Để làm ra một nén hương thanh khiết, thơm phảng phất, không chỉ cần sự khéo léo của việc pha chế, tẩm ướp nguyên vật liệu mà còn là cái tâm của người làm hương
Thắp một nén hương thơm mỗi khi Tết đến, Xuân về để dâng lời nguyện ước với trời đất, để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân đã mất; thắp một nén hương thơm để cầu chúc hạnh phúc cho mọi người trong gia đình, để không khí của những ngày đầu năm mới thêm ấm áp đã trở thành truyền thống của gia đìn Việt Nam. Nhưng không chắc mấy ai biết để làm ra một nén hương thanh khiết, thơm phảng phất, không chỉ cần sự khéo léo của việc pha chế, tẩm ướp nguyên vật liệu mà còn là cái thần, cái tâm của người làm hương.
Theo lời giới thiệu của một chủ cửa hàng bán vàng mã tại chợ Thái về sản phẩm “Hương Tuyết Bình”, chúng tôi tìm đến Tổ dân phố số 28, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) để tìm hiểu về nghề làm hương của gia đình ông Hà Minh Chiến - người đã hơn 20 năm thăng trầm với nghề “tâm linh” trên đất Thái Nguyên. Vừa cẩn trọng phơi từng cây hương sào (hương đen) để tranh thủ độ khô của tiết trời hanh, ông Hà Anh Chiến vừa kể về cuộc đời gắn với cây hương của ông: Sinh ra và lớn lên ở Đông Thọ, Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, năm 1968, ông xung phong nhập ngũ. Năm 1976, ông ra quân, trở về địa phương công tác tại Sở Tài chính Thái Bình. Duyên nghiệp đưa ông đến với cây hương là năm 1982, ông kết hôn, nhà vợ ông có nghề làm hương gia truyền.
Không biết từ khi nào, kỹ thuật làm hương đã được ông tiếp thu thành thục. Năm 1990 ông nghỉ chế độ và cũng năm đó, ông và vợ là bà Phạm Thị Thái bồng bế 2 con nhỏ lên Thái Nguyên lập nghiệp. Tài sản đồng hành cùng gia đình ông là chiếc cối đá dùng để giã nhựa làm hương. Do chưa quen khách nên ban đầu, ông chỉ làm cầm chừng để tạo mối tiêu thụ. Dần dần, hàng của gia đình có nhiều khách đặt mua, ông đầu tư vốn nâng số lượng hương làm ra nhiều hơn. 5 năm sau ngày chân ướt chân ráo đến Thái Nguyên, gia đình ông mỗi năm bán ra khoảng 70 vạn cây hương đen và hương nhỏ, thu về khoảng 30 đến 40 triệu đồng. Nhưng cơ ngơi và toàn bộ nguyên liệu làm hương tích cóp được sau bao ngày vất vả trong chốc lát bị thiêu rụi vì một trận hoả hoạn do sự bất cẩn củi lửa lúc làm hương. Thương cảm, bà con xung quanh đã chặt tre, cho mượn bạt để ông bà dựng túp lều ở tạm...
Giọng ông trở nên xa xăm: “Lúc đó, tôi nản lòng lắm, định đưa vợ con trở về Thái Bình. Nhưng rồi bà con xóm láng yêu thương, chia sẻ, đùm bọc; các thày cô giáo Trường THCS Nha Trang, các cháu bạn của con tôi giúp đỡ từ miếng ăn, tấm chăn, quần áo mặc, sách vở… đã níu chân tôi ở lại mảnh đất thân thương này.
Năm 1995, ông vay mượn tiền của anh em bạn bè xây căn nhà mái bằng trị giá khoảng 70 triệu đồng để lấy nơi ở và làm hương. 4 thành viên gia đình lại kiên trì, cần mẫn sớm tối, khách hàng của ông ngày một đông hơn, thu về từ cây hương ngày càng khá hơn. Trong căn nhà đầy đủ tiện nghi đắt tiền, trên bàn thờ gia tiên, bát hương “nở” lộc đầy đặn, mùi hương thơm thoang thoảng khiến tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thư thái và gần gũi với gia đình ông như người thân đi xa mới trở về. Đi sâu vào nghề làm hương, ông tâm sự: Một nén hương tốt thắp lên phải có mùi thơm thoang thoảng của các loại thảo mộc tinh khiết, ngào ngạt của gỗ trầm quý, tàn phải đậu trắng nở ra xung quanh. Đặc biệt là mùi hương thật đặc trưng của thảo mộc, nhẹ mà thanh hoặc ngào ngạt mùi trầm nhưng phảng phất lâu trong không khí chứ không phải là mùi thơm tẩm hoá chất. Muốn như vậy, người làm ra nó phải thực sự tận tâm, trung thực trong khâu lựa chọn mua nguyên liệu cũng như các công đoạn sau đó. Mỗi nén hương thường được làm từ hàng chục loại dược liệu như: xuyên đại hoàng, mộc hương, thường truật, xuyên khung, cam thảo, đinh hương, tùng bạch chỉ, gỗ trầm... Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau theo tỷ lệ bí mật gia truyền sẽ quyết định đến mùi thơm, độ bền của nén hương.
Ông Chiến cho rằng: Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh nên người làm nghề không cho phép cẩu thả, gian dối. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ phải cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết, khói lan toả thế nào... . Đối với hương sào, nguồn nguyên liệu (tre, nhựa trám, than vừng, than đỗ tương và một vài dược liệu có mùi thơm) phải được nhập ở nơi cung cấp có uy tín. Từ tháng bẩy âm lịch đến giáp tết là thời gian cao điểm làm hàng phục vụ tết Nguyên đán. Chiếm được niềm tin của khách bằng cái tâm, cái tài nên số lượng hương bán ra của gia đình ông ngày một tăng. Hiện nay mỗi năm ông làm được trên 200 vạn hương nén và khoảng 50 vạn hương sào. Hương nén được bán buôn với giá từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/1 thẻ; hương sào dài nhất (80cm) giá 3.200 đồng/ sào, ngắn nhất (50cm) giá 500 đồng/sào. Trừ chi phí trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng. Lúc cao điểm, ông phải thuê 5-6 người làm, trả công 8.000 đồng/1 trăm nén hương.
Thoăn thoắt đóng gói bao hương, em Lê Thị Ngọc Quỳnh, quê ở xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “ Em đang học lớp 11 Trường THPT Thái Nguyên, nhà ở cạnh nhà bác Chiến. Gia đình khó khăn nên em đã sang xin bác ấy làm thêm ngày nghỉ để kiếm thêm tiền chi phí cho việc học. Nhiều khi phải nộp tiền học phí hoặc đóng góp một số khoản khác nhưng vì mẹ không có tiền nên em được hai bác cho vay hoặc tạm ứng trước tiền công để kịp đóng”. Cùng với Quỳnh, Nguyễn Thị Vân quê ở Tiên Phong, Phổ Yên, hiện đang là sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên cũng tìm đến gia đình ông bà Chiến làm thêm vào thứ 7, Chủ nhật được hơn một năm nay. Vân bộc bạch: “Gia đình em nghèo lắm, thương bố mẹ vất vả nuôi 4 chị em ăn học nên ngày nghỉ em ra đây làm thêm kiếm tiền chi phí cho học hành. Trung bình mỗi ngày nghỉ, em đóng gói được khoảng từ 1.200 đến 1.300 nén hương. Cơm trưa em ăn với gia đình hai bác. Nghề này đòi hỏi chúng em phải cẩn trọng, tỉ mỷ, đóng gói không được thiếu dù chỉ là một nén...”.
Ngoài tạo việc làm cho một số học sinh, sinh viên nghèo, trong mỗi dịp giáp Tết gia đình ông còn giúp đỡ cho khoảng từ 10 đến 15 người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cấp hương cho mọi người đi bán, bán hết hương mới trả vốn cho ông. Nghề làm hương đã mang lại cho gia đình ông Hà Anh Chiến một cuộc sống sung túc, giúp cho nhiều hoàn cảnh có thêm chút mưu sinh.
Quấn quít trong không khí lành lạnh cuối năm là hương trầm thơm ngát, tôi thầm cảm ơn ông bà Chiến và bao người làm hương khác đã đem đến cho mỗi người giây phút thăng hoa cùng trời đất và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.