Ngoài nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, gia đình chính sách; học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm…, Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) còn thực hiện chính sách tín dụng đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (gọi tắt là vốn vùng II). Riêng với huyện Phú Bình, đã có trên 37,6 tỷ đồng nguồn vốn này được giải ngân, đã và đang góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Vốn vùng II là chính sách được NHCSXH triển khai thực hiện theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Đối tượng được vay là các hộ không thuộc diện hộ nghèo, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm tại các xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ. Mức vốn cho vay đối với hộ sản xuất, kinh doanh tối đa là 30 triệu đồng/hộ. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 30 triệu đồng, căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Là địa bàn thuần nông với 80% lao động nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, huyện Phú Bình có 7 xã miền núi được hưởng lợi từ chương trình tín dụng này, gồm: Tân Đức, Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim, Tân Khánh, Bàn Đạt, Đồng Liên.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả sử dụng nguồn vốn nói trên, chúng tôi đã tìm về xã Tân Hòa, địa bàn có số dư nợ cho vay đạt 5,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15,5%, cao nhất trong 7 xã được hưởng lợi. Gia đình chị Phạm Thị Hoa, xóm Ngò là một trong 286 hộ trên địa bàn xã được vay vốn vùng II. Được biết, từ nhiều năm trước, chị đã phát triển kinh tế theo mô hình nuôi gà, lợn, kết hợp kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, vừa phục vụ chăn nuôi của gia đình, vừa cung cấp cho bà con trong vùng. Đầu năm 2011, khi lãi suất ngân hàng tăng cao, chị gặp phải không ít khó khăn khi muốn có thêm vốn để tiếp tục phát triển chăn nuôi và kinh doanh. Trước tình hình này, chị đã làm các thủ tục với NHCSXH để vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn nói trên. Có vốn, chị nhập thêm thức ăn chăn nuôi từ đại lý, đồng thời tiếp tục thả nuôi 20 con lợn thịt. Sau 4 tháng, số lợn trên được xuất bán đúng thời điểm được giá, giúp chị thu về lợi nhuận trên 25 triệu đồng, gần bằng số tiền đã vay. Nhận xét về ưu điểm của nguồn vốn vùng II, chị Hoa cho rằng, đầu tiên phải kể đến là lãi suất cho vay, với 0,9%/tháng, thấp hơn nhiều so với ngân hàng thương mại, được xem là khá phù hợp khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn cũng không rườm rà, chỉ cần tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, được Tổ bình xét, đề nghị cho vay dựa trên phương án sản xuất của gia đình.
Ông Tạ Văn Hồng, xóm Cà, xã Tân Khánh cũng có chung nhận định như chị Hoa. Hiện, ông Hồng là người duy nhất trên địa bàn xã Tân Khánh đầu tư xây dựng lò sấy nông sản, chuyên thu mua và sấy khô một số loại nông sản cho nông dân trên địa bàn như: vải, sắn, ngô, cung cấp cho thị trường Hà Nội, Bắc Ninh và xuất sang Trung Quốc. Đây là lò sấy hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong nước, được đầu tư xây dựng vào đầu năm 2011, với số tiền 300 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng vay từ vốn vùng II. Đến nay, lò sấy này đã hoạt động ổn định, với công suất mỗi mẻ 17 tấn nông sản tươi cho ra 8 tấn nông sản khô (30 giờ/mẻ sấy). Ông Hồng cũng cho biết: Số tiền được vay tuy chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng có lãi suất thấp, giúp giảm bớt chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, mô hình này đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động trong xã, với mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Vũ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh thì chỉ riêng trong năm 2011, ngoài ông Hồng, còn có 30 hộ khác trên địa bàn được vay từ nguồn vốn trên với số tiền giải ngân là 700 triệu đồng.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Kế hoạch, NHCSXH huyện Phú Bình, chúng tôi được biết, các hộ được vay đều tiếp cận nhanh với nguồn vốn, khá năng động, linh hoạt nên đều sử dụng vốn một cách hiệu quả. Đến hết năm 2011, tổng dư nợ tín dụng của vốn vùng II là 37,6 tỷ đồng, với hơn 1,7 nghìn hộ được vay, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,18%, tương đương với hơn 70 triệu đồng. Để làm được như vậy, công tác tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương và các đoàn thể (đơn vị nhận ủy thác cho vay) trong giải ngân, quản lý vốn luôn được chú trọng, đảm bảo đúng đối tượng, mục đích và đúng thủ tục... Không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vốn vùng II đang trở thành một nguồn tín dụng cho nông thôn hiệu quả, cùng với các chương trình tín dụng khác của NHCSXH hỗ trợ đã giúp hàng nghìn hộ nông dân Phú Bình thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.