Với định hướng là xây dựng y tế chuyên sâu ở tuyến trên, tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường phổ cập dịch vụ y tế gần dân, Y tế Thái Nguyên đang từng bước khẳng định nền móng vững chắc cho việc phát triển thành trung tâm y tế của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có các đơn vị y tế của 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã, ngoài ra còn có các đơn vị y tế quân đội, y tế ngành, y tế ngoài Nhà nước đóng trên địa bàn.
Tổng số cán bộ của toàn ngành hiện có là 4.226 người, trong đó có 842 bác sĩ, 63 dược sĩ đại học; trên 85% số trạm y tế của toàn tỉnh đã đạt chuẩn Quốc gia; 158/181 trạm y tế có bác sĩ hoạt động. Tại các huyện đều đã thành lập phòng y tế; có 9 trung tâm Y tế, 9 trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; 7 bệnh viện huyện đều là các cơ sở điều trị hạng III và có 14 phòng khám đa khoa khu vực; tổng số giường bệnh tuyến huyện là trên 800 giường. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Bệnh viện Quân y 91 (200 giường bệnh, tương đương với Bệnh viện hạng II), 2 tiểu đoàn quân y sư đoàn và 5 bệnh xá quân y trung đoàn, đội vệ sinh phòng dịch quân khu...; trên 120 cơ sở y tế công nông trường, nhà máy, trường học, hầm mỏ và các doanh nghiệp; 15 công ty dược; 2 bệnh viện đa khoa tư nhân, 12 phòng khám đa khoa tư nhân và trên 800 cơ sở hành nghề Y- Dược ngoài Nhà nước...
Với mạng lưới đa dạng như vậy nên nhiều năm trở lại đây, công tác y tế của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được thực hiện tốt, mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, cơ sở vật chất được tăng cường, các dịch vụ trong phòng bệnh, chữa bệnh và cung ứng thuốc phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ y tế từng bước được nâng cao. Năm 2011, tỷ suất sinh thô của tỉnh là 15,39%o (giảm 0,11%o, kế hoạch giao giảm 0,1%o) đạt tỷ lệ sinh thay thế; số lượt khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập tăng từ 1,7 triệu lượt/năm 2006 lên 2,1 triệu lượt/năm 2010. Năm 2011, số lượt người dân được chăm sóc y tế đạt 2,14 lần/người/năm (năm 2010 là 2,05 lần/người/năm); công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh đạt trên 159%. Qua đánh giá theo 10 chuẩn Quốc gia về Y tế xã do Bộ Y tế ban hành, năm vừa qua, toàn ngành có 168/181 trạm y tế đạt loại tốt, chiếm 92,8% (năm 2010 là 158 trạm, chiếm 87,7%); 12 trạm đạt loại khá, 01 trạm đạt trung bình, không có trạm xếp loại yếu.
Xác định việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh là khâu then chốt, góp phần khẳng định vị thế là trung tâm y tế của vùng, nhiều năm trở lại đây, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt trú trọng đến việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo tay nghề chuyên môn cao cho các y, bác sĩ. Đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tim hở; hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật khó như: phẫu thuật máu tụ trong sọ não, thoát vị đĩa đệm, gai đôi, cắt gan, gãy cổ xương đùi, thay khớp háng, phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco... Các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện thành thạo các kỹ thuật: mổ cấp cứu ổ bụng, chửa ngoài dạ con, cắt tử cung, truyền máu tại chỗ.
Các kỹ thuật mới như: Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm mầu 4 chiều, phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể... cũng đã được áp dụng ở nhiều đơn vị. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao y đức thông qua việc thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; mở cuộc thi về thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế...; thu thập thông tin phản hồi của nhân dân về tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế qua “đường dây nóng”, hòm thư góp ý, phiếu xin ý kiến người bệnh, từ đó kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực, phát huy những mặt tích cực nhằm phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Trong định hướng phát triển ngành Y tế từ nay đến năm 2015, định hướng đến 2020, tỉnh ta đã xác định sẽ phấn đấu trở thành Trung tâm Y tế vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ. Một số mục tiêu quan trọng được đưa ra đó là: Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật, nâng số lượt người dân được chăm sóc về y tế lên 2,2 lần/người/năm 2015. Nâng cao chất lượng dân số, thực hiện được một số kỹ thuật y học cao về khám, chữa bệnh và phòng bệnh tương đương với các kỹ thuật cao tại Hà Nội. Đến 2015, giảm 30% số bệnh nhân phải chuyển về tuyến tỉnh, giảm 70% số bệnh nhân phải chuyển về Hà Nội so với hiện nay. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã vào năm 2015, trong đó 20% - 25% số trạm y tế có 2 bác sĩ hoạt động. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, phát triển y tế ngoài công lập; khuyến khích phát triển các Bệnh viện và phòng khám tư nhân theo quy hoạch; chuẩn bị nguồn lực để xây dựng Bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tại tỉnh; nâng cao năng lực quản lý, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.
Trong các nội dung và các giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên sẽ là nơi tập trung triển khai các kỹ thuật chuyên sâu về phẫu thuật lồng ngực, u bướu, hồi sức cấp cứu và các bệnh tim, mạch; Trường Đại học Y-Dược sẽ thành lập Trung tâm Lưu trữ mô tạng và ghép tạng thực nghiệm, Labo miễn dịch học, di truyền học, sinh hóa phân tử; Trường Cao đẳng Y tế sẽ được nâng cấp thành Trường Đại học Điều dưỡng với 2 nhiệm vụ chính là đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ y tế; Bệnh viện A sẽ tập trung triển khai các kỹ thuật: Sinh sản theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), phẫu thuật nội soi sản - phụ khoa, hồi sức trẻ sơ sinh, hỗ trợ sinh sản theo phương pháp lọc rửa tinh trùng bơm vào buồng tử cung (IUI); Bệnh viện C triển khai chuyên sâu về phẫu thuật ổ bụng, tiết niệu, cột sống, u bướu, sọ não; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi sẽ triển khai chẩn đoán sớm bệnh lao bằng nuôi cấy, PCR, soi phế quản chẩn đoán sớm bệnh ung thư, nội soi chẩn đoán và can thiệp màng phổi, phế quản; Bệnh viện Y học cổ truyền sẽ triển khai kỹ thuật chuyên sâu can thiệp bệnh trĩ, u xơ tiền liệt tuyến, u xơ tử cung, thiểu năng tuần hoàn não, phục hồi chức năng sau tai biến mạch não; Bệnh viện Mắt sẽ triển khai chuyên sâu về mổ Phaco lạnh, phẫu thuật bán phần sau nhãn cầu, phẫu thuật nhãn nhi... Đây là những định hướng chiến lược rất quan trọng đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, bên cạnh đó là sự nỗ lực của ngành Y tế để Thái Nguyên phát triển thành Trung tâm y tế của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ vào năm 2015.