Buôn… tóc

10:03, 07/02/2012

Nghề này đã và đang cho thu nhập chính, là cơ hội đổi đời cho một số hộ gia đình khó khăn. Điều đặc biệt là nghề này chỉ có phụ nữ làm và thành công: buôn tóc.

Xóm Hòa Bình 1, xã Thanh Ninh (Phú Bình) có 101 hộ dân thì gần 100% số hộ đều làm nông nghiệp với tổng diện tích đất canh tác là 33ha. Trong những năm qua, người dân trong xóm đã tích cực đưa các giống cây con mới về nuôi trồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, họ cũng năng động trong cách nghĩ, cách làm để phát triển các nghề phụ nâng cao thu nhập như nấu rượu, buôn trâu bò, nghề mộc và trong đó có một nghề rất đặc biệt là… buôn tóc. Con số trên 20 người trong xóm đã có thời gian gắn bó từ 2 đến trên 10 năm với nghề buôn tóc cũng đủ để hiểu nghề phụ này đã và đang cho người nông dân có thu nhập khá.

 

Chị Đồng Thị Thông sinh năm 1981 tại xóm nhưng đã có thời gian gần 11 năm đi làm nghề này. Chị cho biết: Gia đình tôi làm 8 sào ruộng và chăn nuôi một vài con lợn và trâu bò. Mỗi năm trừ chi phí chỉ thu lãi 20-30 triệu đồng. Năm 2001, người chị bên chồng ở Định Hóa đi buôn tóc và rủ tôi đi cùng. Sau một thời gian rong ruổi tới các phiên chợ để tìm mua tóc, thấy nghề này cũng dễ làm mà cho hiệu quả kinh tế khá nên tôi đã quyết tâm gắn bó với công việc này thường xuyên. Được biết, vào các phiên chợ ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, chị có mặt và tìm mua tóc của người dân có nhu cầu bán. Sau 2-3 ngày, khách mua hàng ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh về tận nhà thu mua. Theo chị được biết, mặt hàng này được bán sang Thái Lan và Trung Quốc để làm tóc giả và các phụ kiện cho ngành điện ảnh sân khấu.

 

Tóc chị mua thường là tóc nữ, tùy theo độ dài và óng, mượt của tóc mà có giá từ 300-600 nghìn đồng/lạng, có mái tóc đẹp được trả giá mua tới 1 triệu đồng. Sau khi mua về, chị hồ lại tóc, sửa hàng cho mượt bóng và bó gọn để bán cho thương lái. Một hai năm gần đây, chị vừa trực tiếp đi mua tóc vừa nhập lại hàng của những người đi mua tóc nhỏ lẻ, làm đầu mối tiêu thụ lớn hơn. Từ nghề này, chị Thông thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp. Khi chúng tôi đến nhà, chị Thông đang sửa sang lại các mái tóc để chuẩn bị giao hàng cho các thương lái. Trong nhà chị hiện có gần 30kg tóc chị thu về trong năm để bán vào thời điểm hai tháng đầu năm khi việc thu mua tóc được ít.

 

Gắn bó với nghề này được trên 6 năm, chị Nguyễn Thị Biển ở cùng xóm chị Thông chia sẻ: Trước đây, tôi bán hàng khô tại gia đình, thu nhập không cao mà chỉ đủ tiêu dùng. Nghe mấy chị bạn rủ đi làm nghề buôn tóc tôi cũng thử đi. Đây là công việc nhẹ nhàng, không mất nhiều vốn đầu tư (khoảng vài triệu đồng) và nhất là cho thu nhập khá. Đồ nghề cần sắm chỉ là chiếc túi nhỏ có chiếc kéo sắc và một bó nịt để cột tóc. Thường vào phiên chợ tại các xã trong huyện, tôi có mặt và tìm mua tóc. Gặp những người có mái tóc dài, tôi nhẹ nhàng tiến tới làm quen rồi hỏi họ xem có nhu cầu bán tóc không. Khi họ đồng ý bán với mức giá phù hợp, tôi tiến hành cắt tóc. Vừa nói, chị vừa cười cho chúng tôi biết, từ khi làm nghề phụ này, chị đã có điều kiện sắm sửa các vật dụng cần thiết trong gia đình với mức thu nhập trên dưới 70 triệu đồng/năm.

 

Ngoài chị Thông, chị Biển, ở xóm Hòa Bình 1 còn có các chị lựa chọn nghề này là công việc chính và có thu nhập khá như chị Hồ Thị Ngân, Nguyễn Thị Tỉnh, Tạ Thị Lan, Nguyễn Thị Tuyên… Nếu tính cả xã Thanh Ninh thì hiện có khoảng 50 người đang làm nghề buôn tóc. Không chỉ mua trực tiếp của những người có nhu cầu cắt tóc, các chị còn tận thu tóc nữ tại các tiệm cắt tóc gội đầu với giá tóc ngắn (độ dài khoảng 30 cm trở lên) từ 300-350 nghìn đồng/kg, tóc vụn từ 50-60 nghìn đồng/kg; tóc nam là 3 nghìn đồng/kg. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, số lượng các bạn nữ cắt tóc ngắn và ép, nhuộm để làm đẹp là không hiếm. Vì vậy, mỗi buổi chợ các chị cũng thu mua được 3 lạng đến 1kg tóc.

 

Bên cạnh những niềm vui vì có thu nhập đáng kể, những người làm nghề này cũng trải lòng về biết bao những khó khăn, vất vả. Xóm Phú Dương 2, xã Dương Thành (Phú Bình) hiện có gần 10 người đang làm nghề buôn tóc. Chị Trần Thị Vân đã gắn bó với nghề buôn tóc 6 năm có lẻ cho biết: Nghề này đơn giản, nhẹ nhàng nhưng không phải ai cũng làm được vì nó đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Có người đi 3-5 phiên chợ mà chưa mua được hàng, tiền xăng xe và ăn uống chi phí tốn kém nên đã nản lòng bỏ cuộc. Ngoài ra cũng là cái “duyên” mua bán, không phải ai đi làm cũng mua được nhiều tóc. Khó khăn nữa là người mua phải nhìn mái tóc, tùy độ dài mà “căn” đúng giá trị của nó để trả giá cho phù hợp. Định lượng được đúng giá trị mái tóc là yếu tố quyết định sự “lỗ, lãi” của người mua. Và tất nhiên không phải ai mới bắt tay vào nghề đã làm thành công. Phải mất thời gian, công sức và nhiều khi chịu lỗ vốn mới “mua” được kinh nghiệm làm hàng. Sáng lăn lộn ở các phiên chợ, buổi chiều các chị đều có mặt ở nhà, nhà ai có ruộng nương lại cần mẫn làm cùng chồng.

 

Sau những ngày bận rộn thời vụ, có nhiều người buôn tóc còn lên tận các huyện biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, thậm chí sang tận nước Lào, Campuchia để thu mua tóc…Vất vả biết nhường nào vì đường sá xa xôi, lang thang trên đất khách quê người nhưng các chị đều rất vui vì số tiền kiếm được là chân chính, xứng đáng với công sức mình bỏ ra.