NuiPhao Mining: Trách nhiệm và kiến nghị

15:21, 21/02/2012

Hơn lúc nào hết, vấn đề hậu đền bù và giải quyết việc làm cho người lao động trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án Núi Pháo lại “nóng” như lúc này. Bởi Dự án chuẩn bị bước vào công đoạn xây dựng nhà máy và tiến hành khai thác những tấn sản phẩm đầu tiên, rất cần một số lượng lớn lao động, không chỉ đơn thuần là lao động phổ thông và cả lực lượng lao động có đủ tay nghề đáp ứng được các công việc chuyên môn cụ thể.

Trong thời gian vừa qua, Dự án đã nỗ lực thực hiện cam kết trong vấn đề tuyển dụng, hiện tại, 100% số nhân viên, lao động giản đơn trong Công ty đều là những người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án…

 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Dự án không dễ dàng gì tuyển dụng được số lượng lao động như mong muốn (khoảng 1.000 người), dù rằng lực lượng lao động dôi dư trong vùng Dự án là rất lớn và nhu cầu được vào làm việc cho Dự án cũng rất cao (cao gấp 2-3 lần so với nhu cầu thực tế). Trước bài toán khá hóc búa này, Dự án cũng đã nỗ lực và cố gắng hết mình tìm ra những giải pháp nhưng vẫn chưa đạt được hiệu qủa. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng điều khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ là một trong những nguyên nhân chính lại là từ phía những người dân, ngày 16/2, tại hội trường Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining), vấn đề này đã được đưa lên bàn hội nghị để “mổ xẻ”, với sự tham dự của bà Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng Dự án; đại diện Ban Giám đốc, Phòng Nhân sự của Công ty và một số trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm ra giải pháp khả thi trong vấn đề đào tạo, tuyển dụng lực lượng có tay nghề trong vùng Dự án vào làm việc cho Công ty.

 

Trước hết, phải khẳng định, đây là một trong số ít những hội nghị mà chúng tôi được tham dự đã tỏ rõ sự thiết thực, thẳng thắn, dân chủ, đề cập vào vấn đề trọng tâm, bỏ qua các khâu lễ nghi “rườm rà”, những trang báo cáo thành tích dài dòng…, điều đó đã phần nào khẳng định tính chuyên nghiệp của một Dự án mang tầm cỡ Quốc gia.

 

Tại Hội nghị, ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining bày tỏ quan điểm: Bất kỳ người lao động nào cũng muốn được vào làm việc cho Công ty, bởi lương chúng tôi trả cao hơn so với nhiều công ty khác, điều kiện làm việc khá thuận lợi, với các chính sách đãi ngộ ưu việt… Nhưng, Công ty không thể đáp ứng nhu cầu việc làm của tất cả những người lao động có nguyện vọng muốn vào làm việc cho Công ty. Bởi lý do thứ nhất, số lượng tuyển dụng có giới hạn nhất định; thứ hai, người lao động phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực chuyên môn ở từng công việc cụ thể. Trong khi đó, phần lớn số lao động trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án lại có trình độ thấp, không có tay nghề…

 

Đứng trước tình hình đó, để thực hiện cam kết sẽ ưu tiên tuyển dụng tối đa số lao động trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án, thông qua các chương trình phục hồi kinh tế, chúng tôi đã có những chính sách hỗ trợ trong việc giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, mở các hội thảo về việc làm, đưa đi đào tạo nghề… để giúp người dân không bỏ lỡ những cơ hội được vào làm việc cho Công ty, hoặc có thể chủ động lựa chọn cho mình một nghề nghiệp thích hợp, để có điều kiện phát triển kinh tế bền vững. Nhưng một thực tế đáng buồn là hầu hết các các chương trình phục hồi kinh tế đều đã thất bại. Chúng tôi hỗ trợ kinh phí, đưa khoa học kỹ thuật về tận đồng ruộng theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, thậm chí tổ chức đưa các hộ đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế ở Sơn La, Hà Nội, Ninh Binh…; đưa đi học nghề, kết nối công việc… Tổng số tiền đầu tư cho các chương trình này lên tới hàng tỷ đồng, nhưng hiện tại hầu như là bằng không. Người dân dường như vẫn còn đang “bay bổng” với những món tiền đền bù, họ có tâm lý trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào Dự án…, mà không nghĩ đến một tương lai rất gần, nếu cứ như vậy, họ đang đứng trước nguy cơ tái nghèo.

 

Để khẳng định thêm vấn đề trên, các ý kiến của lãnh đạo huyện Đại Từ, xã Hùng Sơn, Hà Thượng… đều có chung quan điểm. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng đưa ra con số: Hiện nay, toàn xã Hà Thượng có khoảng 2.400 lao động có nhu cầu việc làm. NuiPhao Mining đã tổ chức hội thảo về việc làm, thu hút khoảng gần 200 lao động tham gia, nhưng kết qủa không có một lao động nào đăng ký đi đào tạo nghề (dù được Công ty hỗ trợ tiền đào tạo) để sau đó về làm việc cho Công ty, mà chỉ muốn được vào làm việc ngay, trong khi trình độ văn hóa phần lớn chưa tốt nghiệp cấp 2. Các chương trình phục hồi kinh tế cũng vậy, họ chỉ nhận tiền hỗ trợ để làm, khi hết tiền thì không làm nữa. Phải nói thẳng là phần lớn người nông dân trình độ còn thấp nhưng lại ngại học hỏi, chỉ muốn có việc làm ngay. “Thậm chí tôi đã từng nói: Chẳng nhẽ bà con phải để tôi mời thày giáo đến từng nhà để dạy học, dạy làm kinh tế cho từng người hay sao?”. Còn ông Nguyễn Hữu Quyết, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đại Từ chia sẻ: Chúng tôi đã mở một lớp đào tạo nghề may cho 200 lao động trong vùng Dự án, sau đó bố trí việc làm cho họ, nhưng đến giờ chỉ còn lại  3 - 4  lao động đang làm việc…

 

Nguyên nhân đã quá rõ: Không phải NuiPhao Mining không tạo điều kiện, không có trách nhiệm; không phải cấp ủy, chính quyền địa phương không quan tâm, lo lắng…, mà điều mấu chốt là cách làm, phương pháp làm có lẽ chưa phù hợp, cộng với đó là sự thiếu mặn mà từ phía người dân, phần lớn người dân còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Công ty và một nguyên nhân nữa không thể phủ nhận là họ còn đang “say sưa” với những khoản tiền đền bù mà nhiều người có nằm mơ cũng không nghĩ đến ngày mình được cầm trên tay số tiền lớn như vậy (!?). Nhưng miệng ăn núi còn phải lở, nếu không lo tới chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, “họ sẽ lại trở lên bần hàn, rách rưới!”- Đó là lo ngại của đồng chí Ma Thị Nguyệt tại Hội nghị.

 

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, NuiPhao Mining dự báo và kiến nghị: Khi Nhà máy đi vào hoạt động, Công ty sẽ tuyển dụng khoảng 1.000 lao động. Tuy nhiên, người dân trong vùng Dự án chủ yếu là người có trình độ thấp và chưa qua đào tạo nghề. Để những cơ hội vào làm việc cho Công ty đến được với người dân, người dân cần được đào tạo nghề tối thiểu từ 12-18 tháng. Nếu tỉnh có thể xem xét, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương, Công ty sẽ phối hợp với các trường dạy nghề để mở các lớp đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của Công ty và Công ty cam kết: Nhận toàn bộ số lao động được đào tạo nghề về làm việc cho Công ty nếu sát hạch đạt yêu cầu; lương tối thiểu trả cho người lao động sau đào tạo là 4 triệu đồng; đóng đầy đủ các loại bảo hiển xã hội, y tế, bảo hiểm tự nguyện theo quy định của người lao động cũng như được hưởng các chính sách khác của Công ty.

 

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Công ty, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan cân đối nguồn hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của tỉnh đã quy định, ưu tiên trước hết cho Dự án Núi Pháo. Đối với các địa phương cần thành lập Ban Giải quyết việc làm để chỉ đạo, phân công các thành viên tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực cũng như nhu cầu việc làm của người lao động, sau đó tổng hợp, phân loại, để có kế hoạch đào tạo cho sát với tình hình thực tế; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức để người dân nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Dự án, và với chính mình trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng bền vững…

 

Cùng chung tay, góp sức vì sự phát triển chung của cộng động, đó không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn là mong muốn của NuiPhao Mining. Công ty đã, đang  thể hiện rõ trách nhiệm đối với những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng không chỉ bằng lời nói mà cả những hành động cụ thể. Hy vọng, mỗi người dân trong vùng Dự án cũng cảm nhận được sự lo lắng, quan tâm đó, để coi đó là động lực để tự mình vươn lên, tự mình tìm ra đường hướng thoát khỏi cảnh đói nghèo khi ruộng đất không còn…