng cầu VK 130 để kỷ niệm chuyến đi đặc biệt cùng nhau.

 

Lần đầu tiên đến Việt Nam làm thiện nguyện, bà Ihara Cheiko (57 tuổi) thổ lộ: "Tôi nấu thức ăn chay ở chùa Obakuzan Manpuku, vốn ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chuyến đi tặng cầu bê tông cho làng quê nghèo đã khiến thế giới nhỏ bé của tôi thêm rộng mở. Tôi nhận ra giúp đỡ mọi người là một cách tận hưởng hạnh phúc".

 

Nhóm người Nhật này tâm sự, họ sẽ còn trở lại Việt Nam trong những năm tới để thăm lại những nhịp cầu bê tông mà họ từng dốc lòng ủng hộ và tiếp tục những dự án thiện nguyện mới. "Chúng tôi thích nhìn trẻ em tung tăng trên cầu, nông dân vận chuyển nông sản qua cầu. Khoảnh khắc ấy giống như ta bắt được sự chuyển mình của vùng nông thôn", bà Kida Hiromi thay mặt những đồng hương chia sẻ.