Theo bảng thống kê xếp hạng danh mục 9 loại hàng nguy hiểm, khí gas là loại khí độc hại, dễ cháy với mức độ nguy hiểm xếp vào loại 2/9. Do đó, các điều kiện an toàn trong quá trình vận chuyển gas được quy định rất chặt chẽ. Nếu không, mức độ gây nguy hiểm của loại khí hóa lỏng này giống như một “quả bom di động”.
Thế nhưng bấy lâu nay, hình ảnh những chiếc xe máy cũ nát, phía sau chở bình gas nằm ngang được chằng buộc sơ sài (thậm chí có tài xế còn dùng một tay để giữ bình gas) băng băng chạy trên đường đã trở nên quá quen thuộc với người dân. Rõ ràng, việc vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm này trên đường vẫn bị các chủ đại lý kinh doanh gas và nhân viên xem nhẹ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 400 đại lý, cửa hàng kinh doanh gas. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy hầu hết việc vận chuyển bình gas từ cửa hàng bán lẻ đến các gia đình sử dụng chủ yếu bằng xe máy mà không tuân thủ quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Những nhân viên của các cửa hàng kinh doanh gas vừa là người vận chuyển, vừa là thợ thay thế bình gas kiêm sửa chữa bếp gas. Không ai biết những nhân viên này có được tập huấn nghiệp vụ hay cấp giấy chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hay không? Trong khi đó, từ ngày 9-11-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2009/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo bảng thống kê xếp hạng danh mục 9 loại hàng nguy hiểm, khí gas là loại khí độc hại, dễ cháy với mức độ nguy hiểm xếp vào loại 2/9. Vì vậy, khi vận chuyển loại hàng nguy hiểm này trên đường bắt buộc phải đóng gói cẩn thận bằng thùng chứa đã được kiểm định. Bên cạnh đó, phía ngoài mỗi kiện, thùng chứa hàng nguy hiểm phải có dán biểu trưng cảnh báo. Ngoài ra, Nghị định số 104/2009/NĐ-CP cũng quy định rõ người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm phải được huấn luyện nghiệp vụ và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với loại hàng nguy hiểm mà họ trực tiếp vận chuyển. Về phương tiện chuyên chở hàng nguy hiểm phải được cơ quan kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm. Tuy nhiên, chiếu theo những quy định trên thì hầu như không một nhân viên chuyên chở bình gas (bằng xe máy) nào thực hiện đúng, đủ.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Đỗ Tấn Chiến, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Trong quá trình vận chuyển bình gas, đối với xe ô tô phải là xe chuyên dụng, sàn và thành xe phải lót gỗ hoặc cao su chống va đập phát ra tia lửa, mỗi xe phải có 2 bình chữa cháy và các biển báo quy định. Các bình gas phải được xếp sát vào nhau và được cột chặt thành một khối chắc chắn, van an toàn phải xếp quay về cuối xe. Đối với môtô, xe máy chở bình gas phải có giá đèo hàng chuyên dụng, bình gas phải được chằng buộc chắc chắn ở tư thế thẳng đứng. Nhân viên chuyên chở gas phải được huấn luyện nghiệp vụ và có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Nếu các bình gas đặt ở phương nằm ngang trên xe máy, khi không may bị va quệt hoặc xảy ra tai nạn, hệ thống van của bình gas rất dễ bị cong vênh, khí gas sẽ bị rò rỉ và nhanh chóng lan tỏa trong không gian tạo ra môi trường cháy nổ, khi gặp nhiệt độ cao sẽ gây ra hậu quả khôn lường đối với người đi đường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc vận chuyển bình gas bằng xe máy trái quy định đã và đang xảy ra khá phổ biến. “Mỗi năm, chúng tôi tổ chức khoảng 4 lớp tập huấn cho trên 400 người về nghiệp vụ PCCC đối với mặt hàng gas. Hầu hết chủ các cửa hàng, cơ sở kinh doanh gas đều được tập huấn theo quy định, nhưng có đến 1/2 số nhân viên chở gas không được tập huấn và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, vận chuyển gas an toàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những nhân viên này là vấn đề rất khó khăn, bởi phần lớn trong số họ là lao động tự do, chủ đại lý thường xuyên thay đổi. Trong khi đó không phải lúc nào chúng tôi cũng tổ chức được lớp tập huấn cho các đối tượng này. Đây chính là một lý do để chủ các cửa hàng kinh doanh gas bao biện. Hơn nữa, lực lượng Cảnh sát PCCC không có quyền dừng xe máy, môtô chở bình gas khi đang lưu thông trên đường mà phải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, trong khi sự phối hợp này còn rất hạn chế” - Trung tá Chiến chia sẻ…
Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa sự cố cháy, nổ do khí gas, đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển, sang chiết và sử dụng gas, chủ cửa hàng và nhân viên các cơ sở kinh doanh gas cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định liên quan. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng (Cảnh sát PCCC, Cảnh sát Giao thông…) tích cực phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển gas vi phạm an toàn. Mỗi người dân cũng cần có những hiểu biết cơ bản khi sử dụng gas, bếp gas (như để xa nguồn nhiệt, đảm bảo độ kín, trình tự khi bật, tắt bếp, thường xuyên kiểm tra dây dẫn gas, cách xử lý khi phát hiện gas bị rò rỉ...).