Sau một thời gian dài vận động, hiệp thương với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, ngày 18-1-2012, CLB Nhà báo nữ của tỉnh đã chính thức ra mắt hoạt động.
Đây là CLB Nhà báo nữ thứ 48 trong toàn quốc. TNĐT giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Phó Chủ tịch CLB Nhà báo nữ tỉnh để độc giả hiểu sâu sắc hơn về mô hình, tổ chức, hoạt động của CLB này.
Xin chị giới thiệu đôi nét về Câu lạc bộ (CLB), số lượng hội viên, quá trình vận động để hình thành CLB Nhà báo nữ Thái Nguyên?
Đ/c Đỗ Thị Thìn: Hiện nay trong tổng số 109 hội viên Hội Nhà báo tỉnh có 54 nữ nhà báo là thành viên của CLB nữ nhà báo của tỉnh. Có thể khẳng định quá trình vận động và ra mắt CLB Nhà báo nữ của tỉnh Thái Nguyên là cả một chặng đường dài. Đó là phải kể đến thời điểm năm 2005, khi CLB Nhà báo nữ Việt Nam mời Hội Nhà báo tỉnh tham gia hội thi nấu ăn, tiếp đó là hội thảo nhà báo nữ với nghề…. Ngay thời điểm này, lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh đã có ý tưởng xây dựng CLB nữ các nhà báo của tỉnh. Song khi BCH Hội Nhà báo tỉnh đưa ra bàn bạc thì nhận thấy có nhiều cái "khó" vì ở Thái Nguyên chưa có một mô hình CLB nữ nào sinh hoạt nghiệp vụ như vậy để học tập. Bên cạnh đó, hoạt động của chính tổ chức Hội Nhà báo tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn do hội viên trải đều ở các cơ quan báo chí. Đến năm 2007, một lần nữa BCH Hội tiếp tục đưa ra bàn thảo, song lại có nhiều ý kiến trái ngược nhau về mô hình, kinh phí hoạt động, con người…
Đến cuối năm 2011, sau nhiều cuộc họp, hiệp thương với các các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh đã quyết định thành lập CLB nhà báo nữ của tỉnh. Và ngày 18-1-2012 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của CLB Nhà báo nữ. Ban Chủ nhiệm CLB gồm 5 chị đại diện các cơ quan báo chí trong tỉnh. Ngày 2-3 vừa qua, CLB đã tổ chức gặp mặt các nhà báo nữ. Thật vinh dự tại buổi gặp mặt đã có sự tham dự của đồng chí Phạm Mỵ, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên - Môi trường, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam và các chị em trong Ban Chủ nhiệm CLB tham dự. Tại buổi gặp mặt này, CLB đã tổ chức cho các nhà báo nữ đăng ký trở thành hội viên chính thức. Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm CLB đã tổ chức cho 4 lãnh đạo nữ của tỉnh đăng ký trở thành hội viên danh dự của CLB là đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Thị Huệ, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Vi Thị Chung, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
* Câu lạc bộ có những quy định như thế nào về hoạt động? Có kế hoạch hoạt động trong tương lai như thế nào để có thể tập hợp được sức mạnh của các nhà báo nữ, tạo một sân chơi nghiệp vụ cho các nhà báo nữ, đồng thời tạo được tiếng nói của nhà báo nữ trong làng báo?
Đ/c Đỗ Thị Thìn: Đa số chị em hội viên của CLB Nhà báo nữ tỉnh tham gia sinh hoạt công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh, thuộc các đơn vị như: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Văn nghệ, Đài Truyền thanh -Truyền hình thành phố.... Để hoạt động của CLB Nhà báo nữ của tỉnh thiết thực, hiệu quả, phát huy được trí tuệ tập thể khi xây dựng các tác phẩm báo chí phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống và thông tin các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thời gian tới CLB Nhà báo nữ sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy, xem xét kết nạp thêm hội viên mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xây dựng CLB ngày càng lớn mạnh; phân công thành viên phụ trách từng mảng và thành lập các tổ, nhóm theo sở thích và năng khiếu.
Chúng tôi dự định sẽ tổ chức các buổi hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, khẳng định vai trò nữ giới trong sự nghiệp báo chí của tỉnh. Ngoài công việc chuyên môn, CLB sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao; tổ chức mời các chuyên gia về nói chuyện cho hội viên nghe các chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp, thi nấu ăn… nhân các sự kiện lễ hội lớn của đất nước và của ngành; tích cực tham gia các hoạt động du khảo về nguồn, vận động các nhà hảo tâm để phối hợp làm tốt công tác từ thiện nhân đạo tặng quà cho các gia đình chính sách, neo đơn, trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học; tổ chức thăm hỏi động viên hội viên lúc đau ốm, hoạn nạn; khen thưởng những hội viên năng nổ, tích cực trong hoạt động chuyên ngành, vận động và phối hợp tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện, chăm lo công tác an sinh xã hội….
* Chị có thể giới thiệu một vài gương mặt ấn tượng của CLB?
Đ/c Đỗ Thị Thìn: Trong số hơn 400 người đang hoạt động trong các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thì có gần 50% là nữ. Trong những năm qua nhiều cây bút nữ đã thể hiện rõ bản lĩnh người làm báo, sự năng động, xông xáo, nhiệt tình, khả năng tiếp cận nhanh với kỹ thuật làm báo hiện đại, nên các tác phẩm báo chí của chị em đáp ứng kịp thời yêu cầu thời sự và tỏ ra sắc sảo hơn. Nhiều tác phẩm báo chí của chị em đã tạo dư luận xã hội tốt, thu hút sự quan tâm của người đọc, người nghe, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đội ngũ nhà báo nữ của tỉnh hiện nay, ngày càng có nhiều chị được tín nhiệm tham gia vào công tác quản lý báo chí và các chị đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cũng như năng lực trên cương vị mới như chị Nguyễn Thuý Quỳnh, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ; Giang Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ của tỉnh; Nguyễn Thị Vũ Anh, Trưởng phòng Thời sự Đài PT-TH tỉnh… Nhiều cây bút nữ đã đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi viết báo chí cấp Quốc gia, cấp tỉnh như: Nhà báo Nguyễn Minh Hằng - Trưởng phòng Thư ký Xuất bản, Vi Thị Thu Lan, Trưởng phòng Phóng viên Kinh tế, Báo Thái Nguyên; Đỗ Thu Hiền, Phó phòng Thời sự, Nguyễn Tố Việt Hương, Phó phòng Phim Đài PT - TH tỉnh…
* Môi trường hoạt động của các nhà báo nữ ở tỉnh có những đặc thù gì riêng? Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tác nghiệp?
Đ/c Đỗ Thị Thìn: Nghề báo được coi là “nghề nguy hiểm” và lao động nặng nhọc. Nguy hiểm về tính mạng, nguy hiểm bởi sự cám dỗ của chính nghề nghiệp. Nặng nhọc bởi thời gian, cường độ công việc cũng như áp lực công việc, môi trường làm việc. Thời gian làm việc của nhà báo không thể tính bằng giờ hành chính, chẳng phải 8 tiếng một ngày, 40 giờ một tuần như người ta. Nghề báo với nam giới đã là khắc nghiệt, với phụ nữ - lâu nay vốn được xem là phái yếu thì lại càng thêm phần gian truân hơn bởi vai trò là người phụ nữ, người chị, người vợ, người mẹ... trong gia đình. Phụ nữ chọn nghề làm báo là đã gánh lên vai một gánh nặng, cực nhọc tăng gấp đôi: một bên là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với khán thính giả, với xã hội, bên kia là gia đình, trách nhiệm nuôi dạy con cái...
Đặc thù tác nghiệp của nữ nhà báo ở Thái Nguyên có lẽ được thể hiện khá rõ nét là địa bàn rộng, nhiều xã miền núi, vùng cao khó khăn. Thế nhưng nhiều nữ phóng viên đã không quản ngại gian nan vất vả, thậm trí là nguy hiểm để tiếp cận những địa bàn cách trở nhằm phản ánh những thông tin nhanh nhạy, sống động nhất đến với bạn đọc, bạn xem truyền hình. Đó là những khó khăn, nhưng thuận lợi với các chị là các cơ quan luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các chị được học tập nâng cao trình độ, cũng như xây dựng các cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ về phương tiện tác nghiệp cho các nhà báo nói chung, nhà báo nữ nói riêng.
* Chị có cho rằng sự ra đời của CLB Nhà báo nữ sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của các nhà báo nữ?
Đ/c Đỗ Thị Thìn: Như đã nói ở trên, hiện số nhà báo nữ của tỉnh hiện chiếm gần 50% tại các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Với bản lĩnh của người làm báo, vượt qua những trở ngại của “phái yếu”, các nhà báo nữ đã “xung trận”, phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất của xã hội, những phóng sự có tính khám phá, điều tra, phát hiện, những bài viết chuyên sâu, phân tích, định hướng dư luận…và trong các cuộc thi viết về các chuyên đề, trong các giải báo chí quốc gia, các ngành và các địa phương…tất cả đều có những “bóng hồng” ở phía sau. Với sự giúp đỡ của CLB Nhà báo nữ Việt Nam, sự ra đời CLB Nhà báo nữ của tỉnh sẽ là sân chơi, giao lưu nghiệp vụ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho chị em, cũng như tạo cơ hội cho chị em được sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, Ban Chủ nhịêm CLB Nhà báo nữ rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của CLB Nhà báo nữ TW cũng như CLB Nhà báo nữ các địa phương trong cả nước để hoàn thành tốt công tác chuyên môn, đồng thời tham gia có hiệu quả các hoạt động xã hội hữu ích. Tôi mong muốn CLB Nhà báo nữ sẽ thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho chị em nữ đang công tác tại các cơ quan báo chí phát huy hết năng lực, sở trường, đóng góp nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền của các địa phương, thực sự trở thành mái nhà chung ấm áp mà chị em nhà báo nữ luôn tìm về./.
* Xin chân thành cám ơn chị!