Bộ trưởng Bộ Y tế: Chất lượng dịch vụ y tế sẽ tốt hơn

10:31, 18/02/2012

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết khi điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn.

Trong số hơn 3.000 dịch vụ y tế, 445 dịch vụ dự kiến sẽ được áp dụng mức giá mới trong năm nay.

 

Ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong đợt điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này, nguyên tắc là tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ…

 

Để kiểm soát được việc tính đúng, tính đủ này và để các bệnh viện không thu thêm các chi phí ngoài quy định, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thanh tra ngành y tế, thanh tra trong lĩnh vực khám chữa bệnh… và người dân sẽ cùng giám sát.

 

Bộ trưởng cũng cho biết, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ Thông tư số 14 năm 1995 và Thông tư số 03, Liên Bộ chỉ mới điều chỉnh 3 trong số 7 yếu tố chính. Cụ thể là: Tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất để thực hiện dịch vụ; chi phí về điện, nước, thông tin liên lạc, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn để thực hiện dịch vụ; chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị trực tiếp, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ.

 

Bốn yếu tố chi phí chưa tính vào giá là: Tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp; khấu hao trang thiết bị y tế trực tiếp; khấu hao, sửa chữa lớn cơ sở hạ tầng; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

 

Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, BHYT sẽ thanh toán mức cao hơn nên sẽ giảm bớt sự đóng góp của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán.

 

Hoặc do trước đây giá thấp, bệnh viện không có đủ kinh phí để triển khai một số dịch vụ, kỹ thuật y tế cho người bệnh, nay được điều chỉnh giá nên sẽ triển khai, người bệnh có BHYT sẽ được hưởng, đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

 

Tác động không lớn

 

Hiện, khoảng 53 triệu người có thẻ BHYT, chiếm khoảng 62% dân số. Với mức viện phí mới, Bộ trưởng cho biết, các đối tượng người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi (khoảng gần 9 triệu trẻ) được nhà nước mua thẻ BHYT, khi khám, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng.

 

Các đối tượng như cán bộ hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được nhà nước bảo đảm kinh phí để mua thẻ BHYT (đến nay 14,7 triệu người thuộc đối tượng này đã được cấp thẻ BHYT, chiếm 17% dân số), được BHYT thanh toán 100% khi khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Trường hợp phải chuyển tuyến trên còn được thanh toán tiền vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên và được thanh toán 95% khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên, chỉ phải đồng chi trả 5%. Quỹ BHYT sẽ thanh toán 95% số viện phí tăng thêm, các đối tượng này chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm.

Đối tượng là học sinh, sinh viên đã được Nhà nước hỗ trợ 30% để tham gia BHYT, khi đi khám, chữa bệnh phải chi trả 20% chi phí, nên quỹ BHYT sẽ thanh toán 80% của số tăng thêm, chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin thêm, nếu BHYT còn kết dư, mức hỗ trợ người cận nghèo sẽ là 70%, trước chỉ là 50%. Mặc khác, các dự án ODA sẽ hỗ trợ cho người cận nghèo thêm 10%, như vậy mỗi người cận nghèo chỉ đóng 50.000 đồng là đã có thẻ BHYT.

 

Bên cạnh đó, sắp tới sẽ tính đến lộ trình BHYT học sinh, sinh viên là bắt buộc (Nhà nước hỗ trợ 50%) và BHYT đối với nông dân (Nhà nước hỗ trợ 30%).

 

Đối với khoảng 38% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT, trong đó chủ yếu có mức thu nhập trung bình trở lên, Bộ trưởng cho biết sẽ bị ảnh hưởng nhưng do chỉ điều chỉnh giá của 445/3.000 dịch vụ, nên các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả. Nguyên nhân là thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 3,1 triệu đồng năm 1995 lên khoảng 21 triệu đồng/người như hiện nay (tăng khoảng 6 lần). Nhiều người thuộc đối tượng này đã đi khám chữa bệnh tại nước ngoài, tại các bệnh viện liên doanh, bệnh viện 100% vốn nước ngoài, bệnh viện tư có mức phí cao.

 

Tuy nhiên, nếu các đối tượng này mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn, sẽ khó có thể chi trả viện phí. Vì vậy, cần phải tăng cường vận động, tuyên truyền để các đối tượng này tham gia BHYT tự nguyện.