Quản lý, sử dụng đất bấy lâu nay luôn là vấn đề nóng hổi trên các diễn đàn. Sở Tài nguyên - Môi trường đang tập trung cao độ xây dựng Đề án: Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, trong đó có đề xuất 5 nhóm giải pháp khá quan trọng.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở chia sẻ: Đây là các nhóm giải pháp được Ngành chắt lọc, đúc kết thông qua quá trình thực tế, trong đó có nhiều điểm mới, nhiều cách làm khác trước. Nếu thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp này, đảm bảo công tác quản lý, sử dụng đất của chúng ta sẽ quy củ và hiệu quả hơn. Theo ông Tuấn thì nhóm giải pháp đầu tiên chính là vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quan trọng nhất là phải đáp ứng kịp thời, đầy đủ các dự án, đề án, chương trình có sử dụng đất của tỉnh.
Đây là nhóm giải pháp đã được triển khai lâu nay, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Thường thì các đề án, dự án do các ngành quản lý đều phải bám vào quy hoạch sử dụng đất để thực hiện, nhưng thời gian qua vẫn còn tồn tại thực trạng quy hoạch sử dụng đất phải làm đuổi theo sau các dự án. Có hai điểm dễ nhận thấy, một là vấn đề quy hoạch, kế hoạch còn mang tính hình thức, không có tính dẫn dắt, dẫn đến việc các đề án, dự án bị chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình triển khai, một là các đề án, dự án sinh ra trước, cứ làm sau đó mới quy hoạch qũy đất. Hiện nay, những vấn đề này đã được cải thiện rất nhiều. Năm 2012, Ngành Tài nguyên – Môi trường đang hướng đến mục tiêu quy hoạch đủ nguồn đất cấp cho 544 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ (trên 4.881 ha đất phi nông nghiệp) và 231 dự án lấy đất phi nông nghiệp thuộc thẩm quyền tỉnh phê duyệt, cùng các dự án lấy đất nông nghiệp khác. Quỹ đất cho các dự án cũng được ngành chủ động bố trí không những đáp ứng các dự án trong kế hoạch mà cho cả các dự án phát sinh.
Nhóm thứ hai được đưa ra chính là việc tổ chức rà soát các thủ tục hành chính, phấn đấu rút ngắn thời gian từ 20% đến 30% quá trình giải quyết các hồ sơ, thủ tục so với quy định. Tuyệt đối không để phát sinh bất cứ thủ tục hành chính nào ngoài quy định. Thời gian trước ở một số địa phương vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Khi các quy định mới ra đời và có hiệu lực, thì thủ tục cũ vẫn còn tồn tại, được cán bộ cơ sở máy móc áp dụng, gây nhiều phiền hà cho người dân. Năm 2011 vừa qua, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh kiểm tra vấn đề này tại một số địa phương và phát hiện còn nhiều trường hợp vi phạm. Đáng lẽ việc chuyển nhượng, tặng cho, quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cần phải ra quyết định hành chính mà chỉ do cơ quan chuyên môn xác nhận là đủ, nhưng UBDN cấp huyện vẫn ban hành quyết định hành chính. Điều này đúng với trước đây, nhưng từ khi văn bản quy định mới ra đời thì việc ra quyết định đối với những trường hợp trên là thừa. Như vậy là thêm thủ tục hành chính, làm mất thời gian, lãng phí công sức, tiền của của nhân dân.
Một vấn đề nữa cũng khá quan trọng liên quan đến những người trực tiếp làm công tác quản lý đất đai, đấy chính là nhóm giải pháp nhằm gắn trách nhiệm của cán bộ CNVC Ngành Tài nguyên – Môi trường tới từng nhiệm vụ, hồ sơ được phân công cụ thể. Từ đó, nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, xác định những tồn tại, yếu kém để đào tạo, bồi dưỡng cũng như xử lý cán bộ trong ngành. Ông Đoàn Văn Tuấn cho biết: Trước đây cứ giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn, việc làm tốt hay chưa tốt đều do tập thể đứng ra đảm trách. Từ đó sinh ra việc khi kết quả tốt, người không làm cũng được hưởng lây, còn khi không hiệu quả, người không làm cũng chẳng phải gánh chịu. Nay khi thực hiện giải pháp này, sẽ rạch ròi từng việc, từng cá nhân, ai làm người ấy chịu trách nhiệm. Có thế công việc mới trôi và hiệu quả mới cao được. Trước mắt, ngành tập trung thực hiện tại Văn phòng Sở, tới đây sẽ đề xuất phối hợp thực hiện ở cấp huyện.
Nhóm giải pháp thứ tư được xem là khá mới, cụ thể, rõ ràng đó là quản lý đất đến từng thửa theo hệ thống từ tỉnh đến huyện rồi đến xã thông qua công nghệ tin học. Qua đó, xác định rõ chủ sử dụng đất, loại đất, mục đích sử dụng, vị trí và quá trình biến động đất để phục vụ yêu cầu về đền bù, giải quyết các vướng mắc về đất đai một cách hiệu quả. Thực trạng trước đây là việc đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa có sự gắn kết. Thường thì khi đo đạc xong, do thiếu kinh phí cấp giấy chứng nhận nên để chậm lại, sau một thời gian tình hình đất biến động, muốn thực hiện được lại phải đo đạc lại, gây lãng phí. Hiện nay, công việc quản lý đất đai đã được thực hiện trên cơ sở dữ liệu nhưng chưa đồng bộ trong toàn tỉnh, dẫn đến việc quản lý, sử dụng đất chưa chặt chẽ, không kiểm soát được hết những biến động của đất đai, khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp muôn vàn khó khăn. Thực hiện nhóm giải pháp mới sẽ giúp cho người quản lý có thể ngồi tại văn phòng, bật máy tính theo dõi và biết một cách chính xác những biến động của từng thửa đất, lô đất trên toàn địa bàn. Điều quan trọng là sẽ giúp giảm chi phí quản lý đất đai, giảm khiếu kiện tranh chấp đất, thuận tiện cho việc chuyển mục đích sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Đây là phương pháp quản lý thông minh đã được một số tỉnh, thành áp dụng thành công. Được biết, hiện nó được áp dụng điểm tại huyện Định Hoá, sau đó sẽ nhân rộng ra cả tỉnh.
Nhóm giải pháp cuối cùng chính là tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng đất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đơn vị sử dụng đất sai mục đích, có giải pháp xử lý chống thất thu ngân sách. Tổ chức thanh, kiểm tra đối với cấp huyện, xã trong việc quản lý thực hiện các thủ tục đất đai; kịp thời uốn nắn các đơn vị chuyên môn chưa thực hiện đúng quy định. Trước đây, công tác thanh kiểm tra đã được triển khai, song đối tượng kiểm tra hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao. Ngành Tài nguyên – Môi trường gần như chưa tiến hành công tác thanh, kiểm tra đối với cấp huyện và xã mà chủ yếu chỉ áp dụng với các doanh nghiệp. Theo nhóm giải pháp này thì tới đây Ngành sẽ tiến hành thanh, kiểm tra cả cấp huyện và cấp xã, kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thuê đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Điều đó sẽ giúp cho việc quản lý đất đai được triệt để hơn, mang lại hiệu quả hơn, tránh tình trạng để lọt các tổ chức, cá nhân sử dụng đất sai quy định.
Với sự phối hợp đồng bộ 5 nhóm giải pháp trên, Ngành Tài nguyên – Môi trường kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu ứng tốt góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.