Thành phố luôn đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp

08:40, 17/02/2012

“Doanh nghiệp (DN) có phát triển thì Thành phố mới phát triển và ngược lại. Lợi ích của cả hai bên đều không thể tách rời nhau. Thành phố sẽ luôn là người bạn đồng hành và cùng sẻ chia những khó khăn với DN…” - Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, ông Lê Văn Tuấn khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi.

Phóng viên: Mấy năm gần đây, cộng đồng các DN trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, T.P Thái Nguyên đã có những hỗ trợ gì góp phần tháo gỡ khó khăn cho họ, thưa ông?

 

Ông Lê Văn Tuấn: Chúng ta đều biết vai trò to lớn của DN, doanh nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. DN đóng góp cho địa phương ít nhất trên 3 lĩnh vực: Giải quyết lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nộp ngân sách Nhà nước. Bởi thế, việc tạo điều kiện giúp đỡ các DN chính là tạo thêm sức mạnh cho địa phương. Trên tinh thần, quan điểm đó, thời gian qua chính quyền Thành phố luôn quan tâm đến cộng đồng các DN trên địa bàn, thể hiện qua những việc làm cụ thể như: Theo phân cấp, Thành phố không thể ban hành các cơ chế, chính sách đối với DN, nhưng các hoạt động hỗ trợ thì luôn được chú trọng. Thành phố đã hình thành tổ chức Hội DN nhằm động viên, khích lệ các DN tháo gỡ khó khăn, phát triển ổn định, đồng thời giám sát, kịp thời nhắc nhở, phê bình các DN vi phạm quy định của Nhà nước. Mỗi năm Thành phố có 2 dịp tổ chức gặp gỡ giữa các ngành chức năng với DN vào tháng 3 và tháng 10. Đầu năm gặp gỡ để cùng đề đạt nguyện vọng, động viên, khen thưởng, nhận định đúng tình hình để kịp thời giải quyết khó khăn. Qua đó cũng nêu rõ quan điểm chính quyền địa phương giúp được gì cho DN và ngược lại. Nếu DN khó khăn về vốn thì Thành phố đứng ra mời các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện giúp DN tiếp cận các nguồn vốn trong khuôn khổ quy định cho phép. Hai bên cùng nhau cam kết thực hiện tốt mối quan hệ khách hàng để cùng phát triển. Cuối năm, Thành phố tổ chức gặp gỡ để kiểm điểm, đốc thúc các DN sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.

 

Đối với các DN, vấn đề mặt bằng, đất đai là rất quan trọng và cần thiết. Thành phố rất quan tâm giúp đỡ DN giải quyết các thủ tục, hồ sơ về đất đai thông qua hai cơ quan đầu mối là Trung tâm Phát triển quỹ đất và Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) nên có thể trực tiếp hỗ trợ DN. Quan điểm của Thành phố là GPMB phải đảm bảo lợi ích theo quy định của cả 3 bên: Nhân dân, Nhà nước và DN. Ngoài ra, Thành phố còn tích cực hỗ trợ DN trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (công khai, minh bạch quy  hoạch, giúp DN biết rõ thủ tục nào làm trước, thủ tục nào làm sau, tránh chồng chéo mất thời gian).

 

Phóng viên: Theo dự báo thì năm 2012 các DN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Vậy, Thành phố đã có phương án “đồng hành và sẻ chia” với các DN như thế nào?

 

Ông Lê Văn Tuấn: Thành phố vẫn chủ trương thực hiện tốt các nội dung trên, trong đó tập trung vào việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền Thành phố, các sở, ngành liên quan và DN. Với vai trò là cầu nối, Thành phố sẽ giúp DN và các ngành chức năng (trong đó có hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn) hiểu và gắn kết với nhau hơn. Cần thiết giữa các bên có cam kết cùng nhau thực hiện vì lợi ích của cả hai. Chính quyền Thành phố sẽ thông tin một cách kịp thời các chính sách về tài chính, tín dụng, đồng thời có những dự báo quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thị trường, nhằm giúp các DN xác định phương hướng đầu tư sao cho phù hợp, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, chống sách nhiễu, rườm rà trong giải quyết thủ tục đầu tư của DN được Thành phố đặc biệt coi trọng. Nếu phát hiện có trường hợp cố tình gây khó khăn cho DN, Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm, ngược lại cũng sẽ động viên, khen thưởng những cơ quan, đơn vị, các nhân làm tốt công tác cải cách hành chính. Với DN không thiện chí, đầu tư hình thức thì Thành phố cũng sẽ sẵn sàng từ chối không tiếp nhận đầu tư. Quan điểm của Thành phố là không để chậm tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư của DN…

 

Phóng viên: Đồng hành, chia sẻ cùng DN không có nghĩa là không tính đến yếu tố sàng lọc, bởi tình trạng DN thiếu năng lực hiện còn không ít. Quan điểm đó được T.P Thái Nguyên thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Văn Tuấn: Định hướng lâu dài của T.P Thái Nguyên là không chỉ dừng lại ở một thành phố công nghiệp thuộc tỉnh mà còn là thành phố thương mại, dịch vụ hiện đại, xứng đáng là trung tâm đô thị của cả vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Do đó, các DN trên địa bàn phải dần phát triển sao cho tương xứng. Thành phố không chủ trương phát triển DN theo số lượng mà lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng. Bởi thế, việc sàng lọc, lựa chọn DN để hỗ trợ hoặc thu hút đầu tư là rất cần thiết. Thành phố đã và đang thực hiện hiệu quả phương án đó. Trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 1.300 DN, quỹ đất cũng không còn lớn, nên sẽ ưu tiên các DN đầu tư theo định hướng cơ cấu kinh tế đã được xác định, trong đó thương mại, dịch vụ đứng đầu. Các DN có dự án sản xuất công nghiệp nặng, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ không phải là đối tượng thu hút của Thành phố. Thành phố đang tập trung chăm lo phát triển hạ tầng đô thị, ưu tiên xây dựng các khu đô thị, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ, du lịch… góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và hiện đại trên toàn địa bàn.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!