Những năm qua, Bệnh viện Gang Thép đã có nhiều việc làm cụ thể để nâng cao trình độ khám, chữa bệnh góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
Mời các chuyên gia ở các bệnh viện chuyên ngành của Trung ương, của tỉnh đến bệnh viện để thực hiện các bệnh khó, cử bác sĩ đi học tập các kỹ thuật mới, chuyên sâu, mua sắm thiết bị, máy móc… đó là những việc làm cụ thể để nâng cao trình độ khám, chữa bệnh của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Gang Thép, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
17 tháng Chạp, bệnh nhân Dương Quang Tiến, xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá (Phú Bình) nhập viện trong tình trạng bị đâm thủng động mạch chủ và vết thương tĩnh mạch thận trái, bệnh nhân mất rất nhiều máu, nếu chuyển lên tuyến trên sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Trước tình hình đó, Bệnh viện đã mời bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên) giúp đỡ. Chỉ vài chục phút sau, các bác sĩ đã có mặt kịp thời và phẫu thuật thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và đã xuất viện. Đây là trường hợp mới nhất mà Bệnh viện Gang thép có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong cấp cứu bệnh nhân.
Một số trường hợp bệnh nhân nhập viện phải tiến hành phẫu thuật nhưng người nhà muốn được chuyển về Hà Nội, Bệnh viện là liên hệ mời các bác sĩ lên mổ tại Bệnh viện, vừa đỡ tốn kém cho bệnh nhân, vừa là cơ hội để các y, bác sĩ học hỏi thêm qua việc phụ mổ. Chị Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Những năm trước, nhiều ca chấn thương chỉnh hình phức tạp, mổ nội soi, tán sỏi niệu quản, cắt tử cung bán phần… chúng tôi đều phải mời các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện phụ sản Trung ương (Hà Nội) hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc nhưng hiện nay các kỹ thuật đó Bệnh viện đều đã thực hiện thành thạo. Qua các ca hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên, các y, bác sĩ đã học hỏi được rất nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện thành thạo các thủ thuật và làm chủ máy móc hiện đại, hàng năm Bệnh viện đều gửi bác sĩ, điều dưỡng về học tập tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện phụ sản Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Trường Đại học Dược Thái Nguyên…
Bản thân chị Hiền đã có 3 năm rưỡi học ở Bệnh viện Việt Đức, nên khi gặp ca bệnh khó, không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nếu chờ bác sĩ ở tuyến trên thì phải mất khoảng 2 giờ, chị có thể xin ý kiến của các thầy qua điện thoại, gửi hình ảnh qua email để có quyết định phù hợp. Cùng với đó, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trên địa bàn cũng giúp đỡ, tạo điều kiện rất nhiều về ngoại khoa, chỉnh hình, gây mê... Chỉ tính riêng năm 2011, Bệnh viện đã tạo điều kiện cho 33 người đi học, trong đó chuyên khoa I có 10 người, chuyên khoa II có 2 người… Ngoài liên kết đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, hàng năm tại Bệnh viện còn tổ chức báo cáo chuyên môn theo chuyên đề, báo cáo đề tài sáng kiến, tổ chức bình bệnh án… để các cán bộ, y, bác sĩ cùng trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm.
Bên cạnh tạo mối quan hệ tốt với các bệnh viện tuyến trên để các thầy thuốc có điều kiện nâng cao tay nghề, Bệnh viện còn quan tâm hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án 1816 tại huyện Phú Bình, Võ Nhai. Bệnh viện đã chuyển giao các kỹ thuật: Cắt tử cung bán phần cho bệnh nhân sản tại Bệnh viện huyện Đồng Hỷ; hệ thống mạng LAN quản lý, chuyển giao cách tổ chức khám và điều trị ngoại trú bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện huyện Võ Nhai… Là bệnh viện thực hành cho sinh viên Trường Đại học Y - Dược, Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, mỗi năm tạo điều kiện cho khoảng 1 nghìn sinh viên Y4, Y6, chuyên tu thực tập.
Với phương châm coi bệnh nhân như người thân của mình, năm 2011, Bệnh viện triển khai hiến máu tình nguyện trong đội ngũ thầy thuốc. Riêng Ngày hội xuân hồng vừa được tổ chức cuối tháng 2, Bệnh viện cử 13 người trong số 40 cán bộ, y, bác sĩ đăng ký tham gia. Để kịp thời cung cấp máu cứu sống bệnh nhân, nhiều bác sĩ, y tá đã cho máu ngay khi rời phòng mổ, có cán bộ vừa mổ được 2 tháng cũng tự nguyện cho máu như chị Trần Thị Sinh, khoa Xét nghiệm, chị Nguyễn Quốc Hiền, phòng Tổng hợp, Hoàng Vũ Phong, khoa Dược… Chị Hiền cho biết thêm: Nhiều người nhà bệnh nhân không dám cho máu vì sợ nhưng khi thấy các bác sĩ trực tiếp cho máu cứu sống người thân của mình nên họ cũng làm theo. Vì thế, nhiều ca bệnh được cứu sống, bởi hiện nay lượng máu dự trữ của Bệnh viện rất thiếu, không đủ cung cấp nên những “ngân hàng” máu sống của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ là rất cần thiết, chúng tôi sẽ duy trì mô hình này để tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người nhà bệnh nhân hiến máu cứu người…
Với những cố gắng đó, Bệnh viện đã cấp cứu nhiều ca bệnh hiểm nghèo như ngưng tuần hoàn, suy hô hấp nặng, shock do nhồi máu cơ tim, cấp cứu và phẫu thuật thành công những ca shock đa chấn thương do vỡ phức tạp nhiều tạng; mổ nội soi tiết niệu, cắt túi mật; tiếp tục mổ rộng có ghép kết mạc tự thân, tán sỏi niệu quản qua nội soi… Công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện luôn đạt trên 130%.