Thông tin từ Bác sĩ CKI Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên): bệnh tay - chân - miệng (TCM) trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều, nguy hiểm hơn là bệnh có dấu hiệu nặng lên...
Thái Nguyên chưa công bố có dịch TCM, nhưng trong tháng ba này, mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận khám cho 20-30 bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh TCM, trong gần nửa số đó phải nhập viện điều trị. Bệnh TCM thường mắc ở lứa tuổi từ 2-5 tuổi, nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện ở người lớn (Khoa đã điều trị cho 3 bệnh nhân trên 20 tuổi).
Số bệnh nhân mắc bệnh CTM điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm trung bình 10 - 20 bệnh nhân. Điều đáng nói là thời gian gần đây. Bệnh nhân TCM có biểu hiện lâm sàng phức tạp hơn: Nếu như trước đây bệnh nhân thường chỉ có biểu hiện sốt từ 1-2 ngày, sau đó nổi mụn dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân… thì giờ sốt cao liên tục kéo dài, có biểu hiện kích thích thần kinh như: giật mình liên tục, kích thích vật vã, hoặc li bì.
Bác sĩ CKI Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên): Tuy chưa phát triển thành dịch, nhưng bệnh TCM nếu mắc ở trẻ bị suy dinh dưỡng, bệnh bẩm sinh… nguy cơ tử vong rất cao, nhất là khi dịch đang diễn biến nặng lên như hiện nay, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, chứ không nên để dịch bệnh xảy ra mới tập trung con người, kinh phí để dập dịch.
|
Xét nghiệm lâm sàng có biểu hiện tổnthương cơ tim, tổn thương gan nặng... Các biểu hiện lâm sàng của bệnh TCM trên địa bàn trong thời điểm hiện tại nguyên nhân có thể là do sự thay đổi thời tiết ở thời điểm giao mùa, sự thay đổi độc lực của virus, xuất hiện vi rút mới… Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã có xét nghiệm nhanh chẩn đoán virus EV71, đây là chủng virus gây bệnh TCM có nguy cơ biến chứng nặng đe dọa tử vong.
Chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Linh, xóm Câu Hồng 2, xã Động Đạt (Phú Lương) có con trai là Nguyễn Diên Hoàng (gần 3 tuổi) vừa nhập viện ngày 27/3 với các biểu hiện sốt nhẹ, giật mình nhiều, có nốt phỏng ở tay chân, ăn ngủ kém… Chị Linh cho biết: Nghe các phương tiện thông tin thông báo các biểu hiện của bệnh TCM, tôi thấy cháu xuất hiện những nốt phỏng ở tay, chân, kém ăn nên đã đưa cháu đến Trạm y tế xã khám và được các bác sĩ khuyên nên đưa xuống Bệnh viện đa khoa để kiểm tra. Khi đến đây, các bác sĩ đã làm thủ tục cho cháu nhập viện và điều trị, đến hôm 28/3, cháu đã đỡ sốt.
Bác sĩ Hoàng Thị Thu, Khoa Truyền nhiễm khuyến cáo: Để phòng bệnh TCM, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm của trẻ cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, dung dịch diệt khuẩn, phơi khô. Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn CloraminB 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bệnh TCM cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và hướng dẫn cách phòng chống bệnh kịp thời. Bệnh có thể gặp ở các đối tượng khác nhau, do vậy nếu thấy biểu hiện giống tay chân miệng như khuyến cáo cần đến khám ngay tại cơ sở chuyên khoa… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng, đặc biệt là ở các nhà trẻ, mẫu giáo và các nơi tập trung đông người; tăng cường sự cộng tác trong công tác giám sát dịch tễ học và công tác chăm sóc để có biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả…