Luôn là “người bạn” của trẻ em

09:54, 02/03/2012

Trong căn nhà cũ chẳng có gì đáng giá, bao năm qua, bà Vũ Thị Sinh, 85 tuổi ở xóm Hiệp Lực, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) với đứa chắt ngoại bị thiểu năng trí tuệ đã sống như vậy.

Nhận được thông tin từ cán bộ y tế thôn bản xóm Hiệp Lực về trường hợp bé Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 2004, bị thiểu năng trí tuệ đang ở với cụ ngoại đã 85 tuổi không còn khả năng lao động và chăm sóc cháu bé, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (Sở Lao động - TBXH) đã đến tận nơi để tìm hiểu, tư vấn, vận động bà cụ cho cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Thấy có khách đến, bé Hoa chạy vào nhà ú ớ nói với cụ và tỏ ra rất vui.

 

Đang giã dở miếng trầu, bà Sinh dừng tay mời chúng tôi vào nhà và giải thích: “Con bé bị câm, điếc nhưng cái gì cũng biết. Thấy có người đến nó mừng lắm vì hàng ngày chỉ có hai cụ cháu ở với nhau. Mẹ nó mất lúc nó được 8 tháng tuổi và ở với cụ đến nay. Nó không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác nên tôi càng thương nó hơn”. Được biết, bà Sinh có 8 người con, giờ chỉ còn 5 người nhưng đứa thì nghiện ma túy, đứa đang ở trong tù, nên bà hiện sống một mình. Cuộc sống của hai cụ cháu trông cả vào số tiền hỗ trợ trẻ tàn tật và người nuôi dưỡng trẻ tàn tật được 360 nghìn đồng/tháng. Thấy hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của hai cụ cháu, thỉnh thoảng bà con hàng xóm lại cho cụ cân gạo, mớ rau. Cụ cháu dựa vào nhau sống qua ngày. Vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng khi cán bộ Trung tâm vận động cụ cho cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thì bà Sinh nói trong nước mắt: Thấy cháu thiếu thốn đủ thứ cũng muốn cho cháu đi nhưng cụ cháu ở với nhau mấy năm nay nên tôi không nỡ xa nó. Tôi không còn sống được bao lâu nữa nên khi nào tôi qua đời thì nhờ các bác đưa nó vào Trung tâm Bảo trợ. Nó không nói, không nghe được nhưng bảo gì cũng biết, khi cụ ốm nó biết lấy nước cho cụ uống. Có lần tôi đùa nó giả vờ chết, nó khóc ầm lên. Có nó cuộc sống của tôi đỡ tủi nhiều…

 

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp liên quan đến trẻ em mà Trung tâm Công tác xã hội trẻ em nhận được qua đường dây tư vấn miễn phí hỗ trợ trẻ em 18008080. Đường dây tư vấn miễn phí được thiết lập và đi vào hoạt động từ tháng 12-2011 với chức năng: Cung cấp, kết nối các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em; hỗ trợ tâm lý, tham vấn, trị liệu, tôn trọng quyền và lợi ích của trẻ; kết nối chia sẻ tìm nguồn tài trợ; chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng; đào tạo phương pháp dạy trẻ cho các bậc cha mẹ… Dù mới hoạt động, nhưng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các em học sinh cũng như những người chăm sóc trẻ em. Đã có trên 100 cuộc gọi đến để nhờ can thiệp, giúp đỡ, trong đó chủ yếu là những thắc mắc của trẻ về tâm sinh lý, cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, chế độ dinh dưỡng…

 

Đặc biệt, có 2 trường hợp nhờ Trung tâm can thiệp trực tiếp, đó là: Trường hợp trẻ 4 tuổi bị bệnh tự kỷ ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên), Trung tâm đã tiếp nhận và kết nối dịch vụ để điều trị, hiện đang phối hợp với bệnh viện để trị liệu tâm lý và phục hồi cho trẻ. Trường hợp thứ hai là vi phạm quyền trẻ em ở T.X Sông Công, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng… Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 42 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em sống trong hộ nghèo. Những trẻ em này thường có tâm lý không ổn định, tùy theo hoàn cảnh mà trẻ thường mặc cảm, hoang mang, lì lợm, thậm chí hung bạo. Gần đây, báo chí đã nêu một số trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, bạo hành gia đình, ngược đãi, bỏ rơi, tai nạn thương tích… nhưng còn rất nhiều trường hợp trẻ không được quan tâm, chăm sóc hoặc sống trong gia đình cha mẹ ly hôn, ly thân, gia đình bất hòa dẫn đến trẻ bị tổn thương về tâm lý, mặc cảm, tự ty và dễ có hành động hung bạo với người khác khi lớn lên.

 

Các em rất cần sự tư vấn, hướng dẫn để có hành vi đúng. Hiện nay, công tác tư vấn, tham vấn các vấn đề liên quan đến trẻ em tại Thái Nguyên mới chỉ dừng lại ở các cuộc tư vấn cộng đồng, một số nơi có trao đổi trực tiếp tại gia đình để tìm hiểu và hỗ trợ khó khăn khi cần giúp đỡ. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ tham gia tư vấn ở các xã, phường chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản nên nhiều vấn đề cấp bách của trẻ em và gia đình chưa được giải quyết kịp thời, triệt để.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm cho biết: Việc thiết lập đường dây tư vấn miễn phí hỗ trợ trẻ em là rất cần thiết. Những tâm sự mà các em không thể nói với cha mẹ thì lại có thể tin tưởng chia sẻ với chúng tôi. Trẻ thắc mắc rất nhiều trong quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô, các biến đổi tâm sinh lý, quyền trẻ em, quan hệ tình dục, định hướng nghề nghiệp… Người gọi không phải trả khoản phí nào, được sẻ chia, giữ bí mật, riêng tư, tin cậy, thân thiện, lắng nghe. Những thông tin từ các chuyên gia tâm lý, những sẻ chia của người lớn sẽ giúp trẻ hòa nhập, phát triển bình thường, góp phần thực hiện quyền trẻ em và sự phát triển toàn diện của trẻ…