Sau hơn 4 năm triển khai loại hình Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) trên địa bàn tỉnh, đến nay, số lượng người tham gia vẫn đạt ở mức thấp.
Tính hết năm 2011, toàn tỉnh có 1.047 người tham gia loại hình bảo hiểm này (trong khi số tham gia Bảo hiểm Y tế tự nguyện là 90.480 người).
Chị Nguyễn Thị Văn, Tổ 14, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), một người đang tham gia BHXHTN cho biết: Trước đây, khi làm công nhân và nhân viên bán hàng tại các công ty tôi được đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXHBB) với thời gian 10 năm, 4 tháng. Sau khi nghỉ việc, tôi tham gia BHXHTN. Rất thuận lợi là tôi chỉ phải đóng thêm 9 năm, 8 tháng để đủ thời gian được hưởng chế độ hưu trí.
Còn ông Nguyễn Thanh Hà, sinh năm 1964 tại xóm 1, xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên cho hay: Khi mất đất cho phát triển công nghiệp, gia đình tôi làm than tổ ong bán. Từ năm 2008 đến nay, tôi tham gia BHXHTN vì nghĩ đơn giản, mình không phải công viên chức Nhà nước nhưng tham gia bảo hiểm thì khi về già vẫn được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, chúng tôi rất mong Nhà nước gộp 2 loại bảo hiểm tự nguyện (y tế và xã hội) lại làm một, đồng thời tăng các lợi ích khi đóng bảo hiểm và nếu có thể thì điều chỉnh mức phí cho phù hợp. Như vậy, sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đóng BHYTTN tại xã nhưng lại phải xuống tận BHXH thành phố để nộp BHXHTN.
Về vấn đề ông Hà băn khoăn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc BHXH T.P Thái Nguyên và được biết: Tính đến thời điểm này, thành phố có 446 người tham gia BHXHTN (là địa bàn có số người tham gia BHXHTN cao nhất tỉnh), trong đó 63 người đến thời điểm này đã đóng đủ năm theo quy định để hưởng chế độ hưu trí.
Đối tượng tham gia BHXHTN là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động và không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXHBB như: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; cán bộ không chuyên trách cấp xã; người lao động tự do, nông dân…
Khi tham gia đủ thời gian 20 năm theo quy định sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng bảo hiểm hiện nay là 20% thu nhập một tháng. Từ năm 2014 trở đi, mức phí sẽ là 22%. |
Hiện có gần 30 cộng tác viên bảo hiểm ở các xã, phường (phần lớn là cán bộ văn hóa xã) phụ trách đại lý BHYTTN với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/người/tháng. Tuy nhiên, các xã chưa có đại lý BHXHTN nên muốn tham gia, người dân phải trực tiếp xuống đăng ký và nộp tại BHXH thành phố. Điều này, phần nào khiến người dân e ngại tham gia. Và thực trạng này có thể nhận thấy ở bất cứ địa phương nào trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của BHXH tỉnh cung cấp, mỗi năm, số người tham gia BHXHTN đều tăng (năm 2008: 207 người tham gia; 2009: 490 người; năm 2010: 711 người; năm 2011: 1.047 người). Hơn nữa, đa số đối tượng tham gia là những người đã đóng BHXHBB nhưng chưa đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định như trường hợp chị Nguyễn Thị Văn.
Số liệu trên cho thấy lượng tăng rất thấp và có chiều hướng không bền vững (khi đủ số năm đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu thì một số đối tượng sẽ ngừng đóng BHXHTN). Còn số lao động tự do tham gia như anh Nguyễn Thanh Hà là rất ít.
Từ năm 2008 tới nay, Võ Nhai là huyện có ít người tham gia BHXHTN nhất. Hiện có 24 người ở huyện tham gia, trước đó họ đều đã đóng BHXHBB. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tín Nhượng, Giám đốc BHXH huyện Võ Nhai cho hay: Do điều kiện kinh tế ở đây còn thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều vì vậy người dân chưa nhận thức được sâu xa tính ưu việt của loại hình bảo hiểm này nên chưa tham gia.
Tìm hiểu ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh chúng tôi thấy: Mặc dù BHXH các cấp đã tuyên truyền các chính sách, chế độ của các loại bảo hiểm đến người dân, nhưng mức độ tuyên truyền chưa sâu rộng nên đa số người dân vẫn chưa hiểu và mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Khi chúng tôi hỏi vì sao không tham gia BHXHTN, chị Nguyễn Thị H. làm nghề buôn bán quần áo tại thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho biết: Mỗi tháng, tôi thu lời được trên 2 triệu đồng. Nếu tham gia BHXHTN này tôi phải đóng trên 400 nghìn/tháng (20% thu nhập), như vậy số tiền còn lại không đủ để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình gồm 3 người. Vì vậy, tôi chỉ cố gắng đóng BHYTTN cho cả gia đình để phòng khi ốm đau, bệnh tật, mỗi năm cũng mất gần 1 triệu đồng.
Không riêng chị H. mà tất cả người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như tỉnh ta đều cho rằng mức đóng BHXHTN cao. Thu nhập thấp, lại chi phí cho sinh hoạt gia đình nên việc họ dành ra một khoản tiền đóng BHXHTN hàng tháng là điều bất khả thi.
Thiết nghĩ, BHXHTN là một chính sách của Nhà nước có ý nghĩa sâu xa nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho người dân. Bởi vậy, để nhân dân hiểu và tham gia cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng cần mở đại lý BHXHTN cấp xã, phường và có những chế độ khuyến khích nhiều hơn nữa cho cộng tác viên, cán bộ chuyên trách tạo sự thúc đẩy họ thu hút đông đảo người dân tham gia. Và điều mong muốn của người dân muốn gộp bảo hiểm tự nguyện: y tế và xã hội làm một để thêm nhiều tiện lợi và giảm thủ tục hành chính rườm rà rất mong được Nhà nước xem xét, điều chỉnh.