Công chức không sống bằng lương?

08:21, 12/02/2012

“Vấn đề không phải ở chuyện bao cấp ô tô, điện thoại mà là mua – bán nhà đất, nhà giá thấp hiện nay. Công chức của ta hiện nay đang giàu lên nhờ mua bán nhà đất giá gốc, dự án”

“Vấn đề không phải ở chuyện bao cấp ô tô, điện thoại mà là mua – bán nhà đất, nhà giá thấp hiện nay. Công chức của ta hiện nay đang giàu lên nhờ mua bán nhà đất giá gốc, dự án” - ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định tại Hội thảo khoa học về tiền lương do Bộ Tài chính tổ chức. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến đưa ra về vấn đề này.

 

 

Không kiểm soát được các khoản ngoài lương

 

Mức lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực hành chính, sự nghiệp đang được cho là thấp, không đủ sống. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách tiền lương tối thiểu còn đang có sự không thống nhất, khu vực hành chính, sự nghiệp đang là khu vực có mức lương tối thiểu thấp nhất trong toàn nền kinh tế.

 

TS Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc trung tâm dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, cho rằng, cách quản lý tiền lương hiện nay của chúng ta có vấn đề: “Nếu rà soát lương thì có thể thấy lương cán bộ thấp nhưng thu nhập lại không thấp. Có nhiều khoản thu mà không ai quản lý được, ví dụ như việc dạy thêm, dự hội thảo… Với cách tính cào bằng như hiện nay, nhiều CBCC không cần làm nhiều cũng ung dung vì đã có lương rồi”.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội, nút thắt khó gỡ nhất trong chính sách cải cách tiền lương hiện nay là tiền lương nhà nước quy định trả cho CBCCVC mặc dù còn rất thấp, nhưng khoản chi này luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi NSNN. Vì vậy, để vừa bảo đảm mục tiêu giảm dần bội chi NSNN xuống mức hợp lý vừa giúp CBCCVC sống được bằng lương thì các ngành chức năng vẫn buộc phải "Gọt chân cho vừa giầy".

 

Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp công còn chậm và đạt kết quả thấp nhất trong y tế, giáo dục-đào tạo, là khó khăn cho cải cách tiền lương và tạo nguồn để trả lương cho CBCC. Đây cũng chính là một cản trở lớn cho việc cải cách tiền lương do chưa tách bạch rõ ràng chính sách tiền lương đối với công chức khu vực hành chính Nhà nước và viên chức khu vực sự nghiệp công cộng dịch vụ.

 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, chúng ta đã duy trì quá lâu một chính sách tiền lương thấp đối với CBCC. Hiện nay, tiền lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 65-70% nhu cầu mức sống tối thiểu. Quan hệ lương tối thiểu-trung bình-tối đa cũng chưa hợp lý nên chưa khuyến khích, cải thiện đời sống của CBCCVC. Trong khi đó, thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, lĩnh vực quản lý, vùng miền….), không minh bạch, rõ ràng. Phần thu nhập ngoài lương này, không ai có thể thống kê, đánh giá, định lượng được, chủ yếu là do tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ.

 

Nếu so với năm 2002 (mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng) thì đến nay, tiền lương danh nghĩa tăng 295,2%, chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng 147,2%. Tiền lương thực tế tăng sau 9 năm là 59,9%. Mức điều chỉnh tiền lương thực tế bình quân hàng năm giai đoạn từ năm 2003-2011 chỉ bằng 1/2 đến 1/4 mức điều chỉnh bình quân hàng năm giai đoạn từ 1993-2002, trong khi tổng quỹ tiền lương và trợ cấp tăng thêm bình quân gần 2 lần/năm.

 

Giảm biên chế để cải cách tiền lương

 

Theo ông Đặng Như Lợi thì: “Cải cách tiền lương không nên làm đồng loạt mà chỉ thực hiện ở những cơ quan, đơn vị đủ điều kiện. Lao động làm công việc phục vụ thì không được gọi là công chức. Đó chỉ là những lao động được hưởng lương theo hợp đồng như nhân viên tạp vụ, phục vụ, lái xe… ”.

 

TS Trần Thị Thu Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ hành chính – sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng nguồn cải cách tiền lương cho hai khu vực hành chính và sự nghiệp là khác nhau nên chính sách cải cách tiền lương cũng phải khác nhau. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính ngày càng phình ra, chính vì vậy, giải pháp đầu tiên được đưa ra là giảm biên chế. Năm 2000, chúng ta có khoảng 300.000 biên chế. Đến nay con số này đã tăng lên mấy trăm phần trăm. Thứ hai là phải tiền tệ hóa tiền lương, cụ thể là ô tô, điện thoại. “Trong khu vực hành chính chủ yếu sắp xếp các nguồn ngân sách cho hợp lý hơn bằng cách tinh giảm biên chế và tiền tệ hóa tiền lương” – TS Hà nói.

 

Phân tích rõ hơn ý kiến này, ông Lê Đình Ân phản ánh: Bao cấp tiền điện thoại cho cán bộ nhưng lại dùng vào việc khác chứ không để liên hệ công việc; ô tô cũng không được sử dụng toàn tâm, toàn ý vào việc công mà còn phục vụ vào nhiều việc khác. “Cải cách tiền lương của công chức là lấy nguồn từ đây chứ không phải từ đâu khác” – ông Ân nói.

 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của công chức và tối thiểu chiếm đến 90%. Ở Việt Nam hiện nay, khoản thu nhập từ lương chiếm từ 30-100% tùy thuộc vào vị trí công tác của CBCCVC. Vì vậy, hệ thống tiền lương cần được thiết kế sao cho đủ để bản thân mỗi công chức và gia đình của họ có thể sống được bằng lương, thậm chí có tích lũy. Nếu đạt được mục tiêu này thì công chức mới có thể tận tụy với công việc của họ và dành 100% thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó mới không tham nhũng và nhận hối lộ.

 

Theo một số đại biểu, tiền lương trả theo thị trường là một trong những biện pháp chính để thu hút và giữ nhân tài. Tiền lương khu vực Nhà nước thấp sẽ dẫn tới nhiều tiêu cực như hiệu quả hoạt động kém, tham nhũng, lãng phí…. Như vậy, sẽ không thu hút được nhân tài về làm việc tại các cơ quan Nhà nước cũng như không phát huy năng lực sáng tạo của CBCC. Hiện nay, ở Việt Nam , chế độ nâng lương chủ yếu vẫn tính theo thâm niên nên chưa khuyến khích được người lao động. Vì vậy, cần dựa trên mức độ hoàn thành công việc để quyết định mức tăng lương phù hợp cho từng CBCC./.