Cần sự chung tay của cả cộng đồng

09:10, 11/03/2012

Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), UBND tỉnh đã khẳng định: Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn có xu hướng gia tăng. Nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về BVMT và cam kết BVMT. Nhiều cơ sở xử lý chất thải chưa đạt tiêu chuẩn cho phép, không hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm theo đúng tiến độ quy định. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu cho các dự án phát triển và BVMT. Nhiều chỉ tiêu đề ra trong công tác BVMT giai đoạn 2007-2010 chưa đạt được…

Thực hiện phê chuẩn của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 39/2006/NQ-HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án  về BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2007-2010. Hàng loạt cơ chế chính sách được ban hành đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đã triển khai lồng ghép tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn với nhiệm vụ BVMT và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT đã được triển khai với quy mô rộng, nhiều nội dung và hình thức phong phú. Bộ máy quản lý môi trường được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện, năng lực quản lý môi trường đã được nâng lên. Thiết bị quan trắc môi trường được trang bị tương đối đầy đủ, hiện đại, đáp ứng năng lực quan trắc môi trường cho cả vùng Đông Bắc.

 

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT được tăng cường. Nhiều cơ sở vi phạm pháp luật BVMT đã bị phát hiện và xử lý. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, với trên 300 lượt cơ sở được thanh, kiểm tra đã có gần 200 lượt cơ sở bị xử lý vi phạm với tổng số tiền phạt là 485 triệu đồng. Vấn đề xã hội hóa trong công tác BVMT đang có xu hướng phát triển. Tiêu chí về BVMT đã được các làng, xã đưa vào bình xét gia đình, làng xã văn hóa; nhiều xã, phường, thị trấn đã hình thành tổ chức tự quản vệ sinh môi trường. Nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai và đưa vào sử dụng như: Công nghệ xử lý chất thải rắn, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải ở nông thôn… Tỉnh đã thu hút được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ cho công tác BVMT như DANIDA (Đan Mạch), JICA (Nhật Bản), Canada…

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần phải được khắc phục. Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trong toàn tỉnh khoảng 404 tấn/ngày, đã thu gom được khoảng 36%, nhưng chỉ có Thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công thực hiện thu gom và xử lý rác thải theo quy trình hợp vệ sinh (Thành phố Thái Nguyên giao cho Công ty Môi trường và Đô thị thực hiện, chôn lấp tại bãi rác Đá Mài; Thị xã Sông Công xử lý tại nhà máy chế biến rác Sông Công). Ở các huyện, tiến độ xây dựng các dự án bãi chôn lấp chậm. Rác thải chủ yếu được chôn lấp tạm thời, do các tổ vệ sinh tự quản thực hiện. Vì vậy tình trạng rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi còn khá phổ biến. Chất thải y tế được thu gom và xử lý hợp vệ sinh còn thấp (đạt khoảng 49%), các bệnh viện tuyến huyện chủ yếu là chôn lấp thủ công.

 

Chất thải công nghiệp nguy hại bước đầu đã được các chủ nguồn thải thu gom, phân loại và quản lý theo quy định nhưng chưa triệt để. Vẫn còn tình trạng đổ chất thải và bán chất thải nguy hại không theo quy định. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh thải ra khoảng 19 triệu m3/năm và được dự báo tăng 22% mỗi năm; nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 90.000 m3/ngày, trong đó nước thải sinh hoạt đô thị chiếm khoảng 50%. 100% nước thải sinh hoạt đang thải trực tiếp ra sông Cầu và các thủy vực tiếp nhận. Trong 100 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được thống kê, 52 cơ sở có nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có đơn vị hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép tới hàng nghìn lần. Môi trường không khí đã bị ô nhiễm cục bộ tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, điển hình như: Khu nhà máy Xi măng Núi Voi, Xi măng Quang Sơn, Xi măng La Hiên, xung quanh các khu mỏ khai thác. Một số khu vực có biểu hiện bị ô nhiễm kim loại nặng như: Đất ruộng gần khu Công nghiệp Sông Công, khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên…

 

Hiện trên địa bàn tỉnh có 156 mỏ đã được cấp phép khai thác xong chủ yếu là khai thác theo phương pháp lộ thiên với công nghệ khai thác thủ công là chính đã và đang tác động xấu đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội. Có thể kế đến các tác động xấu như: Gây tổn thất tài nguyên khoáng sản; đổ đất, đá thải làm mất đi hàng ngàn ha đất rừng, đất nông nghiệp, làm biến dạng địa hình, một số dòng chảy bị bồi lấp hoặc sạt lở… Đặc biệt làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư và công nhân mỏ, gây mất trật tự an ninh nơi khai thác, chế biến khoáng sản. Nhiều khu rừng đã bị khai thác kiệt quệ, biến thành nương rẫy hoặc khai trường, lớp phủ thực vật đã suy giảm cả về diện tích và sinh khối, ảnh hưởng tới sự đa dạng của sinh học, suy thoái môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

 

Với mục tiêu tổng quát: “Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu” mà Đề án về Bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 đã đề ra, tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện, giám sát việc BVMT. Các mục tiêu cụ thể dành cho lĩnh vực được đề ra trong giai đoạn từ nay đến 2015 như: 90% rác thải sinh hoạt đô thị Thành phố Thái Nguyên, 70% rác thải sinh hoạt tại các khu vực nội thị, trung tâm các xã của Thị xã Sông Công và các thị trấn, thị tứ của các huyện được thu gom xử lý hợp vệ sinh; phấn đấu 100% các khu, cụm công nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định về BVMT trước khi đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư thứ cấp; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường, cảnh quan lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh; đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường khu vực nông thôn, ưu tiên 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới và các làng nghề; tiếp tục nâng độ che phủ rừng đạt chỉ tiêu kế hoạch, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, quản lý hệ sinh thái rừng bền vững; củng cố và nâng cao năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu của tỉnh lồng ghép với vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược và kế hoạch của các cấp, các ngành…

 

Trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành đã được phân công rõ rệt. Cùng với cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường, sự vào cuộc của cả cộng đồng chắc chắc môi trường của chúng ta sẽ được kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả các ô nhiễm trước những tác động của phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu. Những vấn đề cấp bách về môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước được giải quyết có hiệu quả./.