Phổ Yên khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm

08:37, 14/02/2012

Giáp ranh với thị xã Sông Công, địa phương đầu tiên trong tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nên trong thời điểm này, cùng với việc quan tâm chỉ đạo người dân khẩn trương tiến hành gieo cấy vụ Xuân, huyện Phổ Yên còn tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Bà Đào Thị Tường Vi, Trạm Trưởng Trạm Thú y huyện Phổ Yên cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm, chúng tôi đã tổ chức họp khẩn cấp với Trưởng thú y của 18 xã, thị trấn để thông báo tình hình dịch bệnh và triển khai kế hoạch phun thuốc khử trùng tiêu độc với các loại hóa chất như: Han Iodin, Benkocid, Vetvaco Iodin, Virkon, PVI… Phối hợp với Trạm Thú y huyện tổ chức các lớp hội thảo, tập huấn về công tác chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, công tác phòng dập dịch cho gia súc, gia cầm đến các chủ trang trại trên địa bàn để có những biện pháp chủ động đối phó nếu có dịch xảy ra. Cùng đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện đã tổ chức họp khẩn cấp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các xã, thị trấn. Các thành viên này phải có nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu tiêm phòng của xã mình phụ trách. Phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tổ chức tuyên truyền tới các hộ dân thông tin tình hình dịch bệnh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng đang tổ chức theo dõi sát sao và yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ, báo cáo hàng tuần (khi chưa có dịch) và báo cáo hàng ngày (khi có dịch bệnh xảy ra) để có biện pháp xử lý kịp thời, khoanh vùng khống chế dịch, tránh lây lan. Đến thời điểm này, công tác cung ứng vắc xin và chuẩn bị các điều kiện cho tiêm phòng gia súc, gia cầm đang được tiến hành khẩn trương tại các địa phương.

 

Anh Nguyễn Văn Du, chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ ở xóm Cầu Sơn, xã Trung Thành cho biết: Nhà tôi nuôi gần 4 nghìn con gà đẻ. Lần nào cũng vậy, sau khi xuất bán lứa gà nuôi đã được hơn 1 năm, khả năng sinh sản kém là tôi tiến hành rắc vôi bột, khử trùng tiêu độc chuồng trại và tiêm phòng văc xin cho đàn gà hậu bị trước khi thả vào chuồng. Ngoài ra, tôi còn chú trọng thắp điện sưởi ấm và cho ăn đầy đủ nên đàn gà luôn sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị nhiễm dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết: Là địa phương nằm ở cuối dòng kênh hồ Núi Cốc, giáp ranh với các huyện: Phú Bình và Hiệp Hòa (Bắc Giang) nên xã Tiên Phong rất dễ bị lây lan dịch bệnh nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời. Năm 2011, xã đã phải tiêu hủy 28 tấn thịt gia súc, gia cầm, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Năm nay, nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tiến hành thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để tiến hành tiêm phòng trong tháng 2 này; đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện trách nhiệm của chủ hộ nuôi, giết mổ, vận chuyển, chủ lò ấp gia cầm như: không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm mắc bệnh; không ăn thịt gia cầm mắc bệnh, không giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh; không vứt xác gia cầm bừa bãi…

 

Tại xã Đông Cao, các hộ chăn nuôi cũng đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch nhằm tránh thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Anh Tạ Văn Tuấn, Trưởng thú y xã cho biết: Toàn xã hiện có gần 600 con trâu, bò, trên 8 nghìn con lợn và khoảng trên 75 nghìn con gia cầm. Sau khi biết thông tin về tình hình dịch bệnh, đại đa số các hộ chăn nuôi gia cầm đã tự đi mua văc xin để về tiêm phòng và chủ động sử dụng lượng hoá chất để phun khử trùng tiêu độc tại các trang trại, gia trại. Tính đến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển tốt. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Cùng với các biện pháp trên, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Phổ Yên còn yêu cầu chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Tăng cường hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành, Đội kiểm dịch động vật lưu động, đặc biệt chú trọng tại các điểm giết mổ tập trung, các chợ, đầu mối giao thông. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, huyện sẽ thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời khi cần thiết.