Chung tay xây dựng các công trình phúc lợi

08:49, 21/02/2012

Từ năm 2006 đến nay, xã Bản Ngoại, Đại Từ đã làm được trên 4km đường bê tông liên xóm với 3 tuyến là Khâu Giang - La Dạ, Khâu Giang - Khâu Giáo và tuyến liên xóm Ninh Giang…

Có mặt tại tuyến đường liên xã Bản Ngoại - La Bằng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho chúng tôi biết: Tuyến đường này thi công đúng tiến bộ là nhờ bà con nhân dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình phong trào hiến đất, tài sản xây dựng đường giao thông. Tuyến đường đi qua địa phận xã có chiều dài 8km, tổng giá trị đầu tư gần 30 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được phê duyệt, 152 hộ dân của 4 xóm: Khâu Giang, Khâu Giáo 1, Khâu Giáo 2, Đầm Mua bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng lòng hiến trên 17 nghìn m2 đất và tài sản trên đất cho Nhà nước. Đặc biệt, trong số 152 hộ dân hiến đất và tài sản, có không ít hộ dân thuộc diện hộ nghèo.

 

Gia đình ông Phùng Văn Táy, dân tộc Nùng ở xóm Đầm Mua là hộ nghèo đã nhiều năm, đã lập gia đình ra ở riêng nhưng hai vợ chồng ông vẫn ở trong một ngôi nhà xập xệ. Nghèo như vậy nhưng gia đình ông đã sẵn sàng, gương mẫu hiến hơn 800m2 đất để làm đường giao thông. Tâm sự với chúng tôi, ông Táy chỉ có một mong muốn duy nhất là được Đảng và Nhà nước quan tâm,  giúp đỡ gia đình ông xây dựng một ngôi nhà kiên cố để yên tâm lúc tuổi già...

 

Cũng là hộ nghèo, cụ Bế Ngọc Khoa, xóm Đầm Mua năm nay đã trên 80 tuổi nhưng trước việc làng, xã, vì cộng đồng, cụ tình nguyện hiến trên 1 nghìn m2 đất các loại chiếm 2/3 trong tổng diện tích đất của gia đình để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong suy nghĩ của cụ “tất cả âu cũng vì con cháu và các thế hệ mai sau, mong chúng nó khi có tuyến đường thuận tiện sẽ có nhiều cơ hội làm ăn, kinh tế khấm khá hơn”. Biết chuyện, nhiều người rất cảm phục tấm lòng của cụ Khoa. Theo gương gia đình cụ, những hộ dân còn lại cũng không còn băn khoăn, nhất trí ủng hộ chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông ở một xã thuần nông. 

 

Từ năm 2006 đến nay, bà con nhân dân xã Bản Ngoại đã làm được trên 4km đường bê tông liên xóm với 3 tuyến là Khâu Giang - La Dạ, Khâu Giang - Khâu Giáo và tuyến liên xóm Ninh Giang. Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng xóm Ninh Giang cho biết: Hơn 1 năm về trước, đoạn đường từ xóm Ninh Giang đến trung tâm xã rất khó đi, trời mưa thì lầy lội. Nay tuyến đường được xây dựng phẳng phiu, sạch, đẹp, có tổng giá trị gần 340 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% (trên 237 triệu đồng), nhân dân đóng góp 30%. Nhờ có cách làm khoa học, công khai, dân chủ nên chỉ sau 1 tháng thi công tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con nhân dân.

 

Cùng với việc đầu tư xây dựng, các tuyến đường, xã Bản Ngoại còn thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình trường học, trạm điện, trạm y tế, nhà văn hóa cơ sở… Năm 2011, xã đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng bếp ăn bán trú choTrường Tiểu học Bản Ngoại, phục vụ hơn 100 cháu đang theo học trong Trường; xây dựng trên 500m kênh mương nội đồng trị giá 288 triệu đồng, trong đó nhân dân đối ứng 40%; mở rộng mặt bằng xây dựng Trạm Y tế xã mới tại xóm Ba Giăng với diện tích 2 nghìn m2; mở rộng khuôn viên nhà làm việc của xã...

 

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện cho người dân địa phương thuận lợi trong phát triển kinh tế. Với 80% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, người dân Bản Ngoại đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa KHKT mới vào đồng ruộng. Nếu như 5 năm trước đây, người dân Bản Ngoại chỉ độc canh cây lúa thì nay địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là vùng chuyên canh sản xuất cà chua ở xóm Phố, Ninh Giang, Khâu Giang, Quang Trung; vùng chuyên canh dưa hấu tại các xóm Rừng Lâm, xóm Phố, La Dạ; vùng chuyên canh củ đậu tại Khâu Giáo 1, Khâu Giáo 2; vùng chuyên canh khoai tây tại Ninh Giang, Ba Giăng... Tại những vùng chuyên canh này, nông dân gắn bó với đồng ruộng do sản xuất thuận lợi, tưới tiêu chủ động, dịch vụ cung cấp vật tư, giống, phân bón phục vụ tận nơi, sản phẩm làm ra lại được tư thương tìm đến tận ruộng thu mua. Theo ước tính, các vùng chuyên canh cho giá trị thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/vụ trở lên, góp phần nâng hệ số sử dụng đất từ 2 lần/năm (năm 2005) đến nay tăng lên trên 3 lần/năm. Nhờ đó, đời sống nông dân nâng cao, nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 47%, đến năm 2011 giảm xuống còn 27,56%...