Tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 55 trường hợp được chẩn đoán lâm sàng mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) ở thể nhẹ và không xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Theo Bác sĩ Hoàng Anh, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh), diễn biến bệnh TCM trên địa bàn tỉnh không đáng lo do số lượng bệnh nhân không nhiều và tất cả bệnh nhân mới chỉ mắc bệnh ở thể nhẹ do nhiễm chủng virus Coxsackie A16 ít gây biến chứng nguy hiểm.
Chưa xuất hiện chủng virus EV71
Ngày 10-2-2012, Trường Mầm non Núi Voi, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) phát hiện một trường hợp học sinh mắc bệnh TCM đầu tiên trong Nhà trường với biểu hiện miệng bị loét gây đau khi ăn uống và sốt nhẹ. Cô giáo Vũ Kim Cúc, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, liên tục các ngày sau đó, Nhà trường và các cơ quan y tế lại phát hiện thêm nhiều cháu ở nhiều lớp khác nhau mắc bệnh. Tính đến hết ngày 17-2, Nhà trường đã ghi nhận 7 cháu nhiễm bệnh TCM và 4 cháu có biểu hiện nghi mắc bệnh. Tất cả những trường hợp trên đều được Nhà trường phối hợp với phụ huynh đưa đến điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và đến thời điểm hiện tại, tất cả các cháu đã khỏi bệnh và đi học bình thường. Nhà trường cũng phối hợp với cơ quan y tế tổ chức khử khuẩn môi trường, đồ chơi, dụng cụ học tập và bát đũa dành cho các cháu…
Theo bác sĩ Hoàng Anh, đây không phải là điểm duy nhất trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh nhân nhiễm bệnh TCM. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh ghi nhận 55 bệnh nhân phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn cả tỉnh bị mắc bệnh TCM ở thể nhẹ. Bệnh TCM do một dạng virus đường ruột gây ra, lây nhiễm qua đường tiêu hóa trực tiếp (phân - miệng) hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn… bị ô nhiễm phân người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp. Bệnh đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh khoảng 10 năm trở lại đây. Tất cả bệnh nhân được ghi nhận đều mắc bệnh ở thể nhẹ (nhiễm chủng virus Coxsackie A16) và không bị biến chứng nguy hiểm. Năm 2011, lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức giám sát bệnh TCM do có số lượng bệnh nhân tăng cao hơn so với mọi năm. Tính tổng cộng trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh phát hiện 251 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh TCM ở thể nhẹ.
Bác sĩ Hoàng Anh cho rằng, với diễn biến bệnh như năm nay, người dân không nên quá lo lắng bởi mặc dù xuất hiện trên tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh nhưng bệnh chưa thành dịch lớn, số lượng bệnh nhân cũng không nhiều. Hơn nữa, tỉnh ta cũng mới chỉ ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh TCM do nhiễm virus Coxsackie A16 ít khả năng gây biến chứng nguy hiểm, chưa có trường hợp bệnh nhân mắc TCM cho chủng EV71 gây ra. EV71 là chủng virus gây bệnh TCM xuất hiện nhiều tại các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ thời gian qua. Chủng virus này nguy hại hơn chủng virus Coxsackie A16 gây bệnh TCM trên địa bàn tỉnh ta và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến trẻ dễ bị viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi dẫn tới tử vong.
Không nên chủ quan
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Anh cũng cho rằng, người dân không nên chủ quan đối với bệnh TCM bởi với sự thông thương thuận lợi như hiện nay, chủng virus EV71 rất có nguy cơ xuất hiện tại Thái Nguyên trong thời điểm giao mùa vào tháng 3 và tháng 4 tới. Ngoài ra, bệnh TCM không chỉ xuất hiện ở trẻ mà cả người lớn cũng có nguy cơ lây nhiễm. Do sức đề kháng tốt, bệnh không có nhiều biểu hiện lâm sàng rõ ràng ở người lớn và thường tự khỏi. Tuy nhiên, những người lớn mắc bệnh mà không có biểu hiện lâm sàng lại là mối nguy cơ rất lớn lây nhiễm sang trẻ. Chính vì vậy, nếu cơ thể trẻ có các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng bằng đầu đũa, màu xám ở gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau, khi vỡ ra gây những vết loét, bị nôn, tiêu chảy… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh TCM, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Hiện, bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vắc - xin phòng bệnh nên giải pháp ngăn chặn dịch bệnh vẫn là phòng bệnh. Các phụ huynh và nhà trường cần chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, như rửa chân tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường lớp học, nhà ở thường xuyên… Nếu phát hiện trẻ bị bệnh cần cách ly điều trị và cho nghỉ học. Sau đó, nhà trường cần làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi của các cháu bằng Cloramin B, tráng nước sôi bát đũa, khăn mặt… trước khi cho các trẻ khác sử dụng.