Bảo vệ vật nuôi trước dịch cúm gia cầm

13:38, 24/02/2012

Bị tiêu huỷ trên 6 nghìn con gia cầm, và hơn 18 nghìn quả trứng các loại đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi của huyện Đại Từ trong dịch cúm gia cầm năm 2010. Bởi vậy, khi dịch cúm gia cầm trở lại địa bàn tỉnh với nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù chưa có dịch nhưng huyện Đại Từ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ vật nuôi...

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có trên 1 triệu con gia cầm, thuỷ cầm, hơn 57 nghìn con lợn và gần 11 nghìn con trâu, bò. Tổng số trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn của huyện là 498. Mặc dù trên địa bàn huyện đến nay chưa có dịch nhưng trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và các dịch bệnh khác bùng phát lây lan, UBND huyện đã ban hành 9 công văn, kế hoạch và quyết định các loại để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

 

Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Thú y tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tới tận thôn, bản và các hộ chăn nuôi. Cán bộ chuyên môn được phân công trực phòng, chống dịch bệnh để tiếp nhận báo cáo, thông tin kịp thời và tăng cường xuống các xã có ổ dịch cúm gia cầm cũ, các xã, thị trấn giáp ranh với vùng có ổ dịch cũ nhằm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, từ tháng 11-2011 đến nay, Đại Từ đã phối hợp với Chi cục Thú y lấy 160 mẫu bệnh phẩm (mỗi tháng lấy 40 mẫu) của 4 xã: Bình Thuận, Lục Ba, Văn Yên, Hoàng Nông là những xã chăn nuôi nhiều thuỷ cầm, xã có ổ dịch cũ để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm trên đàn thuỷ cầm.

 

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Đắc và ông Nguyễn Duy Thạo, cùng ở xóm Gốc Sữa, xã Hoàng Nông là nơi có ổ dịch cũ hiện đang chăn nuôi 1.300 con vịt, khi đoàn cán bộ thú y đến lấy mẫu bệnh phẩm đã rất vui vẻ và chấp hành đầy đủ các hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ông Đắc bày tỏ: Đã một lần bị thiệt hại nặng nề trong dịch cúm gia cầm năm 2010 nên khi nghe tin dịch cúm gia cầm bùng phát ở Sông Công, Phú Bình, gia đình tôi thực hiện ngay các biện pháp phòng dịch, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, phun thuốc khử trùng tiêu độc... Bây giờ thì có kinh nghiệm phòng, chống dịch lắm rồi!

 

Cùng với việc lấy mẫu bệnh phẩm, huyện Đại Từ còn chuẩn bị 420 lít thuốc khử trùng Benkocid để cấp cho các xã, thị trấn phòng dịch. Sau khi được cấp thuốc ngày 23-2, các xã, thị trấn đã đồng loạt triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng dịch để phun cho các trang trại, gia trại, cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm, khu vực buôn bán gia cầm... Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Công ty thuốc thú y Tiến Thành tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ứng dụng một số sản phẩm kiểm soát dịch bệnh và biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đến nay, huyện cũng thành lập Tổ kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y lưu động để kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn huyện; tổ chức ký cam kết đối với từng hộ gia đình về việc không giấu dịch, không bán chạy, không vứt xác gia cầm bừa bãi.

 

Đứng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, bên cạnh sự quyết liệt của chính quyền địa phương, bản thân các hộ chăn nuôi cũng vào cuộc lo cho chính bản thân mình. Đến trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Dương Đình Bao, xóm Hà Thái, xã Lục Ba, ngay từ cổng vào chúng tôi đã thấy anh rải vôi bột xung quanh đường đi, lối lại, khu vực chuồng trại. Anh Bao cho biết: Trang trại của tôi hiện đang chăn nuôi 5 nghìn con gà đẻ trứng và 4 nghìn vịt đẻ. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất bán 10 vạn quả trứng gà và 8 vạn quả trứng vịt các loại. Đầu tư chăn nuôi lớn như vậy nên tôi đặc bịêt quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh. Khi chưa có dịch, mỗi tuần tôi tự mua thuốc khử trùng về phun 2 lần. Từ khi có dịch, 2 ngày tôi phun thuốc một lần, tôi còn thực hiện các biện pháp như hạn chế người ra vào khu vực chuồng trại, bổ sung một số men vi sinh, vi ta min các loại để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm...  

 

Ông Bùi Văn Trường, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đại Từ cho biết: Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; tiếp tục triển khai phun hoá chất khử trùng tiêu độc ở các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi gia cầm, các chợ, tụ điểm buôn bán, giết mổ gia cầm; tăng tưòng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...