Phòng, chống dịch cúm gia cầm: Quyết liệt vào cuộc

10:40, 21/02/2012

Đến nay, số gia cầm bị ốm, chết buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là hơn 1.200 con. Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh là do bà con chăn thả rông và chưa được tiêm phòng vắc - xin cúm gia cầm...

Như tin chúng tôi đã đưa, chiều ngày 17/2,  ngay sau khi mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn gia cầm của hộ ông Bùi Thế Bẩy ở xóm Nam Hương 2, xã Thanh Ninh (Phú Bình) có kết quả dương tính với cúm H5N1, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 03 chỉ đạo khẩn cấp  các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trong khi đó, tại nhiều nơi trong tỉnh, ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân cũng có nhiều chuyển biến.

 

Mặc dù đang là ngày nghỉ (thứ Bảy, ngày 18/2), nhưng khi chúng tôi liên lạc để hẹn gặp làm việc, anh Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh vẫn đang ở cơ sở. Anh cho biết: Thời tiết đang diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài dễ làm cho sức khỏe đàn vật nuôi giảm. Đây là điều kiện để dịch cúm H5N1 bùng phát trên đàn gia cầm. Bởi vậy, lực lượng Thú y phải bám sát địa bàn, cơ sở, nắm bắt tình hình nhằm có thể đưa ra những biện pháp phòng, chống, dập dịch kịp thời, hiệu quả.

 

Tại "điểm nóng" Phú Bình, theo ghi nhận của chúng tôi, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc rất quyết liệt. Tất cả cán bộ kỹ thuật của Trạm Thú y huyện đều tỏa đi cơ sở triển khai phun tiêu độc, tiêm vắc - xin để bao vây và dập dịch. Các ngả đường ra vào xã Thanh Ninh đã có những điểm chốt chặn. Công tác dập dịch tại đây đã nhanh chóng được lực lượng Thú y và chính quyền địa phương triển khai với các biện pháp cấp thiết như: Thông báo, hướng dẫn cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức họp dân, phát tờ rơi cùng các văn bản hướng dẫn chuyên môn; lập cam kết nuôi nhốt gia cầm tại chuồng, không được mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm đối với các hộ có dịch; sử dụng khoảng 300 lít hóa chất navet-iodin, 5 tấn vôi bột… để tiêu độc khử trùng vùng dịch và các khu vực liên quan; lập chốt kiểm dịch trên tuyến đường dẫn vào xóm Nam Hương 2; rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm của xóm; tạm thời đình chỉ giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn toàn xã… Chi cục Thú y cũng đã cấp 50.000 liều vắc - xin phòng cúm H5N1 cho xã Thanh Ninh. Chỉ trong 2 ngày (18, 19/2), công tác tiêm phòng, khoanh vùng ổ dịch đã hoàn thành. Cùng với đó, chiều 17/2, UBND tỉnh cũng đã công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện Phú Bình. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao mới xuất hiện một ổ dịch đầu tiên mà ngành Nông nghiệp đã tham mưu với tỉnh công bố quyết định này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giải thích: Phú Bình là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh. Hiện, ở huyện có gần 2 triệu con gia cầm các loại (chiếm khoảng 30% tổng đàn gia cầm của cả tỉnh). Đi đôi với phát triển chăn nuôi, giao thương sản phẩm thịt gia cầm ở Phú Bình cũng diễn ra rất nhộn nhịp. Trong huyện có hàng nghìn hộ dân buôn bán gia cầm, đó là chưa kể thương lái các nơi trong tỉnh và ở tỉnh Bắc Giang cũng tìm về đây mua gia cầm mang đi tiêu thụ. Bởi vậy, sau khi công bố dịch sẽ nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm của người dân để dịch bệnh không có cơ hội lây lan, bùng phát. Đây là ổ dịch cúm gia cầm thứ hai được phát hiện trên địa bàn tỉnh ta. Ổ dịch đầu tiên xảy ra ở xã Bá Xuyên (thị xã Sông Công), đến nay đã qua 20 ngày không phát hiện ổ dịch mới. Dấu hiệu đáng mừng này giúp các cấp, ngành, chính quyền địa phương có thêm niềm tin vào những biện pháp chống dịch đã được triển khai kịp thời, quyết liệt.

 

Qua tìm hiểu thực tế tại các địa bàn chưa có dịch, chúng tôi nhận thấy công tác phòng dịch cũng đang được triển khai theo chỉ đạo của tỉnh, như: Tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; phân công nhiệm vụ và xác định trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác phòng dịch; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh, thực hiện kế hoạch “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng dịch” theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; giám sát phát hiện, khai báo dịch...  Về phía các hộ chăn nuôi cũng rất tích cực phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm. Chị Nguyễn Thị Chung, một người dân ở xóm Đình, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho hay: Gia đình tôi vừa mua 300 con vịt, riêng tiền vốn cũng đã mất 6 triệu đồng, nên tôi rất lo đàn vịt sẽ bị nhiễm bệnh. Gần đây, nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, để bảo vệ đàn vịt, tôi thường xuyên phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ…

 

Trước yêu cầu bức thiết của công tác phòng, chống dịch cúm H5N1, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Phải thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm H5N1 quyết liệt, triển khai các biện pháp đồng bộ, dập dịch trong thời gian sớm nhất. Nếu địa phương nào không nghiêm túc thực hiện, để phát sinh, lây lan dịch gây thiệt hại thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh; chỉ đạo tiêu huỷ không hỗ trợ đối với toàn bộ gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển trái phép, không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y…

 

Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh, số gia cầm bị ốm, chết buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh đến nay là hơn 1.200 con. Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh là do bà con chăn thả rông và chưa được tiêm phòng vắc - xin cúm gia cầm... Nếu dịch bệnh không được khống chế, dập tắt kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường bởi đàn gia cầm của tỉnh ta hiện nay tương đối lớn, lên đến trên 7 triệu con, trên địa bàn có hàng trăm trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô 5.000 con trở lên/trang trại. Do vậy, bên cạnh những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, chủ trang trại thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các tiểu thương buôn bán gia cầm cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, không vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ, bán chạy hoặc thu mua gia cầm mắc bệnh, khiến cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng…