Đây có lẽ là vấn đề mà không phải đơn vị khai khoáng nào trên địa bàn cũng có thể làm tốt. Thực tế cho thấy, rất nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này thường mất khá nhiều thời gian trong việc phải giải quyết đơn thư khiếu nại cũng như những thắc mắc của người dân sống gần vùng mỏ.
Đây có lẽ là vấn đề mà không phải đơn vị khai khoáng nào trên địa bàn cũng có thể làm tốt. Thực tế cho thấy, rất nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này thường mất khá nhiều thời gian trong việc phải giải quyết đơn thư khiếu nại cũng như những thắc mắc của người dân sống gần vùng mỏ. Đó là hệ quả của việc các chủ mỏ chỉ biết sản xuất thu lợi cho doanh nghiệp mà ít quan tâm tới việc giải quyết những ảnh hưởng xấu về môi trường do đơn vị gây ra đối với người dân quanh vùng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì không phải đơn vị nào cũng “vô cảm” trước những khó khăn của người dân địa phương. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến một doanh nghiệp đã và đang làm khá tốt vấn đề này, đó là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long). Được biết, doanh nghiệp này đã có những động thái rất tích cực nhằm giúp đỡ cải thiện đời sống, sinh hoạt cho bà con xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai), nơi đơn vị đang tiến hành quá trình khai thác khoáng sản.
Chúng tôi đã có buổi thực tế tại xóm Xuyên Sơn và tiếp xúc với một số hộ dân sống gần khu vực mỏ của Công ty Thăng Long để tìm hiểu rõ vấn đề này. Đi dọc bờ kênh dẫn nước tưới từ khu vực khai thác vàng sa khoáng của Công ty Thăng Long chảy qua địa phận xóm Xuyên Sơn đổ ra cánh đồng Khắc Kiệm và một số ruộng trồng màu lân cận, chúng tôi thấy dòng nước có màu hơi đục vàng, nhiều đoạn bồi lắng bùn non khá dầy. Bà Hoa, một người dân trong xóm nói: “Bá thấy thỉnh thoảng nước lại đục ngàu như vậy. Không biết là có phải ô nhiễm không, nhưng cây màu của bá khi tưới thứ nước này thấy lên chậm hơn trước đây”.
Ông Tráng, người có gần 3 sào ruộng ở Khắc Kiệm cũng cho hay: Từ nhiều năm nay nguồn nước tưới rau của gia đình phụ thuộc vào kênh dẫn thuỷ nông của xóm. Gần đây nguồn nước này có biểu hiện bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng của Công ty Thăng Long nên năng suất cây trồng của gia đình cũng thụt giảm đi ít nhiều. Một số người dân khác trong xóm cũng phản ánh về vấn đề này và cho rằng do nguồn nước bị ô nhiễm nên gần chục héc - ta rau màu của người dân bị ảnh hưởng. Bà con đã đưa vấn đề trên phản ánh với lãnh đạo Công ty Thăng Long, đồng thời làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng của huyện đề nghị kiểm tra, xác định rõ mức độ ô nhiễm của nguồn nước.
Chúng tôi đã mang vấn đề này trao đổi với những người có trách nhiệm của Công ty Thăng Long thì được biết, việc khai thác khoáng sản của Công ty làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới của người dân xóm Xuyên Sơn là có thật, song mức độ ảnh hưởng thế nào thì còn đang trong quá trình xác minh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc phụ trách mỏ của Công ty Thăng Long thì mặc dù chưa xác định rõ liệu nguồn nước có ô nhiễm hay không nhưng thời gian qua Công ty đã rất quan tâm, lo lắng đến những khó khăn trong cuộc sống của bà con. Sau khi đi khảo sát thực tế điều kiện canh tác của người dân địa phương, Công ty nhận thấy mình cần có trách nhiệm giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn cho bà con nên năm 2011, đơn vị đã quyết định hỗ trợ 56 hộ dân trong xóm mỗi hộ 10 triệu đồng để lo rau xanh phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, Công ty đã nghiên cứu, nghĩ ra phương án xây bể nước phục vụ tưới rau cho bà con và hiện đã đầu tư xây được 5 bể chứa nước dung tích lớn đủ phục vụ nhu cầu của người dân. Trước đó, khi mới tiếp nhận dự án, Công ty đã nghiên cứu và quyết định đầu tư tiền của, công sức nạo vét lòng đập Khắc Kiệm để làm bể lắng nước thải vừa giúp giảm thiểu ảnh hưởng của nguồn nước thải đến cuộc sống của người dân vừa bảo vệ con đập.
Trước khi thực hiện công việc này, Công ty đã bố trí kinh phí 3,2 tỷ đồng giúp đỡ người dân trong xóm (mỗi hộ được nhận trên 50 triệu đồng) sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện đầu tư canh tác, làm kinh tế. Cùng với đó, Công ty Thăng Long đã tiến hành rà soát địa bàn, những vấn đề gì đang là khó khăn đối với người dân địa phương mà đơn vị có khả năng giúp thì đều triển khai thực hiện. Cụ thể, Công ty đã tiến hành lắp đặt đường ống bằng sắt kiên cố dẫn nước phục vụ sản xuất; sửa chữa, thay mới ống dẫn nước sinh hoạt cho bà con; xây dựng nhà văn hoá xóm (thời gian tới tiếp tục xây thêm một nhà văn hoá nữa), trường mầm non… với kinh phí hàng tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đã xây dựng trạm biến áp và kéo điện về phục vụ sản xuất, đồng thời giúp bà con có nguồn điện sinh hoạt lấy từ điện lưới quốc gia. Trong thời gian qua, các hộ dân trong xóm được sử dụng điện qua Công ty mà chưa phải đóng một đồng phí tiêu thụ nào.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Quý, Giám đốc Công ty tâm sự: Đồng bào vùng sâu, vùng xa của chúng ta còn khó khăn lắm, vì thế nếu trong khả năng giúp đỡ được gì cho họ chúng tôi luôn sẵn sàng, tất nhiên là phải loại trừ những trường hợp cố tình ỉ lại, thiếu cố gắng vươn lên trong cuộc sống và có ý định “vòi vĩnh”. Hiện tại, Công ty đang cho mời cơ quan chức năng vào giám định nguồn nước thải, nếu ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thì đơn vị sẽ nghiên cứu thực hiện các biện pháp xử lý hữu hiệu nhất có thể…
Trên đây là trường hợp điển hình mà chúng tôi muốn nêu ra nhằm qua đó gửi tới các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng trên địa bàn tỉnh một thông điệp: Đừng chỉ vì lợi ích của đơn vị mà “vô cảm” trước những khó khăn, vất vả của người dân sống gần vùng mỏ, bởi chính họ là những người phải trực tiếp gánh chịu những ảnh hưởng xấu từ hoạt động khai khoáng gây ra.