Phương án này có thể mang lại hiệu quả trong thời gian trước mắt, song cần cân nhắc đến tổng thể hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố.
Mọi thứ đều bị xáo trộn
Sau khi thành phố điều chỉnh giờ học, giờ làm việc theo “khung giờ” mới, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội đã phải liên tục “lên kế hoạch” cá nhân chi tiết để vừa bảo đảm lịch làm việc tại trường, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình. Theo cô Huyền, giữa tiết 3 và tiết 4, nhà trường phải cho các em nghỉ giải lao 20 phút để có thể xuống căng-tin “nạp thêm năng lượng” để có thể “chống chọi” đến 19h.
“Việc đổi giờ thế này phụ huynh sẽ rất lo lắng về sự an toàn của các con, nhất là đối với học sinh nữ khi phải về muộn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học vì ánh sáng ở giảng đường cũng không thể đủ sáng được như ban ngày, dẫn đến cận thị, loạn thị sẽ nhiều hơn. Đồng hồ sinh học của học sinh cũng thay đổi, đến tiết 4, tiết 5 là các em thấy đói rồi; bên cạnh đó giờ tự học buổi tối của các em cũng sẽ bị rút ngắn lại, cho nên sẽ rất khó cho các em lớp 12 với nhiều bài vở ôn thi” – cô Huyền chia sẻ.
Bản thân cô Huyền có 2 con đang học trung học cơ sở và tiểu học, vì thế mọi sinh hoạt của gia đình cô cũng bị đảo lộn theo lịch điều chỉnh giờ học này. Buổi sáng, cô phải đưa con đi học sớm cả tiếng đồng hồ để kịp giờ dạy lúc 7h. Buổi chiều, các con học xong lại phải đợi cô thêm 2 tiếng đồng hồ mới được mẹ đến đón về.
Trường THPT Phan Đình Phùng cũng phải lắp thêm hàng chục bóng đèn cao áp, đèn chiếu sáng khắp sân trường, lớp học, hành lang, khu nhà vệ sinh để tăng ánh sáng, phục vụ cho những giờ học cuối buổi chiều. Theo đó, hàng tháng, nhà trường sẽ phải trả thêm khoảng 10 triệu đồng tiền điện, như vậy số tiền chi cho việc dạy và học sẽ bị rút đi.
Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên ĐH Thương Mại cho biết: “Nhà em ở Mai Động và đến trường bằng xe buýt. Trước đây, khoảng 19h là em đã về đến nhà. Còn bây giờ do tan học muộn nên thường 21h em mới tắm rửa xong và chấp nhận ăn cơm một mình vì bố mẹ phải cùng cô em gái ăn cơm trước để em còn học bài”.
Tuấn Anh cũng cho biết, việc điều chỉnh theo lịch chung của TP Hà Nội sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của sinh viên, vì hầu như sinh viên đều học thêm ngoại ngữ hoặc một số chuyên ngành khác vào buổi tối, chưa kể nhiều sinh viên còn đi làm thêm. Giờ làm thêm không điều chỉnh được và “lấn” vào giờ học, trong khi nhiều sinh viên phụ thuộc khá lớn vào tiền kiếm được từ việc làm thêm, dẫn đến buộc phải cúp học, trốn tiết hoặc về sớm.
Trao đổi với phóng viên, nhiều phụ huynh có con học bậc THPT than thở, việc thay đổi giờ học khiến các em học sinh phải dậy sớm, đi học sớm và về nhà rất muộn, sau đó còn phải lo bài vở cho ngày hôm sau. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của gia đình và sức khỏe của các em.
Anh Nguyễn Đức Long, ở ngõ Gốc Đề (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, anh có cô con gái học tại trường THPT Trần Phú. Trước đây, tan học cháu tự đi xe đạp về. Nay, anh phải đích thân đón con từ cổng trường vì sợ cháu về không an toàn, cho dù từ nhà anh đến trường không quá xa. “Con gái đi trời tối về tôi không yên tâm chút nào. 19h mới tan trường nên các bậc phụ huynh cứ thấp thỏm lo lắng, nhất là các cháu nhà xa, lại là con gái”, anh Long cho biết.
Vừa triển khai, vừa điều chỉnh
Tại buổi lấy ý kiến tổng hợp từ các cơ quan, ban ngành sau 5 ngày thực hiện lịch đổi giờ học, giờ làm, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng công tác Học sinh – sinh viên, Sở GT-ĐT Hà Nội nêu ý kiến: “Một trong những vướng mắc lớn là điều kiện học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày của các em học sinh THPT bị ảnh hưởng nhất. Các tiết ngoại khóa khó thực hiện được, những môn như thể dục học từ 18h – 19h là hoàn toàn phản khoa học, hơn nữa lúc đó các em thường đói, khó mà đáp ứng được yêu cầu của tiết học. Các em ở ngoại thành nhà xa trường 10-20 km đi bằng xe đạp mà tới 19h mới về thì quá muộn, về đến nhà 20h, tắm xong gia đình ăn cơm rồi nên phải ăn cơm một mình. Khi đó các em đã mệt thì buổi tối học thế nào đây?”.
Các ông bố, bà mẹ đón con theo giờ muộn hơn trước đây
Tại buổi giao ban Thành ủy ngày 7/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, “đổi giờ” là một trong những phương án nằm trong tổng thể nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông của thủ đô. Nếu như chỉ có phương án đổi giờ mà làm hết ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện này thì chỉ có “phép thần”. Cũng theo ông Hùng, Sở GTVT sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các hạn chế, tiến hành điều chỉnh những bất cập, để giảm thiểu sự ảnh hưởng tới đời sống người dân từ việc thay đổi giờ này.
Theo đó, UBND TP Hà Nội ngày 8/2 có công điện khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện thông báo về quyết định điều chỉnh giờ học của học sinh trên địa bàn. Theo đó, sau một tuần thực hiện đổi giờ, UBND đã nhận được nhiều phản hồi của Sở GD-ĐT, người dân về giờ kết thúc ca chiều của khối THPT vào 19h là quá muộn. UBND thành phố quyết định điều chỉnh thời gian kết thúc xuống 18h theo kiến nghị của Sở GD-ĐT. Từ ngày 13/2, các trường sẽ thực hiện giờ học theo điều chỉnh này.
Các nhà chức trách cho rằng, chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả của phương án đổi giờ học, giờ làm. Bởi hiện vẫn trong thời điểm tháng Giêng, khi một lượng lớn lao động ngoại tỉnh chưa trở lại Hà Nội và nhiều công trình chưa triển khai sau Tết. Phương án này có thể mang lại hiệu quả trong thời gian trước mắt, song cần cân nhắc đến tổng thể hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố./.