Thêm động lực cho xây dựng nông thôn mới

09:04, 15/02/2012

Cổ Lũng là xã trung du miền núi, có 18 thôn, xóm với gần 9.000 nhân khẩu. Công tác xây dựng nông thôn ở đây đã được thực hiện trong nhiều thế hệ và đem lại những kết quả đáng kể.  

Nhưng, từ năm 2011 khi xã được lựa chọn làm điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới thì cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã càng có thêm động lực để đẩy mạnh thực hiện công việc này.

 

Hôm chúng tôi đến, xã vừa hoàn thiện bản quy hoạch về xây dựng nông thôn mới, các cán bộ xã đang tập trung xem lại bức tranh toàn cảnh xã trong tương lai. Đồng chí Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để bộ mặt của xã được như thế này thì địa phương sẽ phải cố gắng nhiều lắm, bởi qua quá trình nhiều năm xây dựng và phát triển thì các nhân tố mới hình thành, phát triển thiếu sự điều chỉnh phù hợp với giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Điển hình là các công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ sở kinh tế, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng trong quá trình xây dựng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, phát triển không đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan nông thôn chưa thật khang trang, môi trường sinh thái còn bị ô nhiễm. 

 

Nếu nhìn vào 19 tiêu chí để đánh giá công tác xây dựng nông thôn mới thì đến nay, xã Cổ Lũng mới đạt 6 tiêu chí, đó là: Bưu điện, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị. Hiện toàn xã có 186 hộ nghèo trên tổng số 2.398 hộ; xã có 1 điểm bưu điện văn hóa đã được xây dựng kiên cố phục vụ cho nhân dân đọc báo và truy cập Internet; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế của xã đạt 61,4%; tỷ lệ làng văn hóa năm 2010 là 78%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85,9%, không có trường hợp mù chữ; hình thức tổ chức sản xuất của địa phương khá phát triển, toàn xã có 5 trang trại với 20 lao động, có 17 doanh nghiệp sản xuất với trên 230 lao động, 6 cơ sở chế biến lâm sản và 1 làng nghề bánh chưng thu hút 240 lao động, 1 hợp tác xã kinh doanh tổng hợp với 65 xã viên và 1 tổ hợp tác có 7 thành viên.

 

Đối với 13 tiêu chí còn lại thì vẫn còn những tồn tại cần được giải quyết. Theo lộ trình công tác xây dựng nông thôn mới ở xã thì năm 2012, cùng với việc giữ vững các tiêu chí đã đạt, xã tập trung cao độ cho các tiêu chí gần đạt là: Điện, kênh mương, đường giao thông, cơ cấu lao động và nhà ở nông thôn. Thời điểm này, xã đang tiếp tục tổ chức họp dân để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng nông thôn mới, triển khai cho các xóm đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã có 4/18 xóm đã đăng ký. Qua tuyên truyền, nhiều người dân đã thực sự hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng nông thôn mới, nhận thức rõ ý nghĩa của việc làm này, từ đó đồng tình ủng hộ, sẵn sàng chung tay, chung sức để xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống nông dân được phát triển. Ông Nguyễn Duy Luận, Trưởng xóm 9 cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền ngay từ đầu nên công tác xây dựng nông thôn mới được bà con trong xóm ủng hộ rất nhiệt tình. Xóm có 237 hộ với 867 nhân khẩu, hiện 100% bà con trong xóm đã đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới, việc làm đầu tiên thể hiện sự ủng hộ này là bà con đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa xóm với trị giá gần 240 triệu đồng.

 

Sự ủng hộ của người dân sẽ là nguồn lực lớn để xã thực hiện từng bước các tiêu chí còn lại, nhất là đối với các tiêu chí cần sự chung tay của người dân như: Xây dựng đường giao thông, kênh mương, hạ tầng cho giáo dục, văn hóa… Toàn xã có trên 90km đường giao thông, trong đó đường trục chính liên xã là 3,5km, đường liên xóm 19,5km, trục thôn xóm dài 30,5km, trục chính nội đồng 19,6km. Đến nay, mới có 3,5km được đổ bê tông, còn lại vẫn là đường cấp phối; còn về kênh mương, toàn xã có trên 12km mới thực hiện cứng hóa được gần 5km. Để xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và kênh mương đạt tiêu chí nông thôn mới, đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Trước mắt, năm 2012, xã đã thiết kế 3km đường thuộc các xóm Bá Sơn, Bờ Đậu và Đường Goòng, sắp tới sẽ tiến hành đổ bê tông. Còn lại mỗi năm sẽ xây dựng trên 20km đường và khoảng 2-4km kênh mương.

 

Thu nhập bình quân đầu người và vệ sinh môi trường là các tiêu chí khó đạt nhất, nhưng cho đến nay, xã cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó đề ra các giải pháp, bước đi cụ thể. Đó là, xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng, phát triển khu thương mại dịch vụ ở xóm Bờ Đậu, xóm 9 và Làng Ngói với quy mô gần 12ha. Tại thời điểm này, xã sẽ tập trung giữ vững sự phát triển làng nghề bánh chưng truyền thống, đồng thời xây dựng điểm phục vụ hàng hóa tiêu dùng ở siêu thị Bờ Đậu, tiếp tục khuyến khích các hộ tham gia hoạt động trong lĩnh vực phát triển dịch vụ phục vụ sinh hoạt như: Sửa chữa xe máy, đồ điện, dịch vụ điện thoại, vui chơi giải trí… Sau đo, dần chuyển một phần lao động nông nghiệp sang làm dịch vụ, buôn bán để thực hiện bước chuyển dịch lao động nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới và tăng thu nhập cho một bộ phận người dân của xã. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã cũng đã quy hoạch vùng chuyên sản xuất lúa, chè, thuốc lá ở các xóm: Làng Đông, Làng Ngói, Bờ Đậu, Rộc Cọ, Làng Phan với tổng diện tích trên 300ha nhằm đầu tư phát triển theo hướng chuyên sâu, tăng thu nhập cho người dân… Riêng về vấn đề vệ sinh môi trường, xã cũng đã có phương án xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của xã quy mô trên 3ha. Với quyết tâm và sự cố gắng cao nhất, cùng với sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng đến năm 2015, Cổ Lũng cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới.