Bộ Y tế cho biết, hiện có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh viêm não mô cầu (VNMC) và 1 người đã tử vong. Riêng mấy ngày Tết Nguyên đán, cả nước có 4 trường hợp mắc tại Hà Nội (1), TP Hồ Chí Minh (1), Long An (1), Bình Phước (1).
Trước nguy cơ bệnh dịch có thể phát tán, lây lan rộng trong điều kiện thời tiết hiện nay, ngày 31-1, Bộ Y tế đã ra thông điệp cảnh báo về tính chất của bệnh để người dân cảnh giác phòng bệnh, đồng thời cũng yêu cầu các địa phương thành lập đội thường trực chống dịch 24/24 giờ.
Hà Nội đối phó với dịch
Bệnh nhân tại Hà Nội mắc VNMC là bé gái, 3,5 tháng tuổi ở thôn Kim Giao, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Khởi bệnh ngày 15-1 với triệu chứng sốt cao, ho, chảy nước mũi, gia đình đưa bé đến trạm y tế xã khám sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc và ngày 16-1 bé nhập Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng sốt cao, nôn, ỉa chảy. Tại đây, kết quả cấy dịch não tủy của bệnh nhi đã dương tính với vi khuẩn NMC. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội điều tra và xử lý ổ dịch như khoanh vùng, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh toàn bộ khu vực quanh nhà bệnh nhân. 16 người tiếp xúc gần với bệnh nhi cũng đã được theo dõi sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và uống thuốc kháng sinh Ciprofloxacine 500mg x 2 viên (đối với người lớn) và Azithromycine 20mg/kg, liều duy nhất (trẻ em và phụ nữ có thai). Thời điểm hiện tại chưa phát hiện thêm trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh trong nhóm tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng như trong toàn bộ khu vực lân cận.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện và trạm y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền những biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để tránh dịch bệnh lây lan rộng, đồng thời chủ động báo cáo với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội kịp thời hỗ trợ việc khoanh vùng, xử lý, uống thuốc dự phòng nếu có trường hợp nghi ngờ. Các cơ sở y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc, khu cách ly, phương án điều trị, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Có thể phòng bệnh bằng vắcxin
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, thời tiết lạnh hiện nay rất thích hợp cho bệnh VNMC phát triển. Vi khuẩn VNMC nhân lên nhiều ở vùng hầu họng, nên khi bệnh nhân ho, hắt hơi mầm bệnh dễ phát tán ra ngoài. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên sẽ gây ra tình trạng viêm mũi họng, ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, co giật, giảm trương lực cơ, biểu hiện liệt chi, mặt, tri giác giảm, mắt nhạy cảm với ánh sáng và có thể xuất huyết chấm hồng hoặc mụn nước. Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể, người bệnh có thể bị viêm mũi, họng nhẹ, nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong.
Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng với thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 ngày đến 10 ngày. Do đó, cách phòng tránh bệnh tốt nhất theo khuyến cáo của Bộ Y tế là hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Đặc biệt trẻ em dễ mắc bệnh, cả 4 trường hợp mắc bệnh trong dịp Tết đều là trẻ nhỏ, nên cần được giữ ấm vùng cổ, ngực, gan bàn tay, bàn chân. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị đúng phác đồ, tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc uống thuốc kháng sinh phòng bệnh.
Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay đã có 3 loại vắcxin được sử dụng rộng rãi phòng bệnh VNMC: loại phòng được 4 týp A, C, Y và W-135 của vi khuẩn NMC (cấp phép năm 1978 là loại duy nhất được dùng tại Mỹ hiện nay); loại vắcxin phòng được 3 týp A, C, W mới được sử dụng ở một vài nước trên thế giới và loại phòng 2 týp A, C (vắcxin này đang được sử dụng ở Việt Nam). Sau khi tiêm vắcxin từ 7 đến 10 ngày, nồng độ kháng thể đạt tới mức đủ để bảo vệ người được tiêm. Cả người lớn và trẻ em đều nên tiêm vắcxin phòng bệnh, tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, không cần thiết phải tiêm cho tất cả trẻ nhỏ bởi vắcxin này không có hiệu lực cao và tác dụng bảo vệ tương đối ngắn với trẻ dưới 2 tuổi. Các bác sĩ cũng lưu ý, chống chỉ định tiêm vắcxin nếu người được tiêm có phản ứng dị ứng nặng với 1 thành phần của vắcxin hay bị phản ứng nặng sau lần tiêm đầu.
Tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2001-2011, trung bình mỗi năm ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh VNMC, chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Bắc. Bệnh có xu hướng giảm từ năm 2006 đến nay (năm 2011 ghi nhận 305 trường hợp mắc và 4 trường hợp tử vong). Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 11 ca mắc VNMC với 10 ổ dịch.