Dịch tay – chân - miệng: Chưa phát hiện nhóm có độc lực cao

14:12, 30/03/2012

Trước nguy cơ Bệnh tay - chân - miệng (TCM) có biến chứng tăng nặng phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế) xung quanh công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

P.V: Ông đánh giá thế nào về tình hình bệnh TCM trên địa bàn tỉnh hiện nay?

 

Ông Nguyễn Lê Minh: Tính đến ngày 25/3 (tuần 13), trên địa bàn tỉnh có 176 ca nhiễm bệnh TCM lâm sàng ở 47 xã/9 huyện, thành, thị. Đặc biệt, hai tuần gần đây, số lượng bệnh nhân đã tăng lên từ 20-30 người mắc bệnh mới phải nhập viện. Bệnh xuất hiện ở trẻ từ tuổi từ 1-5, chưa xuất hiện ổ dịch lớn. Không có trường hợp biến chứng nặng. Đã phân lập nhưng chưa phát hiện trường nào mắc chủng EV71 (nhóm có độc lực cao và dễ gây biến chứng dẫn đến tử vong).

 

P.V: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, Trung tâm đã triển khai nhưng công việc gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Lê Minh: Ngày 26/3, Trung tâm đã có Công văn về việc tăng cường công tác phòng chống TCM gửi trung tâm y tế các huyện, thành thị; các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa 7 huyện, đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường triển khai một số nội dung: Chủ động giám sát, phát hiện và lập danh sách các trường hợp bệnh tại các bệnh viện, cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ, trường tiểu học, gia đình và cộng đồng.

 

Chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ các trạm y tế triển khai thực hiện công tác giám sát phòng chống dịch trên địa bàn quản lý. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế trường học về giám sát, phòng chống dịch và chẩn đoán, điều trị bệnh TCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục về phòng, chống dịch bệnh TCM cho cán bộ, nhân dân. Thực hiện thống kê, báo cáo theo định kỳ và theo hướng dẫn của Sở Y tế.

 

Về phía Trung tâm, đã thành lập 4 đội chống dịch cơ động cấp tỉnh, đội chống dịch ở các huyện, thành thị. Đồng thời rà soát lượng thuốc, hoá chất dự trữ, máy móc đảm bảo… để xử lý tốt khi có dịch bệnh xảy ra. Chúng tôi đx thnafh lập 3 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các huyện thnah thị. Các đây hơn 1 tháng (23/2) Trung tâm đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh TCM với các nội dung: Kiện toàn hệ thống phòng, chống dịch bệnh các cấp; hỗ trợ các Trung tâm y tế tuyến huyện trong việc triển khai các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch bệnh theo phương châm giảm mắc giảm tử vong. Điều trị các ca bệnh lâm sàng và xử lý triệt để các ổ dịch…

 

P.V: Ông khuyến cáo gì để việc phòng, chống dịch TCM trên địa bàn đạt hiệu quả?

 

Ông Nguyễn Lê Minh: Bệnh TCM do vi rút gây phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng tỳ đè… Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị dự phòng, bao vây giảm nhẹ triệu chứng. Trong khi thời tiết không thuận lợi, nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện có lợi cho dịch bệnh nói chung, bệnh TCM nói riêng phát triển. Vì thế, việc phòng, chống dịch bệnh không phải công việc riêng của ngành Y tế, mà cần sự vào cuộc, coi đó là trách nhiệm của cả cộng đồng, bắt đầu từ mỗi gia đình đến chính quyền và không được chủ quan. Khi có bệnh nhân mới xuất hiện cần theo dõi sát từ gia đình đến bệnh viện để tìm ra mối liên quan, khống chế sự lây lan của dịch bệnh…

 

P.V: Xin cảm ơn ông!