Trời lạnh, nhiều trẻ nhập viện

10:47, 12/01/2012

Trong 2 tuần vừa qua thời tiết lạnh kéo dài số lượt trẻ em đến các bệnh viện khám và điều trị ngày càng tăng nguyên nhân do dịch tiêu chảy do virus rota và bệnh viêm tiểu phế quản cấp.

Theo tiến sĩ Khổng Thị Ngọc Mai - Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, mỗi ngày khoa tiếp nhận trên 80 trẻ đến khám và nhập viện với các triệu chứng nôn trớ, sốt nhẹ, tiêu chảy… tiêu chảy do rota virus hay tiêu chảy mùa đông là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus rota gây nên; bệnh thường gặp ở lứa tuổi 3-24 tháng, trong 5 năm năm đầu phần lớn trẻ mắc phải bệnh này. Triệu chứng của bệnh, trẻ sẽ nôn, sốt sau khoảng 1-2 ngày thì xuất hiện đi ngoài, tiêu chảy nhiều từ 5 đến 10 lần/ngày, trẻ đi ngoài từ 5-7 ngày khác tự khỏi; bên cạnh đó trẻ có thể bị  ho kèm theo sốt nên một số cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Ngoài ra, trẻ có thể bị nhiễm rota virus qua đường tiêu hóa từ thức ăn, thức uống, đồ vật nhiễm bẩn. vì vậy vậy giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh, đặc biệt là thời tiết lạnh như hiện nay nhiều người ngại rửa tay cho trẻ như thế bệnh càng dễ lây. Biến chứng của bệnh mất nước, mất muối quá nhiều dễ dẫn đến trụy mạch thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời, việc điều trị là bù dịch và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

 

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, khi mắc bệnh các phế quản nhỏ bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho khò khè, khó thở, xuất tiết, sổ nước mũi, ngủ kém, sốt vừa hoặc sốt cao; sau từ 3-5 ngày trẻ ho càng nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít; trường hợp nặng trẻ sẽ bị tím tái, thiếu oxy thậm chí ngừng thở….  Các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như; rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn ho khó thở tái phát; nghiêm trọng hơn trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

 

Theo lời khuyên của tiến sĩ Khổng Thị ngọc Mai , vào thời điểm khí hậu thất thường như hiện nay, các bậc cha mẹ nên chú ý đến việc điều chỉnh về trang phục cho các cháu. Buổi sáng khi thời tiết lạnh nên mặc đủ ấm cho trẻ, đến trưa khi thời tiết ấm lên cần cởi bớt quần áo cho trẻ tránh hiện tượng chảy mồ hôi khiến trẻ có thể bị cảm. Khi có các dấu hiệu sốt cao, nôn, khó thở đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế đế được khám và điều trị để tránh bị co giật. Cần chú ý, mùa đông lạnh các bậc phụ huynh không nên sờ trán, chân tay để xem con mình bị sốt hay không mà cần cặp nhiệt độ để biết chính xác trẻ sốt hay không, nặng hay nhẹ. Đối với trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh non tháng nên ủ ấm cho con bằng biện pháp căng - gu - ru (tức là phương pháp da kề da). Chế độ ăn uống hợp lý cũng  rất quan trọng, khi cơ thể trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật./.