Ngành Dệt may thiếu lao động trầm trọng

08:50, 17/02/2012

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực dệt, may cần sử dụng thường xuyên từ 500 lao động trở lên, đã  giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may lớn trên địa bàn Thái Nguyên hiện đang trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nhất là lao động đã qua đào tạo kỹ thuật may công nghiệp…

Ngay từ những ngày đầu năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bắt tay vào việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn nói riêng, như: Tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện: Phú Bình, Phú Lương; tổ chức hội nghị giữa doanh nghiệp dệt may với cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý để bàn về vấn đề đào tạo nghề may.

 

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 16.500 lao động trong tỉnh năm 2012 sẽ hoàn thành sớm nếu việc đào tạo nghề may được triển khai đồng loạt tại các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề trên địa bàn”. Hiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may trên địa bàn tỉnh đang cần bổ sung khoảng 2.000 lao động (do số lao động cũ nghỉ chế độ thai sản, chuyển nơi làm việc) và cần tuyển mới trên 4.000 lao động do mở thêm chi nhánh, dây chuyền sản xuất.

 

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thông tin: “Năm nay, chúng tôi cần tuyển 3.000 lao động để bổ sung vào số lao động nghỉ chế độ và phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các nhà máy mới đi vào hoạt động. Thời điểm năm 2010 trở về trước, TNG có Trung tâm đào tạo nghề để chủ động đào tạo nghề cho lao động phổ thông trước khi tuyển dụng vào làm việc, nhưng từ năm 2012 Trung tâm này sẽ dừng hoạt động. Do vậy, Công ty chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các trung tâm dạy nghề của tỉnh trong việc đào tạo nghề may công nghiệp”.

 

Khi trao đổi với chúng tôi, anh Yang Seung Hyun, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Shinwon Ebenezer ở T.X Sông Công cũng thông tin đơn vị này hiện đang cần tuyển dụng rất nhiều lao động còn thiếu. Tiếp đó là Công ty Bampo đã xây dựng nhà máy may tại huyện Phú Lương, có nhu cầu tuyển dụng 1.500 lao động là người địa phương để phục vụ nhu cầu sản xuất ngay trong năm 2012. Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã khảo sát và có chủ trương xây dựng một nhà máy may lớn tại huyện Phổ Yên trong thời gian tới…

 

Để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu lao động lành nghề cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, 13 trung tâm dạy nghề, 2 trường trung cấp nghề thuộc tỉnh quản lý đã lên kế hoạch tuyển sinh dạy nghề may công nghiệp. Ông Nguyễn Anh Quyết, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đại Từ thông tin: “Trung tâm đang hoàn tất thủ tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp dệt may lớn trong tỉnh để tiến hành đào tạo nghề may công nghiệp cho người lao động. Trước tiên, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển sinh học viên ngành may thuộc Chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ để người lao động trong huyện được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi học nghề”…

 

Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định sẽ đạt được hai mục tiêu lớn là góp phần tăng trưởng nền kinh tế nội tỉnh và đóng vai trò chủ đạo trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Do đó, vấn đề đào tạo nghề cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đang đặt ra cấp thiết, đòi hỏi có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và cả chính quyền các địa phương trong tỉnh.