Nghị quyết số 37/NQ-TW (NQ37) ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị xác định Thái Nguyên là trung tâm của vùng Việt Bắc về y tế, giáo dục... Thực hiện Nghị quyết này, Tỉnh uỷ đã phê duyệt Đề án số 03/ĐA-TU về xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế khu vực các tỉnh vùng Đông Bắc, giai đoạn 2006-2010; Chương trình phát triển sự nghiệp Y tế Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015... Sau 6 năm thực hiện NQ37 ngành Y tế Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu gì và việc thực hiện Nghị quyết này trong những năm tiếp theo như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này
PV:Thưa ông, Đề án số 03/ĐA-TU và Chương trình phát triển sự nghiệp Y tế Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 của Tỉnh ủy đã cụ thể hóa việc thực hiện NQ 37 của Bộ chính trị về công tác Y tế của tỉnh, sau 6 năm thực hiện Ngành đã đạt được những thành tựu gì?
TS.Bùi Văn Hoan: Sau 6 năm triển khai thực hiện NQ 37 ngành Y tế đã đạt được những kết quả đáng mừng, đến nay toàn ngành đã có 3.826 cán bộ, với 768 bác sĩ, 40 dược sĩ đại học (tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân đạt trên 8,64 bác sĩ). Hệ thống khám chữa bệnh từng bước được xây dựng khang trang với quy mô rộng lớn bao gồm 44 cơ sở y tế Trung ương và địa phương. Các bệnh viện tỉnh, huyện, bệnh viện đa khoa Trung ương đã thực hiện được một số kỹ thuật y học cao về khám chữa bệnh và phòng bệnh tương đương với các kỹ thuật được thực hiện ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện truyến Trung ương. Bệnh viện tuyến huyện đã có đủ trang thiết bị theo phân tuyến; các trạm y tế xã, phường đã cơ bản thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Bình quân mỗi trạm y tế xã, phường có 5,5 cán bộ, trong đó có 165/180 trạm có một bác sĩ, 21 trạm có 2 bác sĩ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 133/181 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đạt 73,5%, ước tính đến hết năm 2011 sẽ đạt 90%. Về việc phát triển quy mô giường bệnh tăng, nâng số giường bệnh từ 2.475 giường năm 2005 lên 3.645 giường năm 2011. Đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược, các Bệnh viện và phòng khám đa khoa ngoài Nhà nước phát triển. Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ y tế, nâng số lượt người dân của tỉnh được chăm sóc y tế từ 1,43 lần/người/2005 lên 2,07 lần/người/2011. Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y dược cho tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, đã mở thêm được nhiều mã ngạch đào tạo đáp ứng phần nào về nhân lực cho ngành Y tế. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây Thái Nguyên không có vụ dịch lớn nào xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định đạt trên 95%; tốc độ tăng dân số tự nhiên dưới 1,0%; giảm tỷ xuất sinh thô năm 2010 đạt 0,15‰...
PV: Được biết, trong các chỉ tiêu Đề án 03/ĐA-TU đặt ra vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng còn đạt thấp… Vậy ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
TS. Bùi Văn Hoan: Về việc phát triển quy mô giường bệnh, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế đến nay mới chỉ đạt 3.195 giường, trong đó tuyến tỉnh là 1.560 giường, tuyến huyện, thành, thị xã là 835 giường, bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn 800 giường, thấp hơn 755 giường so với chỉ tiêu Đề án 03/ĐA-TU đã đề ra. Số trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia mới chỉ chiếm 73% tổng số trạm trên toàn tỉnh… Nguyên nhân là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh tăng nên hầu hết các bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải. Định mức kinh phí Nhà nước cấp cho một giường bệnh còn thấp chưa đảm bảo cho chi hoạt động thường xuyên. Về xây dựng chuẩn Quốc gia y tế xã, phường một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ yếu còn giao cho ngành Y tế, việc huy động nguồn lực chưa chủ động, còn chờ kinh phí trên cấp; kinh phí đầu tư cho các cơ sở y tế chưa đáp ứng, tiến độ giải ngân các công trình xây dựng chậm, do thủ tục hành chính còn phiền hà, bên cạnh đó năng lực một số chủ đầu tư yếu, thiếu kiên quyết, thiếu cán bộ có trách nhiệm và năng lực về đầu tư xây dựng cơ bản. Tỷ lệ bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở đạt thấp là do nguồn nhân lực cho hoạt động của ngành Y tế còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ, chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế. Các đơn vị vẫn hoạt động trong tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn, chưa có chính sách thu hút cán bộ y, bác sĩ về công tác tại xã, phụ cấp dành cho đội ngũ y tế thôn bản, chuyên trách dân số còn thấp, chưa có sự khuyến khích đảm bảo cho cán bộ yên tâm công tác lâu dài tại cơ sở. Kinh phí cho cán bộ tuyến tỉnh đi đào tạo kỹ thuật chuyên sâu và tuyến huyện, tuyến xã đào tạo chuyên khoa rất hạn chế nên rất thiếu cán bộ có kỹ thuật cao.
PV: Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện, Ngành có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn trên?
TS.Bùi Văn Hoan: Mặc dù đã từng bước thực hiện mục tiêu Đề án, song việc việc xây dựng mạng lưới y tế tỉnh Thái Nguyên thành Trung tâm Y tế khu vực các tỉnh vùng Đông Bắc hiện tại chưa xứng tầm với mục tiêu đề ra. Do đó, thời gian tới ngành sẽ tập trung một số giải pháp sau: Từng bước sắp xếp lại tổ chức của ngành, theo hướng tinh gọn, đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, công tác chuyên môn. Phối hợp liên ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong chính sách viện phí và BHYT. Tiếp tục thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn và đào tạo chuyên khoa sâu cho cán bộ trong ngành, đặc biệt là cán bộ tuyến cơ sở nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các tuyến; ưu tiên phát triển chuyên khoa sâu với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phù hợp với từng tuyến. Triển khai tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Chương trình phát triển sự nghiệp Y tế Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án xã hội hoá công tác y tế. Tổ chức liên doanh, liên kết đưa máy móc thiết bị kỹ thuật cao ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế, đa dạng hoá các loại hình khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng thuốc trên địa bàn. Tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế cho các tuyến bằng nhiều nguồn vốn, nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật chuyên môn và nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
PV: Ngoài những giải pháp trên, Ngành y tế có đề xuất, kiến nghị gì với tỉnh và Trung ương?
TS.Bùi Văn Hoan: Qua quá trình thực hiện NQ37, chúng tôi nhận thấy việc triển khai gặp phải một số khó khăn do chưa có cơ chế thống nhất giữa Trung ương và tỉnh; Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan chưa có sự chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế vùng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Do đó, ngành Y tế rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các các cấp, bộ, ngành Trung ương, của tỉnh về chính sách thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ và cán bộ y tế có trình độ chuyên môn sâu về công tác lâu dài tại tỉnh; ưu tiên quỹ đất và miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuế cho các dự án y tế nuôi trồng, sản xuất thuốc Đông dược, bệnh viện tư nhân, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ 100% kinh phí cho các kíp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu; 15 triệu đồng/người cho đào tạo thạc sĩ, chuyên khoa I; 20 triệu đồng/người cho đào tạo tiến sĩ, chuyên khoa II và 100% kinh phí đào tạo bác sĩ hệ liên kết và theo địa chỉ cho tuyến xã; tăng kinh phí thường xuyên cho trạm y tế xã, phường, thị trấn lên 25-30 triệu đồng/năm; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị y tế cho tuyến xã để đạt mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới vào năm 2015. Có chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức, tập thể cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết với các đơn vị y tế thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu để nâng cao chất lượng phục vụ và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lương cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sưc khỏe của người dân trong tình hình mới./.
Vâng, xin cảm ơn ông!