Như nhiều cơ sở đoàn khác của huyện Đồng Hỷ, Đoàn thanh niên xã Cây Thị gặp không ít khó khăn trong việc tập hợp thanh niên cũng như vận động thanh niên tham gia các hoạt động phong trào.
Phó Bí thư Đoàn xã, anh Bàn Trung Thành mộc mạc: Hiện toàn xã có 1.181 người trong độ tuổi từ 15 đến 30, song cả xã chỉ có 160 đoàn viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Số lượng đoàn viên liên tục biến động do phải đi làm ăn ở xa, hoặc do... bận rộn công việc nhà. Phổ biến nhất là ngay sau khi xây dựng gia đình, hầu hết đoàn viên bỏ sinh hoạt Đoàn để chuyển sang sinh hoạt bên Hội Phụ nữ hoặc Hội Nông dân vì suy nghĩ sẽ được vay vốn làm kinh tế.
Theo số liệu trên thì hiện tại Đoàn xã Cây Thị mới thu hút được hơn 13% số đối tượng trong độ tuổi vào tổ chức. Đây là một thực trạng buồn của không ít cơ sở Đoàn ở vùng nông thôn trong nhiều năm nay. Qua trao đổi với anh Bàn Trung Thành về nguyên nhân thanh niên chưa tha thiết với tổ chức Đoàn, chúng tôi được biết: Cây Thị là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Hỷ, đời sống kinh tế của người dân còn gặp không ít khó khăn, thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đều phải cùng bố mẹ lo làm kinh tế. Nhiều thanh niên buông sách bút là theo bạn đến các vùng vàng tìm vận may, một số khác xin đi làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Số thanh niên ở nhà cũng chưa tha thiết với tổ chức Đoàn, vì theo họ: Tổ chức Đoàn chưa mang lại cho thanh niên những điều họ cần, như tiền vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, cùng với đó là nội dung các buổi sinh hoạt tại chi đoàn tẻ nhạt, chủ yếu phổ biến kế hoạch công tác Đoàn được "giội" từ trên xuống. Bí thư chi đoàn không có kinh nghiệm, thiếu tự tin trong việc tổ chức sinh hoạt. Chỉ khi có văn bản của Đoàn cấp trên chuyển xuống, chi đoàn mới tổ chức sinh hoạt để bí thư chi đoàn đọc lại cho đoàn viên nghe. Anh Phạm Duy Nghĩa, đoàn viên sinh hoạt tại Chi đoàn xóm Mỹ Hoà cho biết: Chi đoàn thường sinh hoạt vào lúc các em học sinh nghỉ hè, còn trong năm có thời điểm đến 3 tháng chi đoàn mới tổ chức sinh hoạt 1 lần.
Hơn 3 năm trước, nữ Bí thư Chi đoàn Mỹ Hoà là Lê Thị Thì lập gia đình. Các buổi sinh hoạt chi đoàn, chị Thì cùng chồng đến hội trường điều hành buổi họp. Nhưng lúc bụng mang dạ chửa, rồi sinh con, chị Thì "ngay lập tức" xin thôi sinh hoạt. Nhằm ổn định hoạt động ở chi đoàn này, Đoàn xã đã kiện toàn chức danh Bí thư Chi đoàn cho anh Trần Xuân Hoàn. Anh Hoàn làm nghề lái xe vận tải, chuyên nhận vận chuyển vật liệu tại địa phương. Công việc bận rộn nên anh cũng không có nhiều thời gian để nghiên cứu kinh nghiệm, cách tổ chức một buổi sinh hoạt cho đoàn viên thanh niên. Vì vậy, Chi đoàn xóm Mỹ Hoà cũng chưa thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên trong xóm.
Chuyện số lượng thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn chiếm tỷ lệ khiêm tốn đã đành, nhưng số đoàn viên đang tham gia sinh hoạt cũng thường xuyên biến động. Như năm 2011, Đoàn xã có gần 50 đoàn viên xin chuyển sinh hoạt đi nơi khác. Sau Tết Nguyên đán năm 2012, nhiều đoàn viên, thanh niên đã rủ nhau đi làm kinh tế, trong đó có Bí thư Chi đoàn Trại Cau. Theo các bạn đoàn viên ở cơ sở này, Bí thư Chi đoàn Trại Cau đang ở... một bãi đào đãi vàng trong miền Nam. Ở xóm còn có Phó Bí thư Chi đoàn là chị Loan. Chị Loan cũng mới lấy chồng và đã xin thôi sinh hoạt Đoàn ngay sau đó. Ở xã, hầu hết các chi đoàn không tổ chức cho đoàn viên sinh hoạt đều hằng tháng, điển hình như các chi đoàn Suối Găng và Khe Kạn, khoảng 3 tháng đoàn viên được sinh hoạt 1 lần. Hỏi thăm về phong trào Đoàn ở Chi đoàn xóm Suối Găng, chúng tôi được biết: Tại thời điểm này, Bí thư Chi đoàn là chị Triệu Thị Mai đang đi làm ăn ở xa, Phó Bí thư Chi đoàn là anh Triệu Phúc Sinh thỉnh thoảng cũng tổ chức cho đoàn viên sinh hoạt.
Như mọi cơ sở đoàn khác trong xã, các buổi sinh hoạt Đoàn của Chi đoàn Suối Găng và Chi đoàn Khe Cạn được tổ chức cứng nhắc, nội dung đơn điệu, bí thư, phó bí thư chi đoàn thiếu kinh nghiệm, chưa có phương pháp mới trong tập hợp đoàn viên, thanh niên và triển khai phong trào. Đây là một thực trạng đang tồn tại không chỉ ở Đoàn xã Cây Thị. Tổ chức Đoàn - nhất là Đoàn thanh niên ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh chưa thật sự là điểm tựa tinh thần, là nơi để các bạn trẻ gửi gắm niềm tin. Đơn giản rằng: Đoàn viên, thanh niên hầu hết đang sống phụ thuộc vào bố mẹ, chưa được tự chủ trong cuộc sống gia đình. Đặc biệt là sau khi xây dựng gia đình riêng, dù đang ở tuổi Đoàn nhưng họ đều có nguyện vọng xin thôi sinh hoạt.
Trước lúc chia tay, anh Bàn Trung Thành băn khoăn nói với chúng tôi: Để tổ chức Đoàn thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên, mong các cơ quan chức năng Nhà nước quan tâm, tạo cho Đoàn có một nguồn vốn ưu đãi để đoàn viên, thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế. Qua đó cơ sở đoàn và đoàn viên có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng, miền. Hoặc đơn giản là việc tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương, thay vì như hiện nay đều do những người làm chủ hộ (bố mẹ đoàn viên, thanh niên) tham gia.
Tất nhiên, đây là những điều kiện cần, nhưng thiết nghĩ các cơ sở đoàn, nhất là những “thủ lĩnh” của tuổi trẻ, cũng cần năng động hơn trong việc triển khai các phong trào hoạt động để đem lại lợi ích thiết thực. Như thế chắc chắn sẽ góp phần thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn tại quê hương.