Thị trường Tết ở nông thôn: Chuyện cũ nhưng đáng bàn

13:55, 17/01/2012

Vài ngày nữa là đến Tết Nhâm Thìn, tìm hiểu thị trường hàng hóa phục vụ Tết ở một số địa bàn nông thôn, thực tế cho thấy còn rất nhiều vấn đề tuy không mới nhưng đáng bàn…

Từ những phiên chợ quê

 

Chúng tôi có mặt tại một buổi chợ phiên giáp Tết ở chợ Mỹ Yên, xã Mỹ Yên (Đại Từ), nơi mà từ lâu nay đã trở thành địa điểm trao đổi, mua bán của những nông dân sống bên dãy Tam Đảo. Ngay từ đầu buổi sáng, cảnh kẻ bán, người mua đã diễn ra khá nhộn nhịp. Thế nhưng, thật lạ là một số mặt hàng đặc trưng trong dịp này như lá dong, bánh, mứt, kẹo… lại rất ít.

 

Trò chuyện với chị Phạm Thanh Hằng, xóm Đồng Cạn, xã Mỹ Yên, chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây, chúng tôi được biết, vào thời điểm này những năm trước, các loại hàng Tết đã được bày bán rất nhiều với đủ chủng loại, từ lá chuối, lá dong, bánh kẹo, hạt dưa, mứt Tết, rượu bia, hoa quả... được đưa về từ Lạng Sơn, T.P Thái Nguyên, Bắc Giang. Thế nhưng , năm nay mọi thứ khác hẳn, thị trường trầm lắng hơn, giá không tăng mạnh nhưng lượng tiêu thụ vẫn rất chậm.

 

Qua quan sát của chúng tôi tại cửa hàng của chị Hằng và một số gian hàng khác trong chợ, có rất ít người mua bánh kẹo, hoa quả, mứt, chủ yếu là hỏi giá tham khảo. Cũng vì nhu cầu của người dân năm nay giảm nên lượng hàng Tết được các tiểu thương ở đây nhập về năm nay giảm hẳn so với những năm trước. Riêng với chị Hằng, lượng hàng chị dự định nhập về khoảng 10 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 năm ngoái.

 

Không chỉ ở chợ Mỹ Yên, tại nhiều vùng quê khác, trong đó có xã Tân Khánh (Phú Bình), địa phương còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập bình quân đầu người 10,5 triệu đồng/năm, thấp hơn 2,5 triệu đồng so với mức bình quân của huyện, thấp hơn rất nhiều mức bình quân chung của tỉnh (22,3 triệu đồng). Khi được hỏi về thị trường Tết năm nay, chị Nguyễn Thị Hải, một chủ đại lý phân phối tại khu Phố Chợ, xã Tân Khánh, chuyên cung cấp cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn chia sẻ: Thị trường Tết năm nay khá trầm lắng, người dân đi sắm Tết muộn hơn. Hầu hết các cửa hàng đều không nhập hàng nhiều như mọi năm, trung bình chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng/cửa hàng. Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, chị Hải cho rằng, đó là do đầu năm 2011 trên địa bàn đã xảy ra dịch bệnh lở mồm, long móng trên đàn gia súc. Giá bán các loại gia cầm lại giảm chỉ bằng một nửa giá thành trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2011 vừa qua. Ngoài ra, giá một số loại nông sản khác hiện cũng không cao, thậm chí đang giảm mạnh, nhất là thịt lợn. Từ Tết Dương lịch đến nay, giá lợn hơi đã giảm từ 200 đến 250 nghìn đồng/tạ, khiến cho nhiều gia đình lo lắng vì bán vào thời điểm này thì sẽ cầm chắc khoản lỗ. Chính vì vậy, hầu hết các hộ chăn nuôi đều hy vọng những ngày tới giá sẽ tăng trở lại, khi đó mới bán lợn lấy tiền sắm Tết.

 

Ngoài những lý do trên, theo chị Nguyễn Thị Gấm, xã Nga My (Phú Bình), có chồng đi làm thợ xây ở Hà Nội thì nhiều gia đình hiện nay vẫn đang chờ vào khoản tiền Tết từ những người thân đi làm ăn xa hoặc đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Gia đình chị là một trong số đó. Tuy nhiên, số tiền ấy cũng không nhiều, chỉ một vài triệu đồng, đủ để trả nợ và chuẩn bị cho một cái Tết đạm bạc.

 

…đến những chuyện đáng bàn

 

Như vậy, có thể thấy rằng bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đã và đang tác động tới thị trường ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cũng vì nhiều khoản thu giảm nên để đảm bảo các nhu cầu tiêu dùng tối thiểu trong dịp Tết, nhiều nông dân đã coi các loại hàng giá rẻ là lựa chọn số một của mình. Họ không quan tâm nhiều tới chất lượng, cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại một dãy hàng bán bánh, kẹo có 2 ki-ốt liền kề nhau ở chợ Tân Khánh, xã Tân Khánh (Phú Bình), tuy nằm ở giữa chợ nhưng vẫn khá đông khách mua hàng. Tại đây, bày bán đủ loại bánh, kẹo khác nhau được đựng trong những túi ni-lông lớn. Vì được bán theo khối lượng nên loại bánh, kẹo này được gọi là “kẹo cân”, với đặc điểm không rõ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất sứ, không rõ hạn sử dụng và không có giá bán trên bao bì. Giá bán của loại bánh, kẹo này dao động từ 25 đến 40 nghìn đồng/kg tùy từng loại và khả năng mặc cả của người mua. Trò chuyện với một số khách mua hàng tại đây về nguy cơ có hại cho sức khỏe từ những sản phẩm này thì một số người nói rằng, năm nào họ cũng mua loại bánh, kẹo này, ăn vào không có vấn đề gì nên năm nay lại mua tiếp để chuẩn bị Tết cho gia đình. Họ cũng cho rằng mức giá trên là phù hợp với túi tiền của mình. Không khí mua bán tại gian hàng nói trên lại trái ngược hoàn toàn với một cửa hàng bình ổn giá của Công ty cổ phần Phát triển thương mại Thái Nguyên chỉ cách chợ vài chục mét. Cửa hàng này có rất ít người mua hàng, mặc dù các mặt hàng đều đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và được niêm yết công khai.

 

Chúng tôi đã trao đổi những vấn đề trên với ông Nguyễn Thế Mạnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Phú Bình. Từ thực tế tại địa phương, ông Mạnh cho rằng, trong khi nhận thức của người dân nông thôn còn hạn chế thì những khó khăn về kinh tế hiện nay đang là điều kiện thuận lợi để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội len lỏi về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng giáp ranh. Những nơi này công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng không thể tiến hành thường xuyên. Trong khi đó, thủ đoạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn như: vận chuyển vào ban đêm, chia nhỏ để vận chuyển, bày bán hàng giả lẫn với hàng thật... Hiện nay, Đội Quản lý thị trường huyện đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cả trước, trong và sau Tết. Đội đã phát hiện rất nhiều sai phạm, chủ yếu là: không niêm yết giá bán, sản phẩm quá hạn sử dụng, hàng giả…

 

Thiết nghĩ, để thị trường hàng hóa ở nông thôn lành mạnh hơn, không chỉ trong dịp Tết đến, xuân về, người tiêu dùng không phải chịu thiệt, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nông thôn, các đơn vị liên quan cũng nên tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân dần thay đổi thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, tỉnh nên hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn dịp Tết hơn nữa để người dân nông thôn được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách này. Bởi thực tế cho thấy, số điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn hiện nay chưa nhiều. Trong 8 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn, chỉ có Công ty cổ phần Phát triển thương mại Thái Nguyên có 18 điểm bán hàng bình ổn được tổ chức ở các huyện, thị. Các doanh nghiệp còn lại đều có từ một đến hai điểm bán hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, khu trung tâm.