Từng bước hiện đại hóa hệ thống chợ

09:34, 22/02/2012

Những năm qua, T.P Thái Nguyên đã quan tâm phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Chợ là một bộ phận quan trọng trong tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là với những đô thị trung tâm như thành phố Thái Nguyên. Những năm qua, thành phố đã quan tâm phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn.

 

Với định hướng chung là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, những năm qua, T.P Thái Nguyên đã không ngừng quan tâm đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách có hạn, các chợ đều hoạt động dưới hình thức các ban quản lý (là đơn vị sự nghiệp có thu, chủ yếu làm công tác quản lý và thu các loại thuế, phí) nên việc đầu tư cải tạo, xây mới còn hạn chế. Trong số 26 chợ trên địa bàn, ngoại trừ 2 chợ hạng I (chợ Thái và chợ Đồng Quang) thì đa số còn lại ở trong tình trạng xập xệ, vệ sinh môi trường, các điều kiện về phòng, chống cháy nổ không đảm bảo, diện tích cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng chợ cóc, chợ bóp họp không đúng nơi quy định, việc họp chợ lấn chiếm lòng đường vỉa hè diễn ra khá phổ biến.

 

Trước yêu cầu hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ, xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại, đồng thời tạo thói quen mua sắm văn minh cho người dân, từ năm 2005, thành phố đã có chủ trương xã hội hóa hoạt động chợ bằng cách chuyển đổi cho các doanh nghiệp quản lý, đầu tư, khai thác, dành nguồn ngân sách nhất định để xây dựng chợ mới. Để tạo hành lang pháp lý trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chợ, thành phố đã xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển hệ thống chợ (đề án này đã được thực hiện qua giai đoạn 2005-2010 và vẫn đang được tiếp tục triển khai).

 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống chợ, ngoài những quy định chung (miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…), thành phố đã ban hành thêm cơ chế riêng như: dành quỹ đất và đầu tư quy hoạch (10 triệu đồng/chợ ở các xã) cho việc xây dựng các chợ tại những địa bàn chưa có chợ, hoặc cần mở rộng; tại các chợ chuyển đổi mô hình quản lý thì nhà đầu tư được nộp giá trị tài sản làm 3 lần khi nhận bàn giao, được hỗ trợ trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, thành phố tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá mời gọi nhà đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm, hội chợ triển lãm thương mại, công nghiệp… Ông Chu Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Hồng Hà (chủ đầu tư Dự án Xây dựng, quản lý khai thác chợ Đồng Quang) cho biết: “Nắm bắt được xu hướng phát triển thương mại dịch vụ, cộng thêm việc được hưởng cơ chế ưu đãi của thành phố nên chúng tôi quyết định đầu tư dự án này”.

 

Thực tế cho thấy, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi và phát triển hệ thống chợ của thành phố đã đạt được những kết quả khả quan, đó là: đã có 3 chợ được thành lập mới (chợ Túc Duyên, Lương Sơn và Phú Thái), đưa tổng diện tích sử dụng của các chợ lên gần 150.000 m2 (tăng 73% so với năm 2005), diện tích kiên cố chiếm 50%; có 9/26 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý sang cho các doanh nghiệp (6 chợ đang được triển khai đầu tư, trong đó có 2 chợ đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 là chợ Thái và chợ Quan Triều), cơ bản đều hoạt động tốt; tổng số vốn các doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư cả giai đoạn là 167 tỷ đồng, chiếm 98,87%… Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Việc xã hội hóa hoạt động chợ đã tạo động lực cho quá trình hiện đại hóa hạ tầng thương mại dịch vụ, tăng nguồn thu đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 

Tuy nhiên, những kết quả đó còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra cũng như tiềm năng to lớn của một đô thị trung tâm vùng. Theo kế hoạch đến năm 2010, 26/26 chợ của thành phố được chuyển giao cho doanh nghiệp, nhưng thực tế mới chỉ có 9 chợ được bàn giao, các dự án chợ đang triển khai đa phần bị chậm tiến độ. Các chợ nhỏ, chợ phiên, xa trung tâm thành phố chưa được các nhà đầu tư chú ý tới… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào chợ vì cho rằng lâu thu hồi vốn, trong khi số vốn bỏ ra ban đầu lớn. Đối với việc chậm tiến độ, ý kiến của ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Minh Sơn (chủ đầu tư dự án chợ Quan Triều) và hầu hết các chủ đầu tư khác đều thống nhất: thiếu vốn là khó khăn lớn nhất, trong khi nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: Năng lực tài chính của một số chủ đầu tư hạn chế (việc xác định năng lực thực sự của họ trước khi chấp thuận đầu tư gặp khó khăn), vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (chợ Tân Long, chợ Đán) và đa số các chủ đầu tư hiện nay không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chợ là những nguyên nhân chính làm cho tiến độ các dự án bị chậm.

 

Đến năm 2015, T.P Thái Nguyên phấn đấu có 15/27 chợ (thêm 1 chợ xây mới) được chuyển giao cho các nhà đầu tư, tổng diện tích các chợ đạt trên 220.000 m2 (tăng khoảng 50% so với hiện nay), hoàn thành cải tạo, xây dựng 3 chợ (chợ Đồng Quang, Tân Long, Minh Cầu)… Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu khảo sát, lập dự án đầu tư vào chợ (mới đây nhất, tháng 12-2011, chợ Dốc Hanh đã có doanh nghiệp được chấp thuận đầu tư). Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã được chấp thuận cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết khó khăn về vốn, đẩy nhanh tiến độ công trình.